Google hy vọng đạt thỏa thuận với Apple để đưa AI Gemini lên dòng iPhone 17
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, cho biết một thỏa thuận tiềm năng trong năm nay sẽ giúp mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) Gemini được tích hợp vào Apple Intelligence.
Google hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Apple vào giữa năm nay để đưa công nghệ Gemini của mình lên các mẫu iPhone mới (dòng iPhone 17 dự kiến trình làng vào tháng 9 tới), Giám đốc điều hành Sundar Pichai cho biết trong lời khai tại phiên tòa chống độc quyền ở Washington hôm 30.4.
Sundar Pichai làm chứng để bảo vệ công ty con của Alphabet trước các đề xuất từ Bộ Tư pháp Mỹ, gồm cả việc chấm dứt các thỏa thuận với Apple, Samsung Electronics, AT&T và Verizon để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị di động mới.
Alphabet là công ty mẹ Google và YouTube.
Trong phần chất vấn từ Veronica Onyema (luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ), Sundar Pichai nói dù Google chưa có thỏa thuận với Apple để đưa Gemini của mình lên iPhone, nhưng ông đã bàn với Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook về khả năng này vào năm ngoái.
Sundar Pichai nói rằng một thỏa thuận tiềm năng trong năm nay sẽ giúp Gemini được tích hợp vào Intelligence - bộ tính năng AI riêng của Apple.
Sundar Pichai cũng cho biết Google cũng có kế hoạch thử nghiệm đưa quảng cáo vào ứng dụng Gemini của mình.
Các công tố viên đã tìm cách chứng minh Google có thể mở rộng sự thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến sang AI. Thẩm phán liên bang Amit Mehta năm ngoái đã phán quyết rằng Google duy trì vị thế độc quyền, một phần nhờ chi hàng tỉ USD cho các nhà mạng không dây và hãng sản xuất smartphone.
Thẩm phán đang cân nhắc những hành động mà Google nên thực hiện để khôi phục sự cạnh tranh. Kết quả của vụ kiện có thể làm thay đổi căn bản cách người dùng truy cập thông tin trên internet, thậm chí làm lung lay vị trí thống trị của Google.
Bộ Tư pháp Mỹ và một liên minh rộng lớn các tổng chưởng lý tiểu bang đang thúc đẩy các biện pháp khắc phục, gồm yêu cầu Google bán trình duyệt web Chrome, cấm công ty trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định và yêu cầu chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh.
Hôm 30.4, Sundar Pichai cho biết trong lời khai rằng các điều khoản chia sẻ dữ liệu như vậy sẽ làm giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Google.
Ông nói rằng các điều khoản yêu cầu Google chia sẻ chỉ mục tìm kiếm và dữ liệu truy vấn tìm kiếm của mình là "bất thường", tương đương việc "buộc phải từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến công nghệ tìm kiếm".
"Việc đảo ngược kỹ thuật và xây dựng lại Google Search từ bên ngoài sẽ là điều dễ dàng", doanh nhân 52 tuổi người Mỹ gốc Ấn Độ nói.
Điều này sẽ khiến việc "đầu tư vào nghiên cứu và phát triển theo cách chúng tôi đã làm trong hai thập kỷ qua trở nên không còn hiệu quả", Sundar Pichai nói thêm.
Đảo ngược kỹ thuật là quá trình phân tích một sản phẩm đã hoàn chỉnh (thường là phần mềm, thiết bị điện tử hoặc hệ thống) để hiểu cách nó hoạt động để tìm ra cấu trúc, thành phần và nguyên lý vận hành, từ đó có thể tái tạo, cải tiến hoặc sao chép lại sản phẩm đó mà không cần có bản thiết kế gốc.
Google cho biết có kế hoạch kháng cáo sau khi thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng.

Sundar Pichai nói một thỏa thuận tiềm năng trong năm 2025 sẽ giúp Gemini được tích hợp vào Apple Intelligence trên dòng iPhone 17 - Ảnh: Getty Images
"Chỉ Google mới có thể vận hành Chrome"
Hôm 25.4, bà Parisa Tabriz (Tổng giám đốc Chrome) nói với thẩm phán rằng Google là công ty duy nhất có thể cung cấp mức độ hoạt động hiệu quả và các tính năng mà trình duyệt Chrome hiện có, do sự "phụ thuộc lẫn nhau" với những đơn vị khác thuộc tập đoàn Alphabet.
“Chrome ngày nay là kết quả 17 năm hợp tác giữa đội ngũ Chrome và phần còn lại của Google”, Parisa Tabriz phát biểu trong phiên xét xử vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ tại tòa án liên bang Washington.
Một số tính năng của sản phẩm, chẳng hạn chế độ duyệt web an toàn hoặc hệ thống cảnh báo người dùng khi mật khẩu của họ bị lộ, dựa vào cơ sở hạ tầng chung của Google chứ không chỉ riêng Chrome, Parisa Tabriz nói thêm.
“Tôi không nghĩ ai khác có thể tái tạo được trình duyệt Chrome giống hiện tại”, bà nhấn mạnh.
Parisa Tabriz đã làm chứng trong nhiều giờ trước Amit Mehta - thẩm phán giám sát phiên điều trần kéo dài ba tuần nhằm xác định những thay đổi mà Google phải thực hiện với hoạt động kinh doanh, sau khi ông kết luận năm ngoái rằng công ty này độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm.
Chrome của Google hiện là trình duyệt phổ biến nhất thế giới, khoảng 66% người dùng toàn cầu sử dụng tính đến tháng 3, theo dữ liệu từ Statcounter. Chrome được xây dựng dựa trên dự án mã nguồn mở Chromium.
Statcounter là công ty chuyên cung cấp dữ liệu thống kê về lượng truy cập website, thị phần trình duyệt web, hệ điều hành, công cụ tìm kiếm, thiết bị di động... Họ thu thập dữ liệu từ hàng triệu trang web trên toàn thế giới rồi tổng hợp thành các báo cáo.
Chromium do Google tạo ra nhưng chấp nhận các đóng góp kỹ thuật từ các công ty khác và nhận sự hỗ trợ từ Meta Platforms, Microsoft, Linux Foundation cùng nhiều bên khác.
Linux Foundation là tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, được thành lập năm 2000 với mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển bền vững của các dự án phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là hệ điều hành Linux.
“Việc tách riêng Chrome là khả thi về mặt kỹ thuật”
Hôm 25.4, James Mickens, chuyên gia khoa học máy tính của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết Google có thể dễ dàng chuyển quyền sở hữu Chrome cho công ty khác mà không làm ảnh hưởng đến chức năng của trình duyệt.
“Việc tách riêng Chrome là khả thi về mặt kỹ thuật. Việc chuyển giao quyền sở hữu Chrome là khả thi mà không gây ra quá nhiều vấn đề hoặc làm hỏng các chức năng hiện có”, theo James Mickens - giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Harvard.
Trước đây, James Mickens từng làm chuyên gia cho Epic Games (hãng sản xuất Fortnite) trong vụ kiện chống độc quyền với Google liên quan đến hệ sinh thái Android. Ngay cả khi không còn Chrome, Google vẫn có động lực để tiếp tục đóng góp công nghệ cho Chromium, dự án mã nguồn mở làm nền tảng cho trình duyệt của hãng và nhiều đối thủ cạnh tranh, James Mickens nhận xét.
Hệ điều hành Android cũng sử dụng một số thành phần của Chromium để đảm bảo trang web tải đúng cách trên smartphone, James Mickens bổ sung.
“Google có động lực để đảm bảo mã nguồn được duy trì tốt”, ông nói về Chromium.
Tuy nhiên, Parisa Tabriz bày tỏ hoài nghi về quan điểm đó. Bà cho biết Google đã đóng góp hơn 90% lượng mã nguồn của Chromium kể từ năm 2015.
“Google đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào Chromium”, Parisa Tabriz nói, ước tính có khoảng 1.000 kỹ sư trong bộ phận của bà đã tham gia đóng góp cho dự án này. “Các công ty khác hiện nay hầu như không có đóng góp đáng kể nào”, Tổng giám đốc Chrome nhấn mạnh.
Google đang nỗ lực tích hợp AI vào Chrome, Parisa Tabriz cho biết. Người dùng hiện có thể thêm các tiện ích mở rộng (extension) của ChatGPT từ OpenAI và Perplexity AI vào Chrome hoặc thay đổi cài đặt trình duyệt để tìm kiếm dễ dàng hơn bằng các mô hình AI. Tuy nhiên, Parisa Tabriz thừa nhận rằng Gemini đang được đặt làm trợ lý AI mặc định trong Chrome.
“Hầu hết trình duyệt hiện nay đều đang thử nghiệm AI và ra mắt các tính năng mới”, bà cho biết, đồng thời lưu ý rằng Microsoft đã tích hợp AI Copilot vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge của họ.
Trong các tài liệu nội bộ, Google cho biết có ý định phát triển Chrome thành một “trình duyệt tác tử”, tích hợp các tác tử AI để tự động hóa các tác vụ và thực hiện hành động như điền vào biểu mẫu, nghiên cứu hay mua sắm.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Đặc điểm của một tác tử AI
Tự động: Có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong suốt quá trình xử lý.
Nhận thức môi trường: Có thể cảm nhận hoặc thu thập dữ liệu từ môi trường thông qua các cảm biến, API, hoặc dữ liệu được cung cấp.
Ra quyết định: Dựa trên các thuật toán hoặc mô hình học máy, tác tử AI có thể phân tích dữ liệu và chọn hành động phù hợp.
Hành động: Tác tử thực hiện các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu, ví dụ như gửi thông báo, điều khiển thiết bị, hoặc cập nhật dữ liệu.
“Chúng tôi hình dung một tương lai với nhiều tác tử, nơi Chrome tích hợp sâu với Gemini như một tác tử chính và được ưu tiên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cho phép người dùng tương tác với nhiều tác tử bên thứ ba khác trên web trong cả môi trường tiêu dùng và doanh nghiệp”, Parisa Tabriz viết trong một email năm 2024.
Google có thể buộc phải bán Chrome và dù khó có thể tưởng tượng được ai khác điều hành trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, nhưng có một số đối thủ đang quan tâm việc này là OpenAI, Perplexity, Yahoo.