Điều chỉnh quy hoạch nhìn từ một số dự án ở Hà Nội: Số 9 Phạm Văn Đồng mọc lên cao ốc GP Tower
Khu đất nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng có diện tích khoảng 5000m2 có nguồn gốc là đất cho doanh nghiệp nhà nước thuê làm trụ sở văn phòng. Quy hoạch phân khu xác định chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo. Thế nhưng, sau một loạt các quyết định của UBND TP Hà Nội, khu đất này đã mọc lên một tòa nhà hỗn hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại, văn phòng.
Ai mới thực sự là chủ đầu tư?
Theo thông tin mà Báo PLVN được cơ quan chức năng cung cấp, ngày 2/4/2018, UBND TP Hà Nội có Quyết định chủ trương đầu tư số 1560/QĐ-UBND chấp thuận dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại địa điểm số 9 đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy).
Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu (MST 0107977736).
Tới thời điểm có quyết định trên, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập có 7 tháng (28/8/2017), sử dụng cùng địa chỉ trên và có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng.
Điều đáng nói, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 916899 thì chủ sử dụng khu đất lại là Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam (đăng ký kinh doanh số 0100103489).
Trong khi, theo quy định tại Điều 22 Luật Nhà ở 2014 thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua một trong ba hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Đấu thầu dự án có sử dụng đất và chỉ định chủ đầu tư.
Tuy nhiên, việc chỉ định chỉ được thực hiện trong trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 21 (là doanh nghiệp, hợp tác xã; có vốn pháp định, vốn kỹ quỹ và chức năng kinh doanh bất động sản), có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao không có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu lại được chấp thuận là nhà đầu tư? Theo tìm hiểu thì tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã dừng hoạt động.
Mặt khác đối chiếu với quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở. Thế nhưng tại thời điểm phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, loại đất mà Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam có quyền sử dụng là đất nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, mục đích làm trụ sở văn phòng.
Trao đổi với PV, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: cách làm này của cơ quan chức năng là “cách làm ngược”. Lẽ ra, phải hủy bỏ các quyết định không phù hợp thế nhưng ngày 17/10/2019, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Hùng lại ký Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tại quyết định này, Cty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu bất ngờ “biến mất”, nhà đầu tư được điều chỉnh gồm hai doanh nghiệp gồm: Nhà đầu tư thứ 1 - Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam (đại diện là ông Lê Hồng Minh) và Nhà đầu tư thứ 2 – Công ty CP đầu tư bất động sản Toàn Cầu (đại diện là ông Nguyễn Quốc Hiệp).
Và tới ngày 18/12/2019, Hà Nội mới có quyết định cho phép Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam chuyển mục đích hơn 4900m2 để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower theo chủ trương đầu tư đã cấp. Hay nói cách khác tại thời điểm điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng vẫn chưa có “đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp”.
Nguồn gốc là đất nhà nước cho thuê
Trả lời báo chí về câu chuyện thất thoát “đất vàng”, đất công sản, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh từng cho rằng: Đúng là hiện nay đang tồn tại thực trạng đất công rơi vào tay của tư nhân hoặc người có tiền một cách dễ dàng, đơn giải. Đây không phải câu chuyện mới, những mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa gọi là “đất vàng” luôn có giá trị “khổng lồ” nên sẽ có không ít người nhăm nhe.
“Và rồi, bằng rất nhiều hình thức “chiếm dụng” hay “hợp pháp hóa” việc sở hữu mà những khu đất công đã rơi vào tay một số doanh nghiệp với giá bèo. Đầu tiên là mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước khi đang tiến hành cổ phần hóa. Việc mua lại cổ phần doanh nghiệp không phải nhằm vào giá trị của doanh nghiệp, thực chất là nhằm vào giá trị của miếng đất ở những vị trí đắc địa mà doanh nghiệp đó đang sở hữu. Từ đó, nghiễm nhiên biến khu đất vàng này thành những dự án bất động sản chung cư, trung tâm thương mại, nhà ở cho thuê và thu được lợi nhuận “khủng”.
Trên một website quảng cáo, rao bán căn hộ (theninegpinvest.vn), dự án tại số 9 Phạm Văn Đồng (với tên gọi The Nine Tower) được giới thiệu có vị trí “vô cùng đắc địa về giao thông với cơ sở hạ tầng phát triển hoàn thiện”, nằm trong tuyến đường kết nối của Thủ Đô.
Cũng trên trang web này không còn thấy “bóng dáng” nhà đầu tư có đất là Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam mà chủ đầu tư chỉ còn ghi: GP.INVEST- Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu.
Vậy đằng sau dự án cao ốc tại “đất vàng” số 9 Phạm Văn Đồng đã có một quá trình sử dụng đất như thế nào?
Theo tài liệu PV được cung cấp thì ngày 9/11/2004, TP Hà Nội có quyết định số 7624/QĐ-UB, Công ty Cơ khí và Tàu thuyền Thủy sản được thuê đất (nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm) tại thửa đất số 37 Km9 đường Phạm Văn Đồng để làm trụ sở văn phòng.
Trong đó có hơn 4500m2 là đất thuê 20 năm (tính từ ngày 1/1/2004) mục đích làm trụ sở văn phòng, phần đất còn lại nằm trong hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế và mở đường theo quy định là đất thuê hàng năm.
Điều đáng nói, theo thông tin từ trang 2tcorp.com.vn thì, công ty này vốn có tiền thân là Cục cơ khí tàu thuyền thuộc Bộ Thủy sản. Tới ngày 8/12/2004 (nghĩa là sau Quyết định 7264 gần 1 tháng) công ty mới được Bộ Thủy sản quyết định cho chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty CP với tên gọi Công ty CP Kỹ thuật Công trình Việt Nam (2T CORPORATION, quyết định số 1142/QĐ-BTS). Ngày 24/4/2007 diễn ra lễ bàn giao doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, theo văn bản số 5800/QHKT-P1 ngày 25/9/2018 thì hiện trạng trên khu đất đã có các công trình cao 1 – 5 tầng. Vậy nguồn gốc tài sản gắn liền với đất này có phần của ngân sách nhà nước không, đã được xử lý như thế nào?
Việc xác định giá trị khi cổ phần hóa, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, xác định lợi thế thương mại đã được thực hiện ra sao để không thất thoát ngân sách, tạo cơ hội cho “trục lợi” chính sách?
Ngoài ra, theo bản đồ Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 02/12/2015, khu đất tại số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được xác định có chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo. Vậy, căn cứ nào để UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện Dự án nhà ở thương mại?
Những vấn đề này sẽ tiếp tục sẽ tiếp tục thông tin.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chỉ thị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành.
Theo Chỉ thị 14, các cấp, các ngành phải chú trọng hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.