Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô: Yêu cầu cấp thiết
Việc phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn Hà Nội hiện đang bị chậm và khó khăn do thiếu nguồn nước. Để thúc đẩy việc đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch cho Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn, thành phố Hà Nội mong muốn sớm được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước bởi yêu cầu mang tính cấp thiết này sẽ là cơ sở triển khai các dự án cấp nước sạch.
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh thi công đường ống nước sạch trên địa bàn huyện Mê Linh.
Nhiều nơi thiếu nguồn cấp nước
Mặc dù thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ năm 2013, song đến nay người dân huyện Chương Mỹ vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, nguồn nước sạch chính của huyện vẫn là từ các trạm cấp nước cục bộ, xây dựng trong giai đoạn 1998-2015. Còn ông Trịnh Hữu Hạ (người dân thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) nhận xét: “Chất lượng nước từ các trạm cấp nước không bảo đảm. Để dùng ăn uống, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác phải đầu tư thêm hệ thống lọc”.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội (đơn vị được thành phố giao thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Đan Phượng) Nguyễn Đình Hà, công ty đã thi công giai đoạn 1 tuyến ống truyền dẫn nối từ huyện Hoài Đức đến thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) và sẵn sàng thi công giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là chưa có nguồn nước sạch, do Nhà máy nước sạch sông Hồng chưa hoàn thành.
Thông tin về thực trạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, hiện tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung đạt 1.520.000m3/ngày-đêm, thiếu 210.000m3/ngày-đêm so với Quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 21-3-2013). Tổng công suất các nguồn nước sạch chỉ đủ phục vụ người dân khu vực nội thành và lân cận, chưa thể “vươn” tới khu vực nông thôn, nhất là địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... Tại khu vực này, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch rất thấp, khoảng 10-35% (tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của toàn thành phố được sử dụng nước sạch hiện là 78%) và nguồn cấp chủ yếu từ các công trình nước sạch tập trung nông thôn.
Cần sớm điều chỉnh quy hoạch
Để mọi người dân Thủ đô cùng được sử dụng nước sạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bên cạnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước theo quy hoạch, thành phố đã xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư thêm các nhà máy nước mới, hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp khó khăn.
“Đến nay, các khu vực có thể phát triển mạng cấp nước nông thôn đều đã được triển khai. Những khu vực còn lại đều xa hệ thống cấp nước tập trung, phải bổ sung tuyến ống truyền dẫn nên việc đầu tư kém hiệu quả; hơn nữa phải chờ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô”, ông Lê Văn Du thông tin.
Thực tế, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2055/QĐ-TTg (ngày 20-12-2017). Theo đó, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) là đơn vị được giao lập quy hoạch điều chỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, tại quy hoạch điều chỉnh, VIWASE đề xuất 2 phương án. Phương án một là nâng công suất Nhà máy nước sông Đà, phương án hai là bổ sung Nhà máy nước Xuân Mai. Với phương án một, cần bổ sung 2 tuyến truyền tải trên Đại lộ Thăng Long và bổ sung tuyến truyền tải cấp cho các huyện phía Nam (chiều dài tuyến ống lớn, tổn thất áp lực cao). Với phương án hai, Nhà máy nước Xuân Mai (đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018) sẽ vừa cấp nước cho Hòa Bình vừa bổ sung nguồn cấp cho Hà Nội. Việc bổ sung nguồn cấp từ Nhà máy nước Xuân Mai sẽ bảo đảm kết nối an ninh, an toàn cấp nước, đồng thời bảo đảm cự ly cấp nguồn bổ sung cho khu vực phía Nam Hà Nội...
"Trong hai phương án, VIWASE đề xuất chọn phương án hai. Hiện, quy hoạch điều chỉnh đang được Bộ Xây dựng thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ", ông Hoàng Cao Thắng thông tin thêm.
Việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội sớm được duyệt là rất cần thiết, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn của thành phố được sử dụng nước sạch. Do đó, Hà Nội mong muốn Bộ Xây dựng sớm thẩm định, trình phê duyệt, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn và mạng cấp nước tại thành phố.