Điều chỉnh hệ số K để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 TP.HCM
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp dự án thành phần 2 thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Theo đó, với đoạn đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM, với các trường hợp chưa đồng thuận, hệ số K đối với đất ở và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thấp nhất là 13,136, cao nhất là 23,6. Đối với đất nông nghiệp, hệ số K thấp nhất là 15,484, cao nhất là 23,94. Đối với giá tái định cư, hệ số K thấp nhất là 15,209, cao nhất là 19,032. Với vị trí đất tại các tuyến đường mới, một số vị trí đất nông nghiệp, phi nông nghiệp sẽ có hệ số K thấp nhất là 14,461, cao nhất là 24,181.
Tại đoạn qua thành phố Thủ Đức, đối với đất ở, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản, hệ số K thấp nhất là 14,7633, cao nhất là 35; đối với các thửa đất có hình dáng đặc thù, hệ số K thấp nhất là 15,739, cao nhất là 37,0553.
Tại đoạn qua huyện Củ Chi, hệ số K thấp nhất sau điều chỉnh là 19,629, cao nhất là 26,061; đất nông nghiệp có hệ số K thấp nhất là 14,717, cao nhất là 16,719; đất tái định cư (vị trí 2, đường tỉnh lộ 15, đoạn từ Công ty Carimar đến xưởng nước đá Tân Quy, xã Tân Thạnh Tây) có hệ số K thấp nhất là 22,469, cao nhất là 29,58.
Về công tác quy hoạch, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận dọc đường vành đai 3 để phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch nói trên là rà soát quỹ đất bao gồm quỹ đất công, đất nông nghiệp tại khu ít dân cư và các loại đất khác (nếu có), kế hoạch sử dụng đất và thực trạng nhu cầu đăng ký khai thác quỹ đất tại địa phương. Đánh giá tính khả thi và hiệu quả khai thác quỹ đất dự kiến. Triển khai tiếp các công tác điều chỉnh quy hoạch đối các khu đất có khả năng hình thành các trung tâm đa chức năng cấp Thành phố, các khu công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, nhà ở. Tổ chức thu hồi đất, khai thác quỹ đất, thực hiện dự án theo quy hoạch.
UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tổng hợp về kế hoạch, lộ trình, thứ tự ưu tiên, để tổ chức thu hồi đất, thực hiện dự án theo quy hoạch; để xuất lựa chọn ít nhất một dự án có thể triển khai ngay, trình Hội đồng nhân dân Thành phố vào cuối năm 2023.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76,34km đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, ảnh hưởng khoảng 1.738 hộ dân, trong đó riêng địa bàn TP.HCM có 654 hộ bị giải tỏa trắng. Đây là đường vành đai cao tốc đô thị, được thiết kế 4 làn xe cơ giới cùng với 2 làn hỗn hợp hai bên, vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Dự kiến dự án sẽ thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 9/2023, vành đai 3 TP.HCM đạt 82% diện tích giải phóng mặt bằng, dự sẽ kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trước tháng 12/2023. Về công tác đấu thầu, dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu. Trong đó, TP.HCM đã hoàn thành 4/14 gói thầu; tỉnh Bình Dương hoàn thành 2/4 gói thầu; tỉnh Long An đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu cả 3 gói thầu.
Hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM đang bị chậm tiến độ về giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần và các địa phương. TP.HCM đã thu hồi 387ha (đạt 94%), tỉnh Bình Dương Dương đã thu hồi 94ha (đạt 73%), tỉnh Long An đã thu hồi 50ha (đạt 98%), tỉnh Đồng Nai chỉ mới thu hồi được 4ha (đạt 6%).
Về tỷ lệ giải ngân vốn, tổng số vốn đã được bố trí dự án năm 2023 là hơn 32.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối tháng 9/2023 chỉ mới giải ngân được 16.380 tỷ đồng, đạt 51%. Dự án cũng đang gặp khó khăn về trữ lượng cát xây dựng, cát đắp nền, hiện chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu.
Điều chỉnh hệ số K tại nhiều dự án đô thị
UBND TP.HCM cũng vừa phê duyệt hệ số K điều chỉnh tại một số dự án đô thị. Cụ thể, tại dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương qua sông Sài Gòn), hệ số K sau điều chỉnh thấp nhất là 21,46, cao nhất là 32,73. Tại dự án cải tạo, mở rộng đường Trương Quốc Dung, phường 10, quận Phú Nhuận, hệ số K sau điều chỉnh là 5,605 tại vị trí 1 đường Trần Hữu Trang và 6,982 vị trí 1 đường Trương Quốc Dung, đoạn từ Hoàng Diệu đến Trần Hữu Trang.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp đường trước Bệnh viện 115, phường 12, quận 10, hệ số K sau điều chỉnh là 8,872 ở vị trí tiếp giáp 2 mặt tiền đường Sư Vạn Hạnh và đường Dương Quang Trung; hệ số K là 8,977 tại vị trí tiếp giáp một mặt tiền đường Dương Quang Trung, hệ số K là 9,771 tại vị trí một mặt tiền đường Dương Quang Trung và một mặt hẻm vị trí 2 (hẻm rộng trên 5m).
Tại dự án xây dựng mới Trung tâm Y tế quận 4, hệ số K sau điều chỉnh là 15,339 tại vị trí 3 cách mặt tiền đường dưới 100m đường Nguyễn Tất Thành, đoạn từ Xóm Chiếu đến cầu Tân Thuận.