Điều chỉnh lại luồng tuyến vận tải khách cố định cần nhất sự công bằng
Nhiều ý kiến lo ngại về việc Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định theo Nghị định 10/202/NĐ-CP có nguy cơ 'bùng nổ' xe khách chạy xuyên tâm, xe dù bến cóc trở lại và thiếu sự công bằng...
Nguy cơ "bùng nổ" xe dù bến cóc?
Bộ GTVT hiện đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng phân cấp, phân quyền cho các Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh.
Tại dự thảo sửa đổi này, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi điểm a khoản 3 điều 4 quy định xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và cập nhật danh mục mạng lưới tuyến "trên phần mềm quản lý vận tải khách cố định của Bộ GTVT.
Theo đó, Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; Thống nhất với sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; Cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ GTVT.
Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia giao thông, doanh nghiệp vận tải lo ngại phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, nguy cơ "bùng nổ" xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt dễ phát sinh tiêu cực.
Ông Trần Đình Ngân-doanh nghiệp vận tải du lịch Đức Lan cho biết, kể từ khi doanh nghiệp chạy tuyến vận tải hành khách cố định Nghệ An- Hà Nội, đơn vị của ông đã phải thay đổi bến ở đầu Hà Nội tới 3 lần, từ bến xe Mỹ Đình chuyển về Giáp Bát rồi lại đến bến Nước Ngầm.
Mỗi lần bị điều chuyển lại thêm nhiều lần khó khăn, phức tạp cho nhà xe, gây xáo trộn hoạt động kinh doanh và sự đi lại của hành khách.
“Bây giờ thay đổi luồng tuyến chúng tôi rất hoang mang vì để ra những cái phức tạp, tốn nhiều thời gian và phát sinh khác. Tôi mong muốn giữ lại như cũ có thể quản lý cho chặt xe dù xe cóc ngoài đường”, ông Ngân nói.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, nếu dự thảo đề xuất Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh thì chẳng khác nào "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp mua bán slot và tình trạng “xe dù bến cóc" có nguy cơ bùng phát trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Thọ- doanh nghiệp vận tải Châu Tình cho rằng, thông tin thay đổi luồng tuyến như nào thì ông chưa hiểu rõ nhưng ông đã đọc cảm thấy hoang mang, không biết đi đâu về đâu, hay lại tạo điều điện cho nhà xe nào đấy có giờ đẹp hơn, bến đẹp hơn vì cơ chế “xin”, “cho”.
"Các tuyến xe khách vận tải liên tỉnh tuyến cố định đang hoạt động ổn định, tại sao lại phải đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định 10 theo hướng dễ gây hiểu lầm khi thực hiện như vậy. Khi trao quyền cho Sở GTVT các tỉnh tự quyết định về cấp phép, quản lý hoạt động vận tải hành khách cố định có nguy cơ "bùng nổ" xe khách chạy xuyên tâm, xe dù bến cóc…", ông Thọ nêu ý kiến.
Bịt “lỗ hổng” trong quản lý xe khách, tránh chạy xuyên tâm
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và chuyên gia giao thông, cái được lớn nhất của Quyết định số 927 của Bộ GTVT là đã góp phần ngăn chặn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm vào nội đô thành phố để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Cơ quan quản lý nhà nước nên có các chế tài quản lý, xử lý nghiêm "xe dù bến cóc".
Ông Nguyễn Văn Quyền-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lấy dẫn chứng, trước đó, để xử lý xe kinh doanh vi phạm, Sở GTVT Hà Nội khiến nghị cần nghiên cứu bổ sung về chức năng tìm kiếm xe vi phạm về đi sai hành trình. Dừng kiểm định ô tô hoạt động kinh doanh không chấp hành quyết định hành chính của các Sở GTVT ban hành về việc thu hồi, biển hiệu và phù hiệu...
“Chúng ta để hoàn toàn theo ý của doanh nghiệp, hoàn toàn theo thị trường thì hoạt động vận tải sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy, có thể ùn tắc giao thông, tranh giành khách, nhiều cái tiếp theo. Nếu bỏ qua các quy định tại quyết định số 927 của Bộ GTVT sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng xe khách bỏ bến xe chạy xuyên tâm, vào nội đô các thành phố. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo nên chăng cần xem xét các quy định tại quyết định số 927 của Bộ GTVT quy định rõ về hướng tuyến của các tuyến vận tải hành khách cố định khi dự thảo Nghị định 10...”, ông Quyền nói.
Còn ông Thân Văn Thanh-chuyên gia về giao thông cho rằng, hiện luồng tuyến đã ổn định, khách quen xe, xe quen đường đã ổn định hết rồi không nên tạo ra sự bất ổn. Tôi cho rằng nên tập trung xử lý xe bỏ bến, chạy dù, xe hợp đồng trá hình.
“Bản thân Hà Nội hay TP HCM phải giải quyết được trung chuyển như thế nào để tạo điều kiện cho hành khách, đừng có làm xáo trộn quá mức, quan trọng tổ chức giao thông đô thị tốt, phục vụ tốt cho người dân”, ông Thanh phân tích.
Ông Lương Duyên Thống-Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái của Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927. Thay vì quản lý danh mục tuyến bằng văn bản thì dự thảo đề xuất cập nhật trên phần mềm quản lý thủ tục hành chính như hiện nay.
“Vẫn giữ nguyên luồng tuyến vận tải cố định mà chỉ đề xuất các Sở GTVT cập nhật, bổ sung bằng phần mềm công nghệ. Đặc biệt, dự thảo cũng chú trọng đến các quy định tăng cường quản lý bằng công nghệ. Quy định trên được hiện thực hóa bằng việc Bộ GTVT đã phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030”, nhằm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ, đặc biệt các phần mềm quản lý. Việc quản lý, giám sát với phương tiện và người lái sẽ được thực hiện sát sao, chặt chẽ hơn thông qua công nghệ”, ông Thống cho hay.
Sau dịch Covid-19, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải có giải pháp dẹp được nạn “xe dù, bến cóc” thì mới kéo được hành khách, xe khách vào bến; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.