Điều chỉnh cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính để tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý

Ngày 30/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2025/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2025/NĐ-CP ngày 24/2/2025, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Đây là bước đi quan trọng nhằm cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Tài chính trong bối cảnh đổi mới toàn diện công tác quản lý tài chính - ngân sách quốc gia.

Theo cơ cấu mới, Bộ Tài chính có 34 đơn vị trực thuộc. Trong số này, các vụ và đơn vị chức năng bao gồm: Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Phát triển hạ tầng, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Vụ Tài chính - Kinh tế ngành, Vụ Quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I), Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Vụ Quản lý quy hoạch, Vụ Các định chế tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế và Văn phòng.

Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2025/NĐ-CP nhằm điều chỉnh cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính.

Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2025/NĐ-CP nhằm điều chỉnh cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính.

Các cục chuyên môn trực thuộc bao gồm: Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại, Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý đấu thầu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Kế hoạch - Tài chính và Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Các đơn vị tổ chức theo mô hình 2 hoặc 3 cấp gồm: Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp công lập và đặc thù bao gồm: Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Báo Tài chính - Đầu tư, Tạp chí Kinh tế - Tài chính, Trường Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Một số đơn vị trong Bộ được điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ đáng chú ý. Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại được giao thêm nhiệm vụ: “Công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia theo thẩm quyền.” Trong khi đó, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán được giao thêm vai trò: “Quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các dịch vụ liên quan theo quy định pháp luật.” Đây là những điều chỉnh quan trọng nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong các lĩnh vực then chốt của nền tài chính quốc gia.

Cơ cấu tổ chức của các cục chuyên ngành trong Bộ Tài chính được sắp xếp rõ ràng theo mô hình 2 hoặc 3 cấp. Cụ thể, Cục Thuế, Cục Thống kê và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức theo 3 cấp: Trung ương - tỉnh - cơ sở. Cục Hải quan gồm 3 cấp: Trung ương - 20 Cục Hải quan khu vực - cấp cửa khẩu. Kho bạc Nhà nước và Cục Dự trữ Nhà nước tổ chức theo 2 cấp: Trung ương và khu vực (20 Kho bạc, 15 Cục Dự trữ khu vực). Cách phân cấp này góp phần đẩy nhanh xử lý thủ tục hành chính và tăng tính chủ động tại địa phương.

Các đơn vị được sử dụng con dấu hình Quốc huy gồm: Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ số lượng phòng trong từng vụ, phù hợp với nhiệm vụ quản lý. Ví dụ: Vụ Ngân sách Nhà nước có 6 phòng; Vụ Phát triển hạ tầng có 3 phòng; Vụ Tài chính - Kinh tế ngành, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Vụ Các định chế tài chính đều có 4 phòng; Vụ Pháp chế có 5 phòng; và Vụ Tổ chức cán bộ có 6 phòng.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị định số 166/2025/NĐ-CP là việc mở rộng thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ trưởng được quyền quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ; quyết định số lượng đơn vị thuộc các lĩnh vực như Thuế, Hải quan, Thống kê, Dự trữ… Đồng thời, Bộ trưởng có quyền trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Tài chính.

Nghị định cũng quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 2. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị đang chờ kiện toàn như Trường Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thống kê cấp tỉnh, đảm bảo hoàn tất trong vòng 03 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ trưởng còn được giao nhiệm vụ đề xuất việc sáp nhập hoặc tổ chức lại Học viện Chính sách và Phát triển, đưa vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dieu-chinh-co-cau-to-chuc-bo-tai-chinh-de-tang-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly.html