Tầm nhìn mới đưa nông, lâm sản Tây Bắc cất cánh

Sở hữu lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực thay đổi tư duy lẫn hành động, để khai phá tiềm năng trong phát triển nông lâm sản hàng hóa.

Chính quyền chuyển động

Có mặt tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” tổ chức tại tỉnh Sơn La, chiều ngày 1/7, Giáo sư, Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng phải thốt lên rằng Sơn La đang “thay đổi quá nhanh”, trở thành hình mẫu cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

“Tôi luôn mong miền núi tiến kịp miền xuôi, nay nhìn sự thay đổi tại Sơn La, tôi tin miền núi thừa sức vươn lên vượt qua miền xuôi”, GS. Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”. Ảnh: Tùng Đinh

Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”. Ảnh: Tùng Đinh

Những năm vừa qua, Sơn La vươn lên như tỉnh thành trọng điểm trong mảng xuất khẩu rau quả khu vực Tây Bắc.

Số liệu thống kê cho thấy giá trị hàng hóa nông sản vùng Tây Bắc tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD, trong đó riêng Sơn La đạt 190 triệu USD, theo sau là Lào Cai 25 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 8 vùng cây trồng được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao, trong đó cây ăn quả có 5 vùng (1 vùng na, 2 vùng xoài, 1 vùng nhãn, 1 vùng mận); 3 cây công nghiệp lâu năm (2 vùng cà phê, 1 vùng chè). Sơn La có 31 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ.

Hiện, ngành mía đường của tỉnh đang rất phát triển, tạo vùng nguyên liệu trên 12.000ha. Nhà máy mía đường của Sơn La là nhà máy duy nhất ở miền Bắc giữ ổn định phát triển và có lãi liên tục trong nhiều năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công khẳng định: “Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

Ông nhấn mạnh, để làm được điều này, Sơn La đang định hình rõ nét một hướng đi cho nông nghiệp địa phương: Phát triển theo hướng hữu cơ, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Hàm lượng khoa học công nghệ càng cao thì giá trị kinh tế càng cao và chuỗi sản xuất càng ổn định”, đại diện tỉnh Sơn La khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh

Không chỉ vậy, chính quyền tỉnh cũng "rất chịu khó làm thị trường", mạnh dạn đi khắp nơi để quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ví dụ, ông Nguyễn Thành Công từng làm trưởng đoàn, đưa cà phê Sơn La đã tham dự hội chợ tại Milan (Ý) với 196 nước. Cà phê Sơn La cũng tham gia hội chợ ASIAN CAEXPO 20 tại Nam Ninh (Trung Quốc) và đoạt giải nhất. "Đó là sự cố gắng trong quảng bá thương hiệu, làm thương mại, mở ra tầm nhìn, chiến lược mới", ông Công nói.

Trong giai đoạn 2025-2030, Sơn La đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biến nơi đây thành địa điểm chọn tạo, nghiên cứu, tham vấn chính sách cho tỉnh về hướng sản xuất nông nghiệp phù hợp. Ngoài ra, tỉnh xác định vừa chú trọng giữ sức khỏe đất, vừa xử lý sâu bệnh hại; tổ chức sản xuất theo chuỗi, đưa nông sản vào các nhà máy chế biến lớn; chú trọng kết nối thương mại bởi “không có thương mại thì nông nghiệp rất dễ đi xuống”.

Trong khi đó, tại Lai Châu, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói rằng tỉnh này xác định tập trung phát triển sâm Lai Châu, khai thác tiềm năng của loài dược liệu quý.

Lai Châu đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, để phát triển công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay sâm Việt Nam chưa có trong danh mục ADN được công nhận tại Nhật, vì vậy bước đầu tỉnh định hướng chế biến thành thực phẩm chức năng để thâm nhập thị trường này, sau đó phấn đấu đưa sâm Lai Châu vào danh mục nguyên liệu chính thức.

Về hạ tầng, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng lâm sinh phục vụ trồng và chế biến sâm dược liệu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ giống, xây dựng nhà máy chế biến và xúc tiến thương mại.

“Thời gian tới, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các nhà khoa học sớm nghiên cứu, xây dựng quy trình chuẩn về kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh, cũng như nghiên cứu dược tính, độc tính để làm cơ sở khoa học đưa vào dược điển và phục vụ xuất khẩu ra các thị trường quốc tế”, ông Hải cho biết.

Tiềm năng tỷ USD từ những loại cây thân thuộc

Với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc được biết đến là vựa sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn); cây lâu năm như cà phê (32,9 nghìn tấn), cao su (19,2 nghìn tấn); dược liệu bản địa...

Vùng trồng na ở Mai Sơn, Sơn La.

Vùng trồng na ở Mai Sơn, Sơn La.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco)- đơn vị sở hữu trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Sơn La, đánh giá rằng nguồn cây trồng chủ lực như xoài, nhãn, ngô ngọt hay rau chân vịt của địa phương là cơ sở để định vị tiềm năng nông nghiệp vùng cao, với tư duy “làm lớn từ những điều giản dị”.

Trong số đó, xoài Sơn La, đặc biệt là giống Đài Loan, nổi bật với độ Brix cao nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, rất phù hợp với tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. “Chúng tôi đã hỗ trợ tiêu thụ được 10% sản lượng xoài địa phương năm vừa rồi và phấn đấu đạt 20% vào năm tới”, ông Khuê nói.

Không dừng lại ở xoài, Doveco mở rộng thu mua với các loại cây trồng dễ chăm, ít rủi ro như dứa và chanh leo, 2 sản phẩm dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể cho thu hoạch quanh năm. “Đây là điều mà ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc nên đặc biệt quan tâm để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi linh hoạt và có thu nhập ổn định hơn”, Chủ tịch HĐQT Doveco nhấn mạnh.

Là người làm thuần túy về cây ăn quả, ông Khuê cũng khẳng định dứa hoàn toàn có tiềm năng mang về cho Việt Nam nguồn thu tỷ USD, thậm chí dứa có thể đạt tới tiềm năng 3-4 tỷ USD.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Lân Hùng đánh giá Tây Bắc sở hữu tiềm năng đặc biệt lớn để phát triển các lĩnh vực như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Nhiều loài cây bản địa như trám ghép, dổi ghép, mắc ca, dẻ hạt lớn... nếu được tổ chức sản xuất tốt tạo ra giá trị kinh tế lớn trên vùng đất đồi núi rộng lớn.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, một trong những mảng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm là cây dược liệu. “Singapore mua dược liệu nơi khác về chế biến thuốc, và được ủng hộ nhiệt tình. Cần đặt mục tiêu. Từ Trung ương đến địa phương, các cấp lãnh đạo phải suy nghĩ và tổ chức lại sản xuất, để đạt mục tiêu mỗi hecta trồng trọt phải đạt thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm, đặc biệt với cây dược liệu".

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tam-nhin-moi-dua-nong-lam-san-tay-bac-cat-canh-d319082.html