Điều chỉnh một số nội dung Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xem xét điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.
Chiều 28/9, tiếp tục Chương trình phiên họp lần thứ 26, Ủy ban Thường trực Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đại diện Bộ Giao thông, vận tải đọc tờ trình của Chính phủ cho biết: Triển khai Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội về Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Long Thành; Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng HKQT Long Thành thành Dự án thành phần (DATP);
Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành (sau đây gọi là Dự án), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt BCNCKT Dự án tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018.
Mục tiêu của dự án nhằm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng "sạch" giao Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành đúng tiến độ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân; điều chỉnh địa giới hành chính các xã trong vùng Dự án; giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện Dự án.
Theo đó, phạm vi dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm: Đất xây dựng Cảng hàng không là 5.000 ha; Đất xây dựng 2 khu tái định cư 364,21 ha.
Mục tiêu của dự án nhằm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng "sạch" giao Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành đúng tiến độ.
Tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, có các hạng mục xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân; lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021.
Theo tờ trình, nội dung điều chỉnh bao gồm: Giảm tổng mức đầu tư Dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng; diện tích đất thu hồi là 5.317,35 ha (giảm 82 ha); thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: Việc xem xét điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý của các tài liệu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị các tài liệu kèm theo phải là tài liệu do Chính phủ trình.
Về sự phù hợp của các nội dung điều chỉnh với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; với chủ trương đầu tư dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ sự phù hợp của các nội dung điều chỉnh với chủ trương đầu tư Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như tác động và ảnh hưởng của việc điều chỉnh đến Dự án.
Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc điều chỉnh các nội dung trên khác với nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chậm trễ trong việc đề nghị điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Về điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng công tác lập dự toán ngân sách và rà soát nội dung của dự án thành phần chưa sát với thực tiễn, có sự điều chỉnh vốn đầu tư tương đối nhiều (giảm trên 15% so với tổng mức đầu tư ban đầu, trong đó có 3 hạng mục đề nghị điều chỉnh tăng.
Các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, mang tính định tính, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, cung cấp thêm thông tin, số liệu về điều chỉnh tổng mức đầu tư để bảo đảm tính minh bạch, chính xác, khả thi, tránh việc phải tiếp tục điều chỉnh.
Về điều chỉnh diện tích đất thu hồi, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát, đánh giá rõ việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn có đáp ứng đồng bộ với việc bổ sung tăng quy mô số lô tái định cư nhằm đáp ứng nhu cầu và ổn định cuộc sống của người dân.
Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tiếp tục đánh giá, làm rõ hơn về các công tác chuẩn bị thực hiện dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 trước khi tạm ngưng triển khai như công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan.
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động cũng như làm rõ cơ sở pháp lý đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương phần chi phí bồi thường GPMB Phân khu III - Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn và giao cho địa phương quản lý, sử dụng diện tích đất đã thu hồi theo đúng mục đích thu hồi của dự án trong dài hạn nhằm phục vụ phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống của người dân tái định cư và nguồn kinh phí vẫn lấy từ nguồn ngân sách Trung ương đã bố trí.
Trường hợp thật sự không sử dụng đến mới xem xét giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng. Việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng tái lấn chiếm và lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Nội dung đề nghị cũng đề cập Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không?
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Việc Chính phủ kiến nghị “cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kéo dài thời gian giải ngân với số vốn 2.510,372 tỷ đồng là không khả thi, không phù hợp quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ trong chỉ đạo triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành trong thời gian vừa qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị sau phiên họp, Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội, tiếp tục rà soát, điều chỉnh số liệu phù hợp, bảo đảm tính chính xác thống nhất, để đề xuất trình Quốc hội theo đúng trình tự, thẩm quyền của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy không nhất thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Riêng vấn đề điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án; sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.