Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên: Diện tích lên hơn 20.700 ha
Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ có diện tích trên 20.700 ha, được định hướng xây dựng, phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng.
Điều chỉnh quy hoạch lên hơn 20.000 ha.
Sáng 7/11, UBND Phú Yên tổ chức lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho biết, với quyết định vừa được phê duyệt Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ có diện tích trên 20.700 ha, phía Bắc giáp sông Đà Rằng, phía Nam giáp huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), còn phía Đông sẽ giáp Biển Đông và phía Tây giáp hành lang cao tốc Bắc - Nam.
Theo ông Hùng, việc điều chỉnh quy hoạch này giúp xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia biển, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Trong tương lai, Khu kinh tế Nam Phú Yên được định hướng xây dựng, phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng…
Nơi đây cũng được hình trở thành thành một trung tâm dịch vụ, du lịch cấp quốc gia và khu vực; tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho hay, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của các nước. Nơi đây có vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn.
Theo ông Tuấn, với đồ án điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tháo gỡ các nút thắt cũng như những hạn chế thời gian qua. Song song đó, Khu kinh tế mới Nam Phú Yên đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, thu hút nhà đầu tư lớn, xúc tiến đầu tư các lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp, giúp địa phương phát triển.
Tính đến tháng 09/2023, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 54 dự án, diện tích đất đăng ký 229,3ha với tổng vốn đăng ký hơn 3.681 tỷ đồng và hơn 24.399 nghìn USD, các dự án đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc - Bộ Xây dựng cho biết, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng.
Đây cũng là khu vực đầu mối kết nối giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông gần nhất của khu vực Tây Nguyên và ngã ba Đông Bắc Lào, Campuchia; có đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường cao tốc và đặc biệt được hưởng những chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư rất lớn của Nhà nước cho các dự án trong khu kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư và phát huy những lợi thế to lớn này của Khu Kinh tế Nam Phú Yên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, tỉnh Phú Yên đã nghiên cứu xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040.
Theo đó, thay đổi lớn nhất của đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này là điều chỉnh mục tiêu phát triển của Khu Kinh tế Nam Phú Yên, từ đó nhằm chuyển dịch rõ rệt cơ cấu kinh tế của tỉnh, xác định Khu kinh tế Nam Phú Yên từ khu kinh tế tổng hợp thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng… vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc.
Bên cạnh đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được xây dựng, hoàn thiện phù hợp và đồng bộ với Đồ án Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó với mục tiêu đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Bà Hằng cho biết, Phú Yên đang mở rộng cánh cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để tìm cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế nêu trên. Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, với phương châm “Thành công của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là thành công của Phú Yên”.