Điều đặc biệt trong căn nhà kiến trúc Pháp cổ giữa Hà Nội

Trong căn nhà theo kiến trúc Pháp cổ tại phố Châu Long (Hà Nội) là không gian trưng bày những món đồ thủ công tinh xảo.

Chàng trai Hà thành và hành trình “Về làng”

Trong căn nhà theo kiến trúc Pháp cổ tại phố Châu Long (Hà Nội), là không gian trưng bày những món đồ thủ công tinh xảo, phóng viên có cơ hội được trò chuyện với anh Ngô Quý Đức, một người trẻ đầy nhiệt huyết với những sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam.

Anh chia sẻ, niềm đam mê này bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ gắn liền với những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay những chiếc hộp sơn mài tinh xảo được trưng bày trong nhà ông nội.

Góc trưng bày sản phẩm thủ công đến từ những người thợ của nhiều làng nghề khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam tại không gian “Về làng”.

Góc trưng bày sản phẩm thủ công đến từ những người thợ của nhiều làng nghề khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam tại không gian “Về làng”.

“Hồi tôi còn nhỏ, những sản phẩm thủ công truyền thống xuất hiện rất nhiều trong các gia đình. Từ những thứ gần gũi như cái rổ, cái rá tới thứ cầu kỳ hơn như bộ bàn ghế bằng mây, tre, nứa... hay chiếc hộp sơn mài. Tuy nhiên, khi lớn lên, chứng kiến nhiều sản phẩm thủ công dần dần mất đi chỗ đứng trong đời sống hàng ngày khiến tôi trăn trở và mong muốn làm một điều gì đó để gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp", anh Đức tâm sự.

Năm 2006, dù tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin, chàng trai trẻ Ngô Quý Đức quyết định thực hiện một dự án về văn hóa. Dự án đưa anh trở về với những làng quê quanh Hà Nội, nơi Ngô Quý Đức được chứng kiến tận mắt bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thổi hồn vào từng sản phẩm thủ công.

Ký ức tuổi thơ ùa về, Đức cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với di sản văn hóa của dân tộc. "Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về các làng nghề truyền thống và mong muốn đưa những sản phẩm thủ công quay trở lại đời sống của người dân Việt Nam", Ngô Quý Đức nói về lý do bắt đầu hành trình của mình.

Tương tác và kết nối

Trải qua nhiều chuyến đi, những mối quan hệ gắn bó với các làng nghề dần được hình thành, thôi thúc anh Ngô Quý Đức nung nấu ý tưởng về một dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Năm 2020, sau khi đã tích lũy được khối lượng kiến thức và kinh nghiệm quý báu, cùng với sự ủng hộ từ các cộng sự, Về làng chính thức được ra đời.

“Tôi chỉ là người gắn kết, kết nối mọi người với nhau chứ không đi sâu vào việc tổ chức du lịch chuyên nghiệp”, anh Đức nhấn mạnh.

Mỗi làng nghề đều ẩn chứa những giá trị văn hóa và lịch sử riêng, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Nếu biết cách xây dựng chương trình hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những tour du lịch độc đáo, giúp mọi người khám phá trọn vẹn nét đẹp của từng làng nghề.

Nói về quá trình xây dựng dự án, anh Đức hài hước kể: "Mặc dù ý tưởng về dự án được tôi ấp ủ từ rất lâu tuy nhiên tên gọi lại hơi tâm linh một chút. Một người bạn bảo, trong lúc ngủ mơ, anh ấy thấy tôi làm một dự án tên Về làng. Thế là tôi dùng tên đấy luôn, sau đó khi dự án ra mắt thì ai cũng thích”.

Những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và bản sắc đặc trưng của làng nghề Việt Nam không chỉ hướng tới cộng đồng trong nước mà còn tiếp cận đến đông đảo bạn bè nước ngoài.

Những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và bản sắc đặc trưng của làng nghề Việt Nam không chỉ hướng tới cộng đồng trong nước mà còn tiếp cận đến đông đảo bạn bè nước ngoài.

Viết tiếp những câu chuyện làng nghề

Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng, Về làng trở thành một dự án thành công, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề Việt Nam. Dự án đã đưa những sản phẩm thủ công tinh hoa đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi người dân Việt.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, mới đây anh Ngô Quý Đức cùng Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt đã ra mắt Không gian văn hóa sáng tạo Phường Bách Nghệ tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Dự án Phường Bách Nghệ tập trung chuyên sâu vào các chuyên đề, tổ chức những buổi trải nghiệm mỗi tháng về một làng nghề hoặc một nghề thủ công truyền thống khác nhau của Việt Nam, mang đến cho du khách những kiến thức văn hóa phong phú và đa dạng.

"Phường Bách Nghệ" phối hợp cùng các nghệ nhân trẻ tổ chức chuyên đề hồi sinh làng nghề mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương).

"Phường Bách Nghệ" phối hợp cùng các nghệ nhân trẻ tổ chức chuyên đề hồi sinh làng nghề mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương).

Công chúng tìm hiểu dụng cụ in mộc bản tại "Phường Bách Nghệ".

Công chúng tìm hiểu dụng cụ in mộc bản tại "Phường Bách Nghệ".

Hành trình Về làngPhường Bách Nghệ là minh chứng cho sự tâm huyết của Ngô Quý Đức nói riêng và những người đam mê giá trị truyền thống dân tộc nói chung. Dự án của anh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là lời khẳng định cho sức sống mãnh liệt của văn hóa làng nghề Việt Nam, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển và lan tỏa trong tương lai.

Hoàng Khôi

Ảnh: NVCC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-dac-biet-trong-can-nha-kien-truc-phap-co-giua-ha-noi-2292821.html