Người làm hương Thủy Xuân kỳ vọng lớn từ chính quyền hai cấp

Người dân làng hương Thủy Xuân kỳ vọng chính quyền hỗ trợ quy hoạch, hạ tầng và quảng bá để gìn giữ nghề truyền thống và lan tỏa giá trị văn hóa xứ Huế.

“Sống để cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Làng hương Thủy Xuân, thành phố Huế thơ mộng, luôn rực rỡ với những bó hương đủ sắc màu. Đây là ngôi làng với hơn 700 năm tuổi nghề, nổi tiếng với hương trầm - từ thời nhà Nguyễn làng hương chính là nơi cung cấp hương trầm cho triều đình, phủ quan.

Qua bao nhiêu năm, mệ Tuyết vẫn ngồi bên chiếc máy cũ kỹ, đôi tay thoăn thoắt se từng cây hương đỏ rực. Mệ Tuyết tên thật là Tôn Nữ Ánh Tuyết, cái tên thân mật “mệ Tuyết” được người dân xứ Huế và du khách đặt cho mệ bởi tính cách khiêm nhường, chân thành trong từng lời nói, hành động của mệ. Quán nhỏ của mệ nằm ở một góc nhỏ tại số 69 đường Huyền Trân Công Chúa.

Qua bao nhiêu năm, mệ Tuyết vẫn ngồi bên chiếc máy cũ kỹ, đôi tay thoăn thoắt se từng cây hương đỏ rực. Ảnh: Thu Uyên

Qua bao nhiêu năm, mệ Tuyết vẫn ngồi bên chiếc máy cũ kỹ, đôi tay thoăn thoắt se từng cây hương đỏ rực. Ảnh: Thu Uyên

Suốt khoảng thời gian dài gắn bó với nghề, mệ không chỉ xem đó là kế sinh nhai, mà đó còn là một phần máu thịt của mẹ, là cách để giữ lấy một phần ký ức Huế xưa. Ngồi bên chiếc máy đạp chân cũ kỹ, mệ Tuyết kể: “Mệ làm nghề ri cũng từ lâu rồi con. Hồi trước làm bằng tay, sau có máy đạp chân thì đỡ hơn”.

Đặc biệt, bao năm nay, mẹ dùng khoản tiền lời từ việc bán hương để ủng hộ cho bệnh nhân ung thư của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Mệ Tuyết chia sẻ: “Quán mệ làm là lấy khoản tiền lời cho đi tất cả, mệ sẽ trích hết đi, mệ chỉ chừa cho mệ một phần rất bé, vài ba chục ngàn để mệ sống. Mệ có răng là mệ nói rứa, mệ chẳng có gì để phải che giấu cả”.

Khi giới trẻ làm du lịch bằng công nghệ

Cũng lớn lên từ làng hương, nhưng chị Khánh Ly, sinh viên năm 3, Đại học Ngoại ngữ Huế lại chọn cách giữ nghề bằng công nghệ, bằng sức trẻ với sự sáng tạo không ngừng nghỉ để bắt nhịp sự thay đổi của xã hội, nhu cầu của du khách.

Chị Khánh Ly, lớn lên trong gia đình làm hương truyền thống từ xưa, chia sẻ về sự phát triển của làng hương Thủy Xuân. Ảnh: Thu Uyên

Chị Khánh Ly, lớn lên trong gia đình làm hương truyền thống từ xưa, chia sẻ về sự phát triển của làng hương Thủy Xuân. Ảnh: Thu Uyên

Chị Khánh Ly cho biết, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi theo, kéo theo nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ là hương truyền thống, ngày nay du khách ưa chuộng hương có mùi mới từ sả, chanh, hương hoa nhài… Chính sự thay đổi của thị trường và thị hiếu tiêu dùng đổi thay của du khách kéo thay sự “chuyển mình” của người làm hương.

“Không chỉ sản xuất một sản phẩm hương truyền thống, ngày nay người làm hương Thủy Xuân đã sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hương để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Từ hương đỏ, hương xanh, hương vị chanh, hương vị nhài đến dòng hương cao cấp… tất cả để “chiều lòng” du khách”, chị Khánh Ly cho biết.

Cũng theo chị Khánh Ly, trước dịch, làng hương chủ yếu đón khách nước ngoài theo các tour lăng tẩm. Sau này, khi mạng xã hội phát triển, lượng khách trong và ngoài nước tăng, đặc biệt là giới trẻ thích trải nghiệm và chụp ảnh. Chính vì vậy, xưởng làm hương của nhà Khánh Ly đã mở thêm dịch vụ trải nghiệm làm hương. Với dịch vụ này, khách du lịch vừa được trải nghiệm làm hương vừa được hiểu sâu hơn về văn hóa của Việt Nam.

Thị trường thay đổi, thị hiếu thay đổi, người dân làng nghề cũng học cách thay đổi. Những bó hương không còn đơn thuần là vật phẩm thờ cúng, mà trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, mang theo cả câu chuyện và tâm tình xứ Huế.

“Khách thích những thứ lạ. Mình làm hương, cho thuê áo dài, hỗ trợ chụp ảnh. Nghề hương giờ thu nhập chỉ là một phần nhỏ, nên nếu không gắn với du lịch thì rất khó tồn tại”, chị Ly nói thêm.

Gian hàng nho nhỏ của mệ Tuyết vừa để quảng bá vừa để khách du lịch có thể chụp ảnh. Ảnh: Thu Uyên

Gian hàng nho nhỏ của mệ Tuyết vừa để quảng bá vừa để khách du lịch có thể chụp ảnh. Ảnh: Thu Uyên

Kỳ vọng lớn vào chính quyền hai cấp

Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, đây có thể được xem là động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển du lịch tại làng nghề hương Thủy Xuân. Đặc biệt, ngày 1/7 vừa qua, cũng là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với người làm hương Thủy Xuân mà còn với cả nước. Hợp nhất để phát triển, để mở rộng không gian tăng trưởng.

Với những người đã gắn bó cả đời với nghề như mệ Tuyết, mệ luôn tin tưởng vào những chính sách của Đảng, lãnh đạo của Nhà nước. Thay đổi để tốt hơn, để phát triển hơn, để khu khách đến với Huế nhiều hơn, để người làng hương Thủy Xuân có thêm nhiều việc làm, từ đó chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Du khách trải nghiệm và chụp ảnh bên những bó hương rực rỡ sắc màu. Ảnh: Thu Uyên

Du khách trải nghiệm và chụp ảnh bên những bó hương rực rỡ sắc màu. Ảnh: Thu Uyên

Và quan trọng hơn với mệ Tuyết “nếu du khách đến với Huế nhiều hơn, mệ có nhiều tiền hơn để ủng hộ cho bệnh nhân ung thư. Đây là tâm huyết là nguyện vọng cả đời của mệ, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nghề hương dường như đã trở thành một phần cuộc sống của mệ Tuyết, là nghề để mệ có thể làm được điều gì nhỏ bé giúp ích cho các bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thu Uyên

Nghề hương dường như đã trở thành một phần cuộc sống của mệ Tuyết, là nghề để mệ có thể làm được điều gì nhỏ bé giúp ích cho các bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thu Uyên

Đối với thế hệ trẻ, kỳ vọng về sự thay đổi, tạo động lực và điều kiện để làng nghề được phát triển hơn. Chị Khánh Ly chia sẻ: “Mình mong sẽ có quy hoạch cụ thể để làng hương trở thành một điểm đến văn hóa - du lịch phát triển hơn nữa. Chẳng hạn như kết nối tour với các điểm di tích, xây dựng trung tâm giới thiệu làng nghề, tổ chức hội chợ,...”.

Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã trở thành cầu nối đưa hình ảnh của làng nghề đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Với chị Ly, đại diện hình ảnh cho thế hệ trẻ, chị chọn cách tiếp cận mới để giữ lấy nét đẹp văn hóa của cố đô. Không chỉ phụ giúp gia đình làm hương, chị Ly còn quay những thước phim chia sẻ về quá trình làm nên một cây hương, phối màu bó hương hay hậu trường khách mặc áo dài giữa rừng hương sặc sỡ. “Ban đầu mình chỉ muốn quay làm kỷ niệm, đăng lên cho bà con cô bác chưa có dịp ghé Huế thưởng thức. Không ngờ khách hỏi nhiều, rồi từ đó tìm đến tận làng”, chị Khánh Ly chia sẻ.

Người dân tại làng hương Thủy Xuân cũng mong muốn sau sáp nhập, chính quyền sẽ có thêm chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng quảng bá hình ảnh làng nghề và giúp người dân nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Đây vừa là cách bảo tồn giá trị văn hóa, lưu giữ những nét truyền thống mộc mạc của xứ Huế thơ mộng, vừa là cách để mang văn hóa Việt Nam đến với bạn bè và du khách quốc tế.

Dù theo cách nào, truyền thống hay hiện đại, người dân nơi đây vẫn đang giữ nghề bằng tất cả tâm huyết. Họ tận dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội để lan tỏa giá trị làng nghề. Tất cả đều mong muốn nghề làm hương không chỉ là một làng nghề truyền thống, mà còn là nơi lưu giữ nét đơn sơ, mộc mạc của xứ Huế.

Nhờ mạng xã hội, nhờ các chương trình mà nét đẹp thơ mộng của Huế được quảng bá rộng rãi khắp trong và ngoài nước. Và giờ đây những vẻ đẹp vốn có ấy của làng hương Thủy Xuân lại như được khoác lên tấm áo mới - gần gũi, sinh động và đậm màu sắc văn hóa. Lượng khách đến trải nghiệm, chụp ảnh, mua hương cũng tăng lên rõ rệt.

Trần Trang - Thu Uyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-lam-huong-thuy-xuan-ky-vong-lon-tu-chinh-quyen-hai-cap-410160.html