Điều đặc biệt ở Si Ma Cai

10 tuổi đi học lớp 1, thậm chí 18 tuổi mới học lớp 6… câu chuyện tưởng như đùa, nhưng đó là sự thật ở mảnh đất vùng cao, nghèo khó Si Ma Cai. Dù đi học muộn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng giờ đây, họ đã là cán bộ chủ chốt cấp xã với học vị thạc sỹ…

Là con thứ 5 trong gia đình dân tộc Mông có 6 anh chị em ở thôn Mản Thẩn, xã Mản Thẩn (nay là xã Quan Hồ Thẩn), quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn, nên khi 6 tuổi, bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường thì Giàng Seo Châu ngậm ngùi ở nhà. “Bố mẹ bảo, con còn nhỏ, nhà cách trường 4 cây số, hằng ngày đi bộ và phải mang theo gạo nên không yên tâm, thôi ở nhà chăn trâu, lớn hơn chút sẽ cho đi học. Cánh cửa đến trường học chữ của mình đã bị đóng lại như vậy”, Giàng Seo Châu trải lòng.

Thế rồi, khi 10 tuổi, đôi chân đi bộ đã dẻo dai, niềm tin của bố mẹ lớn dần, Giàng Seo Châu được đến trường học chữ.

“Không có gì là muộn, quan trọng là được thỏa cơn khát học chữ”, Châu bộc bạch.

Những ngày đến trường, Châu học tập say mê như để bù đắp thời gian 4 năm khát khao, chờ đợi được đi học. Cứ thế, học hết tiểu học, THCS, THPT, rồi cũng đến ngày Giàng Seo Châu đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Miệt mài ôn luyện, năm 2007, Châu nhận cùng lúc giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Chưa kịp vui vì cánh cửa tương lai bắt đầu mở ra, Châu gặp phải khó khăn, bởi lấy đâu ra tiền để đi học ở tận Thủ đô. Bố Châu ngăn cản, bảo anh nên ở nhà vì đi học rất tốn kém. May sao, mẹ và các anh chị đã lựa lời thuyết phục để bố Châu đồng ý cho cậu đi “học lấy cái chữ”.

Được bố đồng ý, hành trang về Thủ đô của Châu lúc đó chỉ có vài trăm nghìn đồng, do các anh chị trong nhà gom góp tặng cậu em trai hiếu học. Không có nhiều tiền, cậu sinh viên năm thứ nhất Đại học Nông nghiệp 1 thường bữa đói bữa no lên giảng đường. Vượt qua tất cả, Giàng Seo Châu quyết tâm học để mau chóng thành tài, trở về xây dựng quê hương. Ngày Châu tốt nghiệp đại học, bên cạnh niềm vui là nỗi lo của gia đình, bởi “món nợ” vay Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình cho vay học sinh, sinh viên để có tiền cho Châu đi học đại học đã đến hạn trả. Biết được nỗi lòng của bố mẹ, Châu miệt mài tìm kiếm việc làm để có thu nhập, trả nợ ngân hàng.

Rất may, năm 2011, Bộ Nội vụ triển khai Quyết định số 170 của Thủ tướng Chính phủ về dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo) trên cả nước. Mạnh dạn tình nguyện xin tham gia dự án và được chấp nhận, tháng 6/2012, chàng sinh viên nghèo người dân tộc thiểu số trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn - nơi anh sinh ra và lớn lên. Có điều kiện thuận lợi về ngôn ngữ và phong tục, tập quán địa phương, Châu nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới, chiếm được cảm tình của người dân trong xã. Nhờ những sáng kiến của anh, nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại lần đầu được áp dụng và đem lại lợi ích thiết thực, giúp bà con xã Mản Thẩn thu được những hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Thấy học như thế chưa đủ, Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học. Thời điểm đó, việc đi lại trên tuyến đường Lào Cai - Hà Nội vẫn chưa thuận tiện như bây giờ. Mỗi chiều thứ Sáu, bà con trong xã lại thấy chàng cán bộ trẻ thu xếp đồ đạc, bắt xe lên thành phố Lào Cai, rồi từ đó lên tàu đi học ở Hà Nội. Chi phí cho việc “học thêm cái chữ” ấy được anh khéo léo dành dụm từ các khoản lương, trợ cấp không lấy gì làm nhiều. Sau 2 năm, Châu đã hoàn thành học cao học, bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ kinh tế nông nghiệp và trở thành thạc sỹ người Mông đầu tiên của huyện Si Ma Cai.

Hiện tại, với cương vị Bí thư Đảng ủy xã Quan Hồ Thẩn, Giàng Seo Châu luôn tích cực động viên, tạo điều kiện để con em trong xã được đi học đầy đủ. Anh thường xuyên truyền cảm hứng tới học sinh và thanh niên trong xã: Chỉ cần có ý chí, nghị lực, quyết tâm theo đuổi, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

19 tuổi học lớp 6

Sinh ra trong gia đình người Mông có 4 anh chị em ở thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, năm 1988, khi Giàng Seo Xăm 8 tuổi thì bố qua đời. Một thời gian sau, mẹ đi bước nữa, 4 anh em Xăm tự rau cháo nuôi nhau qua ngày. Mọi khó khăn, cực nhọc dồn lên vai người anh cả mới 13 tuổi - Giàng Sùng Pao và lòng thương của người dân trong thôn. Thương anh, thương chị, cậu bé Giàng Seo Xăm từ bỏ ước mơ đến trường, dù rất “thèm” học chữ, để giúp anh chị lo cuộc sống trước mắt. Khi Xăm lên 11 tuổi, dù cuộc sống vẫn muôn vàn khó khăn nhưng anh trai và chị gái đã có suy nghĩ “vượt trên tuổi” khi quyết định cho đứa em trai đi học lớp 1. Kể về ngày đầu được đến trường, Giàng Seo Xăm không cầm được nước mắt: Thật sung sướng nhưng thương anh chị nhiều lắm, vì em mà nhận lấy khó khăn, vất vả.

Học hết tiểu học, Xăm lại phải ở nhà, bởi trong xã không có trường trung học cơ sở, muốn đi học tiếp phải đi bộ về tận thị trấn Bắc Hà. Làm sao một cậu bé có thể đi bộ hàng chục km để đến trường, thế là con đường đến cái chữ lại dang dở.

Năm 1998, xã Si Ma Cai có trường trung học cơ sở đầu tiên và cũng là duy nhất, anh chị của Xăm giục em đi học trở lại. 3 năm “khát” chữ, khi được đến trường, Xăm cùng 5 người bạn trong xã hăm hở đi bộ 18 km, vác theo bao gạo phục vụ việc ôn tập trong 3 tháng hè để thi vào lớp 6. Do vất vả, cộng với gạo mang theo không đủ nên cả 5 người bạn học đã bỏ cuộc, còn mình Xăm cố gắng thi đỗ vào lớp 6 nhưng cũng chỉ sau 2 tháng theo học, anh cũng đành bỏ dở.

Năm 1999, khi xã Sín Chéng có trường trung học cơ sở, quãng đường từ nhà đến trường rút ngắn hơn một nửa, gạo đã nhiều hơn trước do cấy giống lúa lai 838 nên Xăm quyết định trở lại trường ôn tập và thi đỗ vào lớp 6, lúc này anh đã 19 tuổi. Năm 2003, tốt nghiệp trung học cơ sở, khi ấy với trình độ lớp 9, Xăm là “hạt giống” của xã nên anh được đưa vào nguồn công chức chuyên môn cấp xã và được cử đi học trung cấp địa chính tại Lào Cai. 3 năm ròng rã, mỗi năm học 2 kỳ, mỗi kỳ học 4 tháng, hằng tuần cứ chiều Chủ nhật bắt xe khách ra thành phố Lào Cai, chiều thứ Sáu bắt xe về Si Ma Cai khiến nhà xe “nhẵn mặt”. Học xong trung cấp địa chính, tháng 9/2006, Giàng Seo Xăm làm hồ sơ đi học bổ túc để có bằng lớp 12. Lại 3 năm ròng rã đi nhờ xe máy của người bạn học cùng, 5 giờ chiều bắt đầu từ nhà đi, đến 11 giờ đêm, thậm chí có buổi đến 12 giờ đêm mới từ trường trở về. Miệt mài như vậy nhưng năm 2010, Xăm không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Sau đó 1 năm, anh phải ra Bắc Hà để tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi có bằng tốt nghiệp lớp 12, Xăm quyết định làm hồ sơ đi học Đại học Luật tại chức mở tại Lào Cai. Để có 1,2 triệu đồng mua hồ sơ dự tuyển, Xăm phải vay mượn người quen. Sau 5 năm đèn sách, tháng 2/2016, anh tốt nghiệp Đại học Luật với tấm bằng cử nhân. Đi làm một thời gian, năm 2019, Xăm tiếp tục đi thi và học cao học chuyên ngành quản lý kinh tế do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 2023, Xăm bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ quản lý kinh tế.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Giàng Seo Xăm phải thốt lên: Có lẽ hiếm ai long đong đi học chữ như mình!

Cũng như Giàng Seo Châu, anh Giàng Seo Xăm đều luôn cống hiến hết mình vì công việc của địa phương, tìm ra hướng đi mới, với mong muốn giúp người dân quê mình bớt nghèo, bớt khổ.

Không chỉ có Giàng Seo Châu, Giàng Seo Xăm, mà 9/10 đồng chí chủ tịch UBND xã ở Si Ma Cai có học vị thạc sỹ (tính đến trước tháng 11/2023), trong đó có 5/9 thạc sỹ là người dân tộc thiểu số, thậm chí 2 xã Quan Hồ Thẩn và Nàn Sán có cả bí thư và chủ tịch có học vị thạc sỹ, đó là điều đặc biệt ở Si Ma Cai. Đánh giá về đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Hoàng Văn Dương tự hào: Đó là những cán bộ có trình độ cao, năng lực, tư duy tốt, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì công việc chung.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dieu-dac-biet-o-si-ma-cai-post379830.html