Điêu đứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên đia bàn các tỉnh Tây Nam Bộ cơ bản được kiềm chế nhưng từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, tại những “điểm nóng” trên tuyến biên giới TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu, các huyện Tịnh Biên, An Phú... (An Giang), các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Phía ngoại biên đối diện, sát biên giới của tỉnh An Giang đang tồn tại 26 kho hàng, điểm tập kết hàng hóa. Trong đó, nhóm hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được các đầu nậu trữ hàng, tìm cách đưa sang Việt Nam, chuyển đến các điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Nông dân trăm bề khổ

Thời gian qua, giá thành nông sản tại các tỉnh ĐBSCL sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên gánh nặng thêm phần nặng trên vai người nông dân khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao. Một nỗi lo khác luôn canh cánh trong lòng bà con nông dân khi bắt đầu vụ mùa mới là chất lượng phân bón không đảm bảo nhưng lại không có cách kiểm tra trước khi sử dụng.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn trên địa bàn.

Nông dân Võ Văn Nghĩa (phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bức xúc: đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân nhưng thời gian gần đây, giá cả các loại phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, thậm chí tăng hơn 2,5 lần so với vụ đầu vụ hè thu năm 2021, làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của người nông dân.

“Đáng buồn hơn khi phân bón, thuốc BVTV dù được mua ở giá cao nhưng chất lượng lại không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì. Mà người nông dân không có cách nào để kiểm tra trước khi mua sản phẩm. Chỉ vỡ lẽ khi mang phân bón về bón cho cây trồng nhưng nắng mưa cả tháng trời, hạt phân vẫn trơ trơ trên nền đất. Lúc này chỉ biết kêu trời. “Tiền mất tật mang”, cây trồng không được bổ sung dinh dưỡng đúng vụ mùa, nếu muốn bón lại phải tăng thêm chi phí”, nông dân Nghĩa bộc bạch.

Còn nông dân Châu Minh Tứ (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thì rơi vào cảnh “cười ra nước mắt”, chẳng biết kêu ai khi mua nhầm phân bón giả từ một thương lái chạy ghe trên sông. Theo anh Tứ cũng như bà con nông dân tại địa phương, lợi dụng đường sá chưa thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa phụ thuộc vào đường thủy, các thương lái nắm bắt thời gian người dân vừa thu hoạch xong nông sản, chuẩn bị cho vụ mùa mới đã chở theo phân, thuốc BVTV bằng ghe to vào tận các con kênh, rạch để bán.

“Cái tiện ở đây là ghe chở phân vào tận nhà, giá thì lại thấp hơn tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp từ vài chục ngàn đồng/sản phẩm. Bà con mua cũng đã cảnh giác khi chọn mua những sản phẩm phân bón, thuốc BVTV có thương hiệu, đã từng dùng ở các vụ mùa trước. Tuy nhiên, khi mở bao bì ra thì chất lượng sản phẩm không đạt. Phân thì quến lại thành cục, mang ra bón cho cây thì không thể hòa tan vào đất. Lúc này, biết là mua trúng phân giả nhưng thương lái đã đi khỏi địa phương nên chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, anh Tứ chia sẻ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, 18 cơ sở sản xuất phân bón và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhãn hiệu và sản phẩm lên đến hàng nghìn loại, rất đa dạng, phức tạp. Lợi dụng hiểu biết hạn chế, tâm lý ham mua hàng giá rẻ của một số nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhằm buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.

Thời gian qua, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng các đối tượng sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả, nhái thương hiệu thường lợi dụng quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hóa có thông tin không đúng bản chất, sự thật hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Hàng giả trà trộn tinh vi để lừa người tiêu dùng.

Phát hiện nhiều kiểu làm giả tinh vi

Cuối tháng 10-2021, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bình (SN 1976) 8 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Bình cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Quyên (SN 1981, cùng ngụ TP Cần Thơ) thành lập Công ty TNHH MTV Bình Quyên có trụ sở tại TP Long Xuyên (An Giang), sau đó mở chi nhánh ở quận Thốt Nốt hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng.

Quá trình hoạt động, ngoài những loại phân bón được phép sản xuất, buôn bán, Bình còn tự tạo công thức và đặt tên cho 12 loại phân bón khác. Tất cả các loại phân bón không có giấy phép sản xuất đã được Bình chỉ đạo nhân viên trong công ty mua nguyên phụ liệu, thiết kế, đặt in nhãn mác, bao bì sản phẩm. Sau đó, Bình tổ chức sản xuất, đóng gói các loại phân bón trên theo công thức do mình đưa ra và tìm thêm cộng tác viên bán.

Bình khai nhận, để bán được hàng, Bình chỉ đạo các cộng tác viên tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm. Ai có nhu cầu mua hàng, nhân viên sẽ tổng hợp đơn gửi về cho Quyên xuất hàng đi giao. Công ty thường bán thiếu nợ cho người mua, đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Tổng giá trị phân bón không phép do vợ chồng Bình làm ra là hơn 1,1 tỷ đồng.

Trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11-2021, phóng viên trực tiếp tham gia cùng tổ liên ngành chống buôn lậu của An Giang ghi nhận thực trạng về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong đó, mặt hàng thường xuyên được tổ công tác kiểm tra, phát hiện là phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Điển hình, ngày 9-10 vừa qua, tổ liên ngành phối hợp với Đội quản lí thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lí thị trường tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Đức An tại ấp Đồng Ky (xã Quốc Thái, huyện An Phú) do ông Trần Văn An (SN 1970) làm chủ. Nơi đây, hàng hóa đủ nhãn hiệu, giá cả đa dạng. Thế nhưng, khi tổ công tác kiểm tra, phát hiện lẫn trong số hàng trưng bày và cả trong kho hàng lại chứa hàng nghìn gói thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ và phân bón... đã hết hạn sử dụng, có những sản phẩm nghi vấn thuộc danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Tổ công tác phát hiện tại nơi trưng bày và kho cửa hàng của ông An có chứa trên 12.180 chai, gói thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón... đã hết hạn sử dụng.

Đại úy Lê Phú Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang, người trực tiếp tham gia tổ liên ngành cho biết, xoay quanh vấn đề vi phạm phần lớn là đánh vào yếu tố chuộng hàng giá rẻ của người nông dân, các vi phạm rất là tinh vi, từ việc làm thuốc giả, phân bón kém chất lượng, thậm chí đưa tên công ty để làm mờ đi các yếu tố chi tiết kĩ thuật bên trong. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên các địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người, vẫn còn hiện tượng người dân tiếp tay cho buôn lậu hoặc tham gia vận chuyển phân bón, thuốc BVTV ở các địa bàn biên giới...

Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngăn chặn hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh An Giang đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Đặc biệt, từ tháng 9-2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới.

Những tháng cuối năm 2021, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, các tổ liên ngành đã tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động thẩm lậu các loại hàng hóa qua biên giới. CBCS làm nhiệm vụ còn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Qua đó, thường xuyên, kịp thời phát hiện những vi phạm, sai phạm của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện 23 vụ với 16 đối tượng có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng Công an tăng cường phát động trong nhân dân nêu cao cảnh giác phát hiện, tố giác những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu đến cơ quan chức năng. Kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp phân bón, thuốc BVTV quan tâm chất lượng, giá cả, không tiếp tay, cung cấp sản phẩm không đúng quy định. Về phía các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an phải tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xảy ra thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang khuyến cáo người nông dân nên sản xuất theo tổ hợp tác xã. Bởi trong tổ hợp tác xã sẽ có những thông tin trao đổi về kĩ thuật và chúng ta sẽ biết những sản phẩm nào tin cậy. Đồng thời, khi mua những sản phẩm nên yêu cầu xuất hóa đơn để chứng minh được cửa hàng đó bán sản phẩm có vi phạm hay không, đồng thời khi có tranh chấp, khiếu kiện thì các cơ quan pháp lý cũng như hội bảo vệ người tiêu dùng mới có đủ điều kiện giúp người nông dân đòi lại được quyền lợi của mình.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/dieu-dung-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-gia-i636236/