Điều chỉnh chính sách để tự chủ đại học đúng hướng, thuận lợi hơn
Chiều 15-8, tiếp tục chương trình 'Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục', Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.
Sự kiện được tổ chức trực tiếp từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Bộ đã tiếp nhận hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Điều chỉnh chính sách cho tự chủ đại học
Trước ý kiến của nhiều giảng viên về những khó khăn trong việc thực hiện tự chủ đại học hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tự chủ đại học ở Việt Nam đã thực hiện được hơn 30 năm với khởi đầu là tại 2 đại học quốc gia và hiện có nhiều trường đại học đã tự chủ ở mức rất cao.
Trong quá trình triển khai tự chủ đại học, vấn đề vướng nhất, hay được nhắc đến là về thể chế. Hiện đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ, nhưng vẫn có sự chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học khó được thực hiện một cách đầy đủ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc này cần có quá trình điều chỉnh. Hiện nay, đang lấy ý kiến góp ý để điều chỉnh nghị định hướng dẫn thi hành luật. Dự kiến trong năm nay, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học, từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi hơn cho cơ sở giáo dục đại học.
Trước ý kiến cho rằng, hiện còn có những cách hiểu khác nhau về tự chủ, nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết, có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm, theo Bộ trưởng, cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện. Các cơ quan từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cơ bản thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần được đầu tư từ Nhà nước, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì... thì cần tiếp tục kiến nghị chính sách.
Bộ trưởng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất của tự chủ không dừng ở vấn đề tài chính, về quản trị nhà trường, mà là quyền, trách nhiệm của các trường với các thành tố bên trong là các khoa, phòng và từng nhà giáo. Các trường cần phát huy vai trò của giảng viên trong việc tham gia vào các vấn đề như mở ngành mới, định hướng nghiên cứu, nội dung chương trình đào tạo sinh viên, học viên…
Kiến nghị cấp bù kinh phí khi tạm dừng tăng học phí
Trước những băn khoăn của các trường trong việc giải bài toán bảo đảm chất lượng đào tạo trong bối cảnh chưa được tăng học phí năm học 2023-2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Liên quan đến vấn đề thu nhập của cán bộ, giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết số 29-NQ-TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo (cả ở cấp mầm non, phổ thông và đại học) về cả số lượng và chất lượng, đồng thời bảo đảm để đội ngũ này có thu nhập tương xứng, yên tâm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Về đề nghị tăng cường các giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng và luôn được quan tâm. Trong chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm đã có thời lượng cho nội dung này. Tuy nhiên, các nhà giáo cần xác định yếu tố quan trọng là tự rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi. Riêng với giáo dục đại học, đạo đức nhà giáo còn là đạo đức của nhà khoa học, của người làm nghiên cứu. Trong hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, vấn đề liêm chính học thuật cũng ngày càng được đề cao với nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu giảng viên trung thực trong công bố kết quả nghiên cứu.