'Sắp xếp lại giang sơn': Động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam, hỗ trợ duy trì triển vọng tín nhiệm ổn định

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ mang lại một diện mạo mới cho hệ thống chính quyền địa phương mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn và đầy triển vọng cho từng vùng, từng địa phương và cho cả quốc gia.

Quyết định 'sắp xếp lại giang sơn' là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: Gia Thành)

Quyết định 'sắp xếp lại giang sơn' là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: Gia Thành)

Từ hôm nay (1/7), bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố sẽ chính thức đồng loạt vận hành. Trước đó, ngày 30/6, cả nước tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập các tỉnh, thành; cùng các quyết định của Trung ương Đảng về thành lập Đảng bộ và nhân sự lãnh đạo địa phương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng và tiện ích

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ mang lại một diện mạo mới cho hệ thống chính quyền địa phương mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn và đầy triển vọng cho từng vùng, từng địa phương và cho cả quốc gia.

Theo giới phân tích, cuộc cải cách lần này được ví như “Cuộc Đổi mới 2.0” của Việt Nam sau đổi mới kinh tế vào năm 1986. Sự kiện này được kỳ vọng không chỉ giúp tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam mà còn hỗ trợ duy trì triển vọng tín nhiệm ổn định trong bối cảnh bất ổn toàn cầu kéo dài.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, việc hợp nhất các tỉnh, thành sẽ giúp quy mô diện tích, dân số và kinh tế lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng và tiện ích.

Chẳng hạn, sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh trở thành một “siêu đô thị” tầm cỡ trong khu vực ASEAN và có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 6.700 km², dân số gần 14 triệu người, GRDP hơn 2,7 triệu tỷ đồng.

Không chỉ giúp mở rộng quy mô, các tỉnh thành mới còn tích hợp được nhiều dạng địa hình và lợi thế phát triển. TP. Hồ Chí Minh mới sẽ sở hữu thế mạnh kinh tế tổng hợp, gồm kinh tế đô thị (TP. Hồ Chí Minh cũ); công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Bình Dương) và dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch (Bà Rịa Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, sự kết hợp các đặc trưng vùng như biển, đồng bằng và miền núi cũng giúp các tỉnh tăng cường liên kết kinh tế-xã hội toàn diện. Cụ thể, Hà Nam khi hợp nhất với Nam Định và Ninh Bình sẽ hình thành một cực kinh tế lớn phía Bắc với các trụ cột công nghiệp, du lịch và đô thị.

Việc tái cấu trúc bộ máy chính quyền đang diễn ra hiện nay là một phần trong chuỗi hành động mạnh mẽ nhằm giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Việc tái cấu trúc bộ máy chính quyền đang diễn ra hiện nay là một phần trong chuỗi hành động mạnh mẽ nhằm giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Theo VCBS, với diện tích, dân số và nguồn lực dồi dào, các chính quyền địa phương hiện có thể thoải mái quy hoạch các vùng phát triển kinh tế và hệ thống giao thông trải dài trên diện tích lớn, giảm rủi ro không đấu nối tại địa bàn khác như trước đây.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa cho các dự án công nghiệp lớn, thường yêu cầu một hệ thống logistics đồng bộ, kết nối thuận tiện đến nguồn nguyên liệu đầu vào, lao động và các hạ tầng cảng biển, sân bay lớn.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập các tỉnh thành có thể gia tăng đáng kể hiệu quả phân bổ vốn và quản lý ngân sách khi nguồn lực được tập trung hơn.

Điều này có thể khắc phục được tình trạng trước đây một số địa phương chịu hạn chế về quy mô dân số, kinh tế và nguồn lực ngân sách nên khó khăn trong hiện thực tầm nhìn phát triển do phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương.

Giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, việc tái cấu trúc bộ máy chính quyền đang diễn ra hiện nay là một phần trong chuỗi hành động mạnh mẽ nhằm giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Những nỗ lực này tập trung vào việc nâng cao giá trị của đô thị, cải thiện quy hoạch vùng nhằm phát triển hạ tầng và giảm thiểu sự cồng kềnh của bộ máy hành chính; trong đó, việc tích hợp chuyển đổi số trong dịch vụ công và thúc đẩy thực thi đồng bộ là then chốt quyết định sự thành công của cuộc cải cách này", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng đánh giá, việc cơ cấu hành chính tinh gọn và những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ là động lực đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Chính trị cũng đã ban hành 4 Nghị quyết đột phá báo hiệu một sự chuyển hướng chiến lược trong dài hạn, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp xanh và công nghệ cao, củng cố thể chế pháp lý.

Các chuyên gia của VIS Rating cho rằng, việc Chính phủ đẩy mạnh kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nửa cuối năm, môi trường kinh doanh trong nước sẽ có nhiều hỗ trợ tích cực và quá trình đổi mới sẽ diễn ra thuận lợi hơn, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Họ kỳ vọng điều kiện tín nhiệm tại Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm 2025, nhờ chính sách tài khóa chủ động và các cải cách thể chế tích cực, giảm bớt tác động từ những bất ổn trên thế giới.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sap-xep-lai-giang-son-dong-luc-tang-truong-moi-cho-viet-nam-ho-tro-duy-tri-trien-vong-tin-nhiem-on-dinh-319594.html