Điều chỉnh, bổ sung SGK Tiếng Việt 1 để tốt hơn
Sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung một số ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, NXB ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung để xin ý kiến GV và xã hội.
Bước đầu ghi nhận sự đánh giá tích cực từ phía các nhà trường, GV trước động thái trên.
Điều chỉnh cần thiết
Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) khẳng định điều chỉnh là cần thiết. Một mặt thể hiện sự lắng nghe, động thái kịp thời của Bộ GD&ĐT, NXB, tác giả trước góp ý của xã hội trong việc điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp. Mặt khác, với các nhà trường, đây là nguồn học liệu mở để linh hoạt hơn trong dạy học.
Thầy Đào Chí Mạnh cho biết: Nhà trường sẽ họp GV lớp 1 để xem lại những nội dung NXB đề xuất điều chỉnh, thay đổi xem có phù hợp với điều kiện dạy học không? Trong trường hợp vẫn cần điều chỉnh, nhà trường sẽ góp ý thêm cùng NXB trước thời gian 20/11.
“Mới xem qua một số nội dung, ngữ liệu NXB đưa ra để điều chỉnh, thay thế trong các bài, cơ bản tôi thấy phù hợp, mang tính truyền thống cao… hỗ trợ tích cực cho GV trong việc thay thế nội dung dạy học” - thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ.
Thầy Mạnh cũng bày tỏ: Trường sẽ vận dụng nội dung điều chỉnh (khi đã được thông qua) trong công tác chuyên môn. Cùng đó tổ chuyên môn khối 1 tiếp tục phân tích, đánh giá ngữ liệu thay thế có phù hợp, cần thiết với HS trường mình. Trong trường hợp có thể linh hoạt thay đổi bằng những ngữ liệu phù hợp hơn nữa với điều kiện giảng dạy của nhà trường, địa phương, đặc thù HS… vẫn khuyến khích GV đưa vào bài dạy.
Cô Chu Thị Uyên – Lớp 1A5 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cho hay: Dù mới tham khảo qua những dự kiến điều chỉnh trong bộ SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều nhưng đánh giá ban đầu các ngữ liệu khá hợp lý.
Theo cô Uyên, điều này ghi nhận sự cố gắng NXB, tác giả SGK trong việc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp nhất với việc dạy học. Song tại Trường Tiểu học Kim Ngọc, ngay cả khi chưa có sự điều chỉnh, tôi và các đồng nghiệp đã linh hoạt trong việc thay đổi ngữ liệu để việc dạy học sao cho hiệu quả nhất. Cả GV và HS đã bắt nhịp nhanh với Chương trình, SGK mới.
Đồng quan điểm, cô Dương Thu Hằng – Tổ trưởng khối 1 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng - Hà Nội) bày tỏ: Việc dạy học theo SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều tại trường không gặp khó khăn vì Ban giám hiệu (BGH), tổ chuyên môn, GV dạy khối 1 đã thấm “tinh thần” chủ động, linh hoạt khi dạy SGK được thiết kế theo tính mở. Việc thay thế ngữ liệu trong bài học (nếu chưa phù hợp) được GV triển khai và không vướng mắc. Việc chuyển tải nội dung SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều cũng đã được nhà trường hoàn thành nhanh chóng để kịp có sách cho HS khiếm thị ngay từ đầu năm học.
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát – Thanh Hóa) thông tin: Dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều để xin ý kiến GV và xã hội vừa được NXB ĐH Sư phạm TPHCM công bố hợp lý.
Ví như ở phần 1 giới thiệu một số ngữ liệu để GV có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp; phần 2 hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài. Phần 1 bài tập đọc “Ve và gà” được bổ sung bằng bài “Bờ hồ”, phần 2 bổ sung bài “Chăm bà” để GV có thể thay thế.
Bài “Quạ và chó” được bổ sung thêm bài “Phố Thợ Nhuộm”… Với SGK Tiếng Việt tập 2 có 2 bài dự kiến được đưa vào tài liệu bổ sung, chỉnh sửa là “Mưa” và “Lịch bàn”… Những ngữ liệu bổ sung này giúp GV thay thế giảng dạy phù hợp ngay trên lớp, đặc biệt với GV chưa thuần thục trong cách dạy học mới càng hữu ích.
Không làm khó GV
Nói về việc sự điều chỉnh có làm “vất vả” hành trình dạy học của GV hay không? thầy Đào Chí Mạnh cho rằng: Tất nhiên hoàn thiện từ đầu, không có sự điều chỉnh nào từ khi triển khai, GV, HS sẽ thuận lợi hơn trong sử dụng học liệu.
Song có sự điều chỉnh, thay đổi về ngữ liệu, từ ngữ… sắp tới với SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều cũng không phải là điều phiền phức. Bởi trên thực tế, SGK được xây dựng theo tính mở, GV quen với việc linh hoạt thay đổi ngữ liệu khi cần thiết nên những điều chỉnh sắp tới hoàn toàn nằm trong khả năng.
“Việc thay đổi theo hướng tới tích cực hơn trong xây dựng nội dung dạy học cho HS thì nên làm và cần gạt đi những định kiến, khó khăn (nếu có) để triển khai tốt hơn. Mong rằng, sẽ sớm “chốt” phương án điều chỉnh thay thế để nhà trường, GV chủ động trong việc sử dụng ngữ liệu dạy học, vận dụng SGK của HS và phụ huynh HS thuận lợi” - thầy Đào Chí Mạnh bày tỏ.
Thầy Lê Quang Tùng cũng khẳng định: Triển khai dạy học SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều, GV nêu ý kiến một số nội dung chưa phù hợp với HS dân tộc. Bên cạnh sự hỗ trợ về chuyên môn, BGH đã quán triệt, đề cao và khuyến khích sự linh hoạt của GV trong việc thay thế ngữ liệu sao cho phù hợp nhất với HS, vùng miền.
GV đã chủ động và không khó khăn trong thay thế ngữ liệu dạy học. Do đó, với những điều chỉnh của NXB, tác giả bộ SGK Cánh diều khi được triển khai không gây khó khăn gì cho GV trong giảng dạy. Thậm chí GV có thêm dữ liệu để tham khảo, từ đó lựa chọn phù hợp với bài giảng trên lớp.
Những chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh diều được đưa ra xin ý kiến GV sử dụng SGK, các nhà khoa học và xã hội đến hết ngày 20/11. Hội đồng thẩm định sẽ làm việc ngày 21/11 để thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung. Trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu cho HS.