Điện vươn khơi, thắp sáng biển đảo Tổ quốc
Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ánh điện đã chiếu sáng từ thành thị tới nông thôn, từ đất liền ra hải đảo. Đối với các huyện, đảo phía Nam Tổ quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thực hiện trọng trách bảo đảm điện.
Kỳ tích giữa trùng khơi
Từ những ngày đầu thống nhất đất nước đến nay, hành trình đưa điện ra biển đảo luôn là một trong những mục tiêu chiến lược của ngành điện. Không chỉ đơn thuần là kéo dây, dựng trụ, nhiều dự án đưa điện vượt biển là kỳ tích về kỹ thuật, là nỗ lực vượt giới hạn con người. Công nghệ thi công cáp ngầm ngoài khơi bằng robot điều khiển từ xa, vật liệu chịu mặn… đều lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Tiêu biểu có công trình đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc - là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Công trình được EVNSPC đóng điện và đưa vào vận hành tháng 2.2014. Nhờ đó, giá điện Phú Quốc đã về mức cùng "mặt bằng" như giá trong đất liền, từ trung bình là 5.060 đồng/kWh đã giảm gần 50% so với thời điểm chưa có điện lưới quốc gia.

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ảnh: EVN
Đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam và là đường dây 220kV vượt biển dài nhất khu vực Đông Nam Á - Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Công trình được đóng điện vận hành giai đoạn 1 trong tháng 10.2022, giúp tăng cường năng lực cung ứng điện cho đảo Phú Quốc thêm 500MW, gấp 5 lần công suất sử dụng điện trước đó và đáp ứng nhu cầu về điện đến năm 2035.
Khi điện lưới quốc gia có mặt tại xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang) từ năm 2016, sự chuyển mình nhanh chóng xuất hiện; nhiều người trẻ trở về lập nghiệp, phát triển du lịch.

Điện lưới quốc gia có mặt tại xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang). Ảnh: N. Tuấn
Anh Lâm Quang Thắng - người dân Lại Sơn (Kiên Giang) cho biết, có điện lưới quốc gia, làm du lịch ổn nên anh và nhiều người đi xa đã trở về, từ đó đến giờ cũng yên tâm làm ăn, sinh sống.
Không chỉ Lại Sơn, các xã đảo phía Nam đều có diện mạo mới. Đời sống kinh tế ngày một khá lên, nhiều hộ dân có của ăn, của để, cuộc sống trên đảo giờ không khác với đất liền. Điện cũng sáng hơn, ổn định hơn, đủ tải cho cả những thiết bị công suất lớn như máy lạnh, tủ đông… Bà con nhờ thế mà yên tâm bám biển, bám đảo, phát triển kinh tế.
Tiền tiêu vững chãi - điện tiếp thêm sức mạnh
Bảo vệ chủ quyền trên biển không chỉ bằng quân sự mà còn bằng dân sinh. Ánh điện là một phần của điều đó - giúp chiến sĩ và nhân dân thêm vững lòng nơi đảo xa.

Đoàn công tác EVN, EVNSPC kiểm tra hệ thống điện tại Trường Sa, tháng 5.2024. Ảnh: EVN
Tại Trường Sa, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, từ năm 2017, EVNSPC được giao quản lý hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo cùng Nhà giàn DK1. Nguồn điện ổn định là yếu tố đặc biệt quan trọng để duy trì sẵn sàng chiến đấu và nâng cao đời sống quân dân trên đảo.
Điện cho biển đảo không rẻ - chi phí đầu tư lớn, môi trường nhiễm mặn gây lão hóa thiết bị nhanh, yêu cầu bảo trì cao. EVNSPC vẫn duy trì đầu tư, quản lý vận hành thường xuyên. Không chỉ bảo đảm điện, ngành điện còn tiên phong mang tới hạ tầng số, dịch vụ khách hàng hiện đại đến với các đảo.
Việc vận hành hệ thống lưới điện tại đảo chịu ảnh hưởng của môi trường nhiễm mặn, mưa bão… do đó tuổi thọ của các thiết bị ngắn hơn rất nhiều so với ở đất liền. EVNSPC phải liên tục đầu tư, bảo dưỡng lưới điện, nên chi phí cho quản lý, vận hành, sửa chữa lưới điện tại các đảo vì vậy cũng tăng cao. Để thực hiện nhiệm vụ tại các đảo xa, những người làm điện EVNSPC cũng phải vượt lên chính mình, liên tục phải xa gia đình, xa đơn vị… để hoàn thành nhiệm vụ.
Để người dân đảo được hưởng các dịch vụ điện tiện ích, EVNSPC còn chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ tiên tiến, đưa những dịch vụ điện hiện đại tới các đảo. Giờ đây, người dân các xã đảo đều được sử dụng 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, trải nghiệm hệ sinh thái khách hàng đa kênh; thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, thực hiện các giao dịch theo phương thức điện tử.
Với bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, EVN, EVNSPC đã và đang tiếp tục nỗ lực để giữ ánh điện sáng trên các đảo. Những bước chân người thợ áo cam vẫn đang tiếp tục vượt sóng gió, xây thêm nhiều công trình, bảo đảm điện với chất lượng ngày càng cao, tạo động lực phát triển kinh tế biển đảo và góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.