Điều chỉnh tiền lương: Cần quan tâm đến đối tượng nghỉ hưu trước 1995

Theo ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định), thu nhập của thế hệ cán bộ nghỉ hưu trước năm 1995 rất thấp do chưa thực hiện cải cách tiền lương, vì vậy, điều chỉnh tiền lương lần này cần quan tâm hơn đến nhóm đối tượng này.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 25.6.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 25.6.

Thảo luận tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định) về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024, các ĐBQH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về các nội dung này.

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, trong khi chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, thì việc tăng lương là cần thiết.

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu tại phiên họp

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu tại phiên họp

Cụ thể, trên cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Chính phủ đề xuất từ ngày 1.7.2024 sẽ tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6.2024); điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

"Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để chậm nhất đến hết nhiệm kỳ này, phải hình thành được thang bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm, mô tả các vị trí việc làm và trả lương theo mô tả đó như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, để nhiệm kỳ Quốc hội mới có thể triển khai", đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, Chính phủ cần tính toán, có phương án phù hợp để cấp bù lương phần tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ. Bởi với các đơn vị này, phần kinh phí cân đối để trả lương viên chức chính là nguồn thu từ giá dịch vụ, tức là từ người dân. Trong khi chưa điều chỉnh giá dịch vụ thì sức ép rất lớn với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ.

Theo đại biểu Lê Kim Toàn, phương án cấp bù đó phải theo lộ trình dài, không thể tăng lương cho viên chức dựa vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập - nguồn thu qua các dịch vụ mà người dân đóng. Bởi lẽ, tăng một lúc giá dịch vụ 30% trong khi đời sống người dân còn khó khăn là việc phải tính toán kỹ lưỡng.

Đồng thời, khi tăng lương, giá tiêu dùng sẽ tăng, cũng tác động đến đời sống người dân, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có phương án cho tình huống này.

Đặc biệt, theo đại biểu Lê Kim Toàn, điều chỉnh lương, trợ cấp lần này cần quan tâm đến đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, vì tiền lương của nhóm này rất thấp do khi đó chưa thực hiện cải cách tiền lương.

"Có khoảng cách rất xa về tiền lương giữa những người cùng cương vị công tác mà nghỉ hưu trước và sau năm 1995", đại biểu Lê Kim Toàn nhận xét.

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6.2024), với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì sẽ tăng 0,3 triệu đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Nếu nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm được thì nên tăng cao hơn 15% với người nghỉ hưu trước năm 1995, đại biểu Lê Kim Toàn đề xuất.

Chính phủ cho biết, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913,3 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng khẳng định bảo đảm đủ nguồn để thực hiện các cải cách này.

Tin và ảnh: Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/dieu-chinh-tien-luong-can-quan-tam-den-doi-tuong-nghi-huu-truoc-1995-i376657/