Điều chưa biết về xưởng lụa số 1 Việt Nam

Vietsilk được thành lập từ năm 2012, có chỗ đứng vững chắc trong ngành dâu tằm tơ ở TP Bảo Lộc, thủ phủ dâu tằm tơ Việt Nam. Mấu chốt thành công của doanh nghiệp này là đội ngũ những người có tay nghề cao, gắn bó lâu năm và tâm huyết với nghề, tìm được đối tác tiềm năng từ Nhật Bản…

Dệt vải may áo cho Bác Hồ

Trong nhà xưởng rộng khoảng 8.000m2 của Công ty TNHH Dệt Tơ Tằm Vietsilk (Vietsilk) ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, giữa vô số những cuộn vải lụa với khổ vải 40cm, chúng tôi nhìn thấy hơn 10 cuộn vải màu hồng khổ 1m. Trước ánh mắt tò mò của tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng (giám đốc công ty) tự hào nói: “Đó là vải dùng để may áo cho Bác. Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng với chúng tôi để dệt loại lụa này suốt 12 năm qua”.

Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, người Nhật có nhiều duyên nợ với nghề tằm tang ở TP Bảo Lộc. Từ năm 1965, Chính phủ Nhật Bản đã cử chuyên gia sang miền Nam Việt Nam khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết, trồng thử giống dâu, nuôi thử giống tằm. Kết quả cho thấy một số địa điểm ở Kon Tum, Gia Lai và đặc biệt Lâm Đồng là thích hợp nhất. Từ năm 1968, Trung tâm tằm tang Bảo Lộc được xây dựng để rồi dần dần vùng đất này trở thành “thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam.

Ông kể, vào năm 2009, Nhà nước giao cho Ban quản lý Lăng đi tìm nơi dệt vải may áo cho Bác. Họ đã đi suốt con đường tơ lụa, sang tận Trung Quốc nhưng chưa tìm được loại vải phù hợp. Thế rồi, trong một cuộc gặp gỡ ở Lâm Đồng, chánh văn phòng UBND tỉnh này nhận miếng vải mẫu từ tay cán bộ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang xuống TP Bảo Lộc đưa cho công ty dệt do ông Dũng làm giám đốc nghiên cứu, xem thử có dệt được không.

Hầu hết sản phẩm của nhà máy được xuất sang Nhật để may trang phục truyền thống kimono nên khổ lụa chỉ rộng 40cm, các hoa văn dệt theo mẫu của đối tác. Tơ để dệt vải phải là sợi tơ tằm tự nhiên có chất lượng tốt nhất. Sau khi dệt, mỗi tấm vải đều được kiểm tra kỹ trước khi xuất khẩu.

“Vải được cán một lớp polyme với mục đích để bơm hóa chất vào nên nhìn không rõ. Tôi phải dán miếng vải lên tấm kính, dùng giấy nhám mài cho bay lớp polyme để xem chất liệu vải và nghĩ ra cách dệt thích hợp, giao cho đội ngũ kỹ thuật thực hiện, sau đó mời Ban quản lý Lăng vào xem. Sau khi ngắm nghía tấm vải, họ vui mừng, vỗ tay rào rào. Chúng tôi viết quy trình công nghệ đưa cho họ thẩm định, sau đó ký hợp đồng sản xuất hàng năm, bắt đầu từ năm 2010. Dẫu số lượng vải sản xuất không nhiều (mỗi năm chỉ khoảng 30m) nhưng chúng tôi rất vui vì Bác Hồ mặc áo lụa được dệt từ nhà máy của mình”, ông Dũng chân tình nói.

Nơi sản xuất tơ của Vietsilk

Nơi sản xuất tơ của Vietsilk

Nhà thiết kế Minh Hạnh, người có nhiều tâm huyết trong việc xây dựng thương hiệu cho lụa Bảo Lộc chia sẻ: Lụa tơ tằm là ngành kinh doanh “nhạy cảm” vì nhắc đến nó là nhắc đến sản phẩm thuần tự nhiên, liên quan đến sức khỏe. Tơ lụa xuất xứ từ TP Bảo Lộc đáp ứng được điều đó vì có nguồn gốc là loại sợi tơ tự nhiên cao cấp, sản phẩm lụa mềm mại, đẹp và chất lượng. Chúng tôi gọi đó là “lụa quân tử”.

Xưởng dệt lụa số 1 Việt Nam

Ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vietnam Silk House, Giám đốc Công ty Tơ Lụa Nhật Minh, cho biết: “Vietsilk có nhà xưởng dệt lụa số 1 Việt Nam, cả về công suất và chất lượng. Mỗi khi có ý tưởng về mẫu mã mới, tôi đều mang đến công ty này vì họ có công nghệ và đội ngũ kỹ thuật giỏi để thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thiết kế Minh Hạnh thường xuyên đặt hàng làm lụa tại đây”.

Vải lụa do Vietsilk dệt để may kimono

Vải lụa do Vietsilk dệt để may kimono

Trong lúc đưa chúng tôi đi tham quan, quản đốc xưởng cho hay: Công ty có 100 máy dệt Jacquard khổ hẹp để dệt vải tơ tằm Kimono, trong đó đối tác Nhật Bản tặng 60 máy. Máy có tuổi thọ từ 15-70 năm, chạy suốt ngày đêm mà không hỏng hóc gì lớn. Nhà máy có 150 công nhân, làm việc 3 ca (sáng-chiều-đêm-PV) mới đủ sản phẩm để xuất khẩu. Mỗi tuần công ty xuất 5.000 cây vải, mỗi cây dài 17m, nặng 1,2kg, khổ 40cm; tính ra mỗi năm xuất hàng trăm tấn vải sang Nhật.

Cũng theo quản đốc, để được chấp nhận tại thị trường tiềm năng nhưng vô cùng khó tính như Nhật Bản, mỗi tấm lụa của công ty phải trải qua các công đoạn sản xuất cầu kỳ, nghiêm ngặt. Hầu hết sản phẩm của nhà máy được xuất sang Nhật để may trang phục truyền thống kimono nên khổ lụa chỉ rộng 40cm, các hoa văn dệt theo mẫu của đối tác. Tơ để dệt vải phải là sợi tơ tằm tự nhiên có chất lượng tốt nhất. Sau khi dệt, mỗi tấm vải đều được kiểm tra kỹ trước khi xuất khẩu.

“Hầu như mẫu nào khách hàng đưa, chúng tôi đều tìm cách dệt bằng được. Tuy nhiên, công ty chủ yếu dệt lụa cho đối tác đến từ Nhật Bản. Họ cung cấp mẫu, đề ra quy chuẩn rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nhưng đòi hỏi khá cao về chất lượng. Cuộn vải nào bị lỗi, trầy xước một chút là họ loại ra liền. Họ dùng thiết bị phóng cho sợi tơ to bằng ngón tay để kiểm tra nên có lỗi gì là phát hiện ra ngay. Mặt khác, cứ 3 tháng một lần, đối tác cử người sang tận nhà máy để kiểm tra chất lượng sản phẩm”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng thông tin thêm: Ở TP Bảo Lộc, máy móc để dệt khổ rộng nhiều lắm nhưng sản phẩm làm ra rất khó bán vì thị trường quá hẹp, mỗi năm chỉ sản xuất vài chục tấn. Cái may của công ty tôi là tìm được đối tác tiềm năng từ Nhật Bản. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, chúng tôi vẫn dệt suốt ngày đêm, giá cao hơn trước. Tôi cũng không biết nhờ đâu mà đối tác Nhật Bản bán được giá như vậy. Hiện người làm lụa ở TP Bảo Lộc tập trung làm lụa xuất khẩu, còn tiêu thụ ở thị trường nội địa rất ít bởi đa số người Việt chưa mặn mà với lụa. Các doanh nghiệp vừa nỗ lực quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu để khẳng định lụa mình tốt và tranh thủ học hỏi công nghệ qua những yêu cầu khắt khe của khách nước ngoài”.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-chua-biet-ve-xuong-lua-so-1-viet-nam-post1476041.tpo