Diễn viên dính scandal: 'Sâu làm rầu', đổ hết nồi canh?
Đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một độc giả bình luận: 'Vì 'con sâu làm rầu nồi canh' nên phải đổ cả nồi canh đi chứ ăn làm sao được'.
Một người dính scandal, cả tập thể phạm lỗi?
Đó là thắc mắc của độc giả Thanhan sau khi đọc bài viết ''Diễn viên dính scandal, sao lại đòi cấm chiếu cả phim?'' được đăng tải trên VietNamNet. Bạn đọc này chia sẻ: “Nghệ sĩ là người công chúng? Tôi nghĩ: nghệ sĩ chỉ là người công dân có trội hơn người về một vài năng khiếu nào đó; họ đang dùng "vốn trời cho" để tìm miếng cơm, manh áo. Một bộ phim là của một tập thể tạo dựng nên, không phải của riêng ai. Một cá nhân trong một tập thể phạm lỗi thì được coi là cả tập thể ấy phạm lỗi ư?”.
Trong khi đó, bạn Hữu Nghĩa đặt chia sẻ: “Mỗi tác phẩm có hàng chục diễn viên. Nếu vì một người dính scandal mà hủy cả tác phẩm là quá bất công”.
Cùng quan điểm, độc giả tên Long cho biết: “Không thể vì một vài diễn viên mà cấm cả bộ phim, đó là công sức của rất nhiều thành viên khác. Họ chẳng có tội gì cả sao lại phạt lây sang họ? Đừng quá cực đoan”. Bạn Thịnh đặt vấn đề: “Việc gì ra việc đó. Việc vi phạm đạo đức của nghệ sĩ ở thời gian phát hiện nên xử lý từ thời điểm đó. Cớ sao lại quay ngược xóa những tác phẩm trong quá khứ?”.
Tiếp tục chủ đề này, độc giả Huynh Thanh Dien nêu ý kiến: “Việc vi phạm của diễn viên hoặc thành viên đoàn làm phim (nếu có) tự họ chịu trách nhiệm trước pháp luật... Những phát ngôn nên để tự khán giả xem xét, nếu thấy nghệ sĩ tốt họ xem, còn không tốt thì không xem. Vấn đề "đạo đức" nên để tự thị trường quyết định”.
Cùng chung quan điểm, bạn Hoang Anh Thoi đặt vấn đề: “Trước khi đi đóng phim có nên chọn một hội đồng đạo đức để chọn diễn viên không? Đời tư của diễn viên không phản ánh giá trị của tác phẩm. Một người vi phạm pháp luật thì có pháp luật xử lý, phạm trù đạo đức không thể chỉ một vài việc làm mà đã đánh giá được’.
Khán giả thông minh, phim tự… “chết yểu”
Đó là nhận xét từ độc giả TrongHa: “Chỉ cần khán giả thông thái, nếu bộ phim có nghệ sĩ vướng scandal vẫn được chiếu thì bộ phim đó cũng tự "chết yểu" thôi”.
Bạn đọc này là một trong số rất nhiều người ủng hộ đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức của các đại biểu Quốc hội. Độc giả Nguyễn Phương thẳng thắn đề nghị: “Dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn vi phạm đạo đức”. Còn bạn Đức Minh thì tin tưởng, “điều này được áp dụng sẽ xóa bỏ chiêu trò các nhà sản xuất dùng diễn viên để tạo scandal, PR cho phim’.
Độc giả Luongv nêu quan điểm: “Nghệ sĩ là người công chúng. Nếu không có đời sống nghiêm túc, chuẩn chỉnh thì đừng lên màn hình. Muốn giáo dục, văn hóa tốt cần nghiêm khắc!”. Trong khi đó, bạn Trần Linh lại đặt câu hỏi: “Tại sao cấm phim khi diễn viên có vấn đề? Rõ ràng tư duy thiển cận”.
Phản bác quan điểm này, độc giả Hoàng Minh nêu ý kiến: “Thiển cận là thế nào? Tôi thấy hoàn toàn đúng, có như vậy nhà sản xuất mới xem xét kỹ càng trước khi hợp tác với nghệ sĩ, cũng như nghệ sĩ có trách nhiệm lớn hơn với nhà sản xuất để giữ mình”. Bạn Thong Tran cũng đồng ý: “Thế mới hết được cái trò ra phim là diễn viên bôi trét đủ thứ để làm nóng thiệt hại thì diễn viên gây ra phải chịu nhé, nhà sản xuất ký hợp đồng trước là xong, khỏi lo”.
Đức Vương thì tin tưởng, có những luật như thế diễn viên mới nghiêm túc chấn chỉnh đời sống riêng tư: “Đạo diễn, nhà sản xuất cũng phải chọn mặt gửi vàng. Chứ không thể bừa phứa, chọn diễn viên vì cái tên đang hot còn lại bất chấp, không quan tâm tới những điều khác được!”.
Bạn Minh Hoàng chia sẻ: “Nếu các nghệ sĩ mà có cách sống thiếu đạo đức, phát ngôn tùy tiện, lệch chuẩn dứt khoát sẽ bị khán giả tẩy chay, nhất là thời gian qua có một số ít nghệ sĩ bị tai tiếng trong việc ăn chặn từ thiện. Họ đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng trăm các nghệ sĩ, ca sĩ chân chính...”.
Bạn Minh Hoang cũng cho biết thêm khi trả lời ý kiến của độc giả Huynh Thanh Dien: “Vấn đề đạo đức của diễn viên vô cùng quan trọng vì họ là "sao, người nổi tiếng". Nếu theo bạn nói: Vấn đề đạo đức nên để thị trường quyết định là không được. Theo tôi vấn đề phim trước khi phát hành dứt khoát phải được tiền kiểm duyệt...”. Đây cũng là ý kiến mà các cơ quan chức năng liên quan cần lưu ý tham khảo trước khi chính thức công bố Luật điện ảnh (sửa đổi).
Lê Cúc (Tổng hợp)