Điều chỉnh thuế, tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nông nghiệp

Việc chuyển một số mặt hàng sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% từ 1/7 tới đây được coi là động thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp thêm nguồn lực cho hoạt động sản xuất.

Hoạt động sản xuất phân bón. (Ảnh tư liệu)

Hoạt động sản xuất phân bón. (Ảnh tư liệu)

Chịu thuế mới được hoàn thuế đầu vào

Một trong những điểm mới rất quan trọng của Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 là chuyển một số đối tượng từ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Các đối tượng chuyển đổi chủ yếu là các mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, các mặt hàng này đang không phải nộp thuế GTGT. Về mặt logic, rõ ràng nếu không đánh thuế thì giá sẽ giảm đi. Thế nhưng thực tế thì quy định này gây khó sản xuất của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, bao gồm có sản xuất phân đạm và các vật tư thiết bị.

Lý do là khi không có thuế GTGT, đồng nghĩa là phần GTGT đầu vào không được phép khấu trừ và như vậy toàn bộ phần thuế GTGT này sẽ phải tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp và từ đó làm cho giá thành sản phẩm tăng lên chứ không giảm đi như mong muốn ban đầu.

Điều này không chỉ cản trở doanh nghiệp phát triển mà còn gây hại tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nông nghiệp và sản xuất thiết bị nông nghiệp trong nước.

Bà Mai Thị Vân Anh – Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ thuế hải quan (Cục Hải quan):

Mục đích của việc chuyển từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% đã góp phần tránh các hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Khi chuyển từ không chịu thuế sang chịu thuế 5%, doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào và có thêm nguồn lực để cân đối hoạt động kinh doanh sản xuất.

Ông Phạm Văn Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc cho biết, từ việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế 5%, Công ty giảm được chi phí khoảng 150-200 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy cũng góp phần cho giảm giá thành sản phẩm

Tránh các hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Việc áp thuế 5% giúp mỗi năm các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và tạo điều kiện để hài hòa lợi ích các bên.

Ông Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sản xuất nhận được 5% của nguyên liệu đầu vào sẽ tìm cách giảm giá thành sản phẩm. Từ đó tăng sức cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Đặc biệt, khi có nguồn lực, khá nhiều doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết là số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT ngày càng tăng và ở thời điểm hiện tại đã là 195 nước.

Luật Thuế GTGT năm 2024 khi đi vào thực hiện được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như là xu hướng phát triển.

Để đưa chính sách vào cuộc sống từ 1/7/2025, ngành Hải quan đã triển khai nhiều công tác chuẩn bị. Khi Luật có hiệu lực, ngành Hải quan cũng sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ doanh nghiệp những nội dung liên quan đến Luật Thuế này.

Hồng Vân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dieu-chinh-thue-tang-nguon-luc-cho-doanh-nghiep-nong-nghiep-d262094.html