Điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang vươn lên khẳng định vị thế của một trung tâm công nghiệp lớn với sự có mặt của Tập đoàn Samsung cùng nhiều dự án có tầm cỡ đã và đang được triển khai trên địa bàn. Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cùng môi trường đầu tư được đánh giá tốt (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở tốp cao), ngày càng có nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước lựa chọn đầu tư vào tỉnh. Vì vậy, nhu cầu quỹ đất để phát triển công nghiệp trong thời gian tới vẫn rất cao, đòi hỏi cần bổ sung và mở rộng một số khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN với tổng diện tích 1.420ha, gồm: KCN Sông Công I - 195ha, KCN Sông Công II - 250ha, KCN Nam Phổ Yên - 120ha, KCN Yên Bình I - 400ha, KCN Điềm Thụy - 350ha và KCN Quyết Thắng - 105ha. Đến nay, đã có 5/6 KCN đi vào hoạt động (riêng KCN Quyết Thắng đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng), tỷ lệ lấp đầy chung của các KCN là 61%, trong đó Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%, KCN Sông Công II 96,81%, KCN Yên Bình trên 92%...
Tại các KCN đã đi vào hoạt động hiện có tổng số 236 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 119 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 8,5 tỷ USD. Những dự án đang hoạt động trong các KCN đã đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh trong thời gian gần đây (năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu ước đạt 26,69 tỷ USD); góp phần rất tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đưa Thái Nguyên nhanh chóng vào tốp các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đứng đầu cả nước.
Có tốc độ xây dựng hạ tầng nhanh và tỷ lệ lấp đầy cao, ngoài KCN Yên Bình và Khu A - KCN Điềm Thụy còn phải kể đến KCN Sông Công II. Được triển khai từ năm 2018, đến nay, KCN này đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 220ha, có 13 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 9 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD. Dự kiến, KCN Sông Công II sẽ được lấp đầy toàn bộ diện tích đất công nghiệp trong năm nay, nhiều dự án đang đẩy mạnh xây dựng nhà xưởng và sắp đi vào hoạt động. Sự thành công trong cơ chế huy động vốn để xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp vào KCN Sông Công II (trước đó là 2 KCN kể trên) đã chứng minh lợi thế về vị trí, về giao thông cũng như nhu cầu của nhà đầu tư về thuê đất phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Cùng với đó, tập trung phát triển khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh gồm T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình, xác định đây là vùng đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ. Để cụ thể hóa chủ trương lớn này đồng thời nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, tạo thêm động lực, dư địa tăng trưởng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng và bổ sung các KCN mới trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu.
Từ yêu cầu đó, trước mắt là để kịp thời đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư FDI do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn. Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về nội dung Đề án này. Nội dung Tờ trình ngoài đề xuất mở rộng KCN Sông Công II thêm 300ha là việc bổ sung mới KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình có quy mô khoảng 900ha (thuộc xã Lương Phú, xã Tân Hòa và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình). Việc đề xuất mở rộng và bổ sung 2 KCN đó được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng, triển vọng thu hút đầu tư và bám sát vào quy hoạch, chủ trương, định hướng phát triển của các khu vực này và của cả tỉnh.
Cũng liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch các KCN, Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên (là đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Công I) đã cùng với các cấp, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh ranh giới quy hoạch KCN Sông Công I theo hướng giữ nguyên diện tích 195ha, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch vùng có mật độ dân cư cao, bổ sung diện tích tương tự tại khu vực thưa dân hơn và gần với KCN Sông Công II. Trong khi đó, tháng 6 vừa qua, Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình (chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Bình) cũng đề xuất việc lập Đề án bổ sung quy hoạch mở rộng KCN Yên Bình thêm khoảng 300ha…
Tuy nhiên, trong Tờ trình của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn, nội dung điều chỉnh ranh giới quy hoạch KCN Sông Công I và mở rộng KCN Yên Bình chưa được đề cập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các vấn đề này đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất và có thể sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong đó có quy hoạch các KCN cho phù hợp là cần thiết đối với từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng và quyết định là sự nỗ lực, các giải pháp để hiện thực hóa quy hoạch.