Điều chỉnh chính sách phải có phương án giảm sốc
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 1/6, nhiều vị đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí kéo dài. Cùng đó, ĐBQH cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện. Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển. Trước khi có Nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời như Quyết định số 11 năm 2017, Quyết định số 37 năm 2011.
Tuy nhiên gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55, một số quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, có nhiều quy định chưa thật sự hợp lý và tập trung.
“Việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần xem xét lại chính sách nêu trên theo hướng, điều chỉnh chính sách phải có phương án “giảm sốc”, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng, có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo” - ông Hiển kiến nghị.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), vấn đề lao động là 1 trong 3 trụ cột của phát triển nhưng hiện nay nguồn nhân lực vẫn bị lãng phí. Chỉ tiêu năng suất lao động đều không đạt nhiều năm. Ông Thân đề nghị kiểm điểm xem xét lại năng suất lao động không đạt là do đâu? Do người lao động, do cán bộ công nhân viên chức hay do quản lý?
“So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta thấp. Đây là nguồn lực cực kỳ lớn đang bỏ phí” - ông Thân nói đồng thời cho rằng, đối với cán bộ công chức, viên chức cần quan tâm đến cơ chế tăng lương và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người, không thể để phát sinh tư tưởng trả lương như nào thì làm việc như thế. Nếu không có mức lương phù hợp thì cán bộ sẽ ra ngoài làm, mất đi nguồn lực. Trong bối cảnh ngân hàng không thể cho vay nếu không có thế chấp, nhưng thực tế có rất nhiều quỹ, như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học công nghệ và nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách khác... lại không phát huy được tác dụng thì đây là lãng phí.
“Những lãng phí như chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án đắp chiếu hay tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng trong khi DN đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn, còn nước ta vẫn phải đi vay. Rất cần làm rõ những vấn đề này” - ông Thân nêu.