Điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phù hợp yêu cầu thực tiễn
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh, việc kịp thời ban hành Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 là cực kỳ cần thiết. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình, dự án được khởi công theo kế hoạch và đảm bảo tiến độ thực hiện, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Quyết định số 770/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, toàn tỉnh có 28.134,1ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng 15.096,7ha; rừng phòng hộ 3.694,9ha; rừng sản xuất 9.342,5ha.
Để quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 28 tỷ đồng cho công tác BV&PTR; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng gần 3,7 tỷ đồng cho Dự án BV&PTR phòng hộ, đặc dụng các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên rà soát trên 9 nghìn ha rừng với 68 trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tại các huyện, thành phố như Phúc Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch và Sông Lô.
Tăng cường quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có; lập hồ sơ giao hơn 6.100 ha cho 807 cá nhân, hộ gia đình và 05 tổ chức quản lý sử dụng gắn quyền lợi, trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng trong việc BV&PTR.
Cùng với đó, công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo.
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 74 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích chuyển mục đích 297,021 ha, trong đó rừng sản xuất 258,660 ha; rừng phòng hộ 15,679 ha; rừng đặc dụng 22,682 ha.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế, UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về chủ trương trồng rừng thay thế; ban hành Quyết định số 1661 về phê duyệt đơn giá đầu tư bình quân thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã thực hiện trồng 93,2ha từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế của các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đóng góp theo quy định và từ nguồn vốn tự có của chủ rừng.
Việc giao, khoán bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế của người dân, qua đó đưa tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 24,38% (năm 2018) tăng lên 25% (năm 2022) đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; giá trị tăng trưởng lâm nghiệp bình quân đạt 3,9%, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả.
Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án quan trọng, cấp thiết phục vụ nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh với tổng diện tích dự án gần 542ha, trong đó có gần 158ha là diện tích rừng và đất rừng còn nằm trong Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Các dự án và diện tích trên đã được tích hợp trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt dẫn đến việc thu hồi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án phát triển KT - XH tại địa phương.
Do vậy, việc điều chỉnh Quy hoạch BV&PTR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 là rất cần thiết.
Theo nội dung tờ trình tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh sắp tới, toàn tỉnh có 157,91ha diện tích rừng và đất rừng phục vụ các công trình, dự án sẽ được điều chỉnh đưa ra ngoài Quy hoạch BV&PTR tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 thuộc 4 huyện, thành phố Bình Xuyên 6,82ha, Lập Thạch 111,96ha, Sông Lô 7,06ha, Tam Đảo 23,61 và Phúc Yên 8,46ha.
Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp sau điều chỉnh là 27.976,19 ha, trong đó, đất rừng đặc dụng 15.098,69ha (giảm 7,01ha); đất rừng phòng hộ 3.686,29ha (giảm 8,61 ha) và đất rừng sản xuất 9.200,21ha (giảm 142,29ha).
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc điều chỉnh gần 158 ha diện tích rừng và đất rừng đưa ra ngoài Quy hoạch BV&PTR tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 để thực hiện các công trình, dự án phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 326 ngày 9/3/2022 cho tỉnh Vĩnh Phúc và vẫn đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ở mức 25% đến năm 2025 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời mở mới các tuyến đường quan trọng của tỉnh, tạo sự kết nối giao thông trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.