Điều dưỡng-nghề của những thầm lặng, vất vả
Ngày 12/5 hàng năm được Hội đồng Điều dưỡng thế giới chọn là ngày truyền thống của những người làm công tác điều dưỡng nhằm ghi nhận, tôn vinh vai trò của người điều dưỡng trong hoạt động chăm sóc, phục vụ người bệnh…

Chăm sóc bà mẹ sau sinh tại Khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình.
5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhệm vụ, là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế giai đoạn 2020-2025, chị Nguyễn Thị Đào, Hộ sinh trưởng Khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh được nhiều người biết đến bởi sự tận tâm với nghề.
Chị Đào chia sẻ: Người bệnh sau sinh, sau phẫu thuật thường rất đau đớn, luôn cần sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ của nhân viên y tế. Chính vì vậy, sự gần gũi, đồng hành của người điều dưỡng là hết sức quan trọng để giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh không chỉ nhanh chóng hồi phục mà còn có những trải nghiệm tốt nhất trong quá trình ở viện.
Với các nữ hộ sinh, đặc thù nghề nghiệp nên thời gian gắn bó bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Những ca trực đêm, những ca sinh nở luôn cần sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của nhân viên y tế. Đổi lại sự vất vả thường trực hàng ngày là được chứng kiến những giây phút hạnh phúc khi các ca sinh nở “mẹ tròn con vuông”, khi chứng kiến giây phút em bé sinh ra đời, là khi người bệnh hồi phục xuất viện…
Là Hộ sinh trưởng của Khoa Điều trị yêu cầu, chị Đào luôn gương mẫu đi đầu trong công việc, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tích cực học tập nâng cao năng lực lãnh đạo để nâng cao chất lượng chuyên môn, góp phần cải tiến công tác khám, chữa bệnh.
Chị Đào đã tham gia xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn thường kỳ trong tuần với bác sỹ và điều dưỡng, tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai phát triển các kỹ thuật mới cũng như tham gia điều trị các ca bệnh khó, phức tạp.
Nhiều năm công tác, chị Đào đã có các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp ngành được nghiệm thu như: Đề tài "Nhận xét thực hiện quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh 2 giờ đầu sau đẻ của hộ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; sáng kiến cấp cơ sở “Ứng dụng kỹ thuật đặt bóng cao su chèn buồng tử cung điều trị băng huyết sau sinh”...
Tại Khoa Điều trị yêu cầu, với mục tiêu chăm sóc người bệnh chất lượng cao, cùng với các trang thiết bị, máy móc hiện đại được Bệnh viện đầu tư như: Phòng yêu cầu có đầy đủ tiện nghi như ở nhà; máy siêu âm đa tầng, dịch vụ mát xa, chiếu tia plamas, xông hơi... Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 24 điều dưỡng, hộ sinh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, coi bệnh nhân như người nhà, hết lòng chăm sóc người bệnh, thực hiện tốt 12 điều y đức và lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Theo dõi các trang Facebook của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh hay trang của Khoa Điều trị yêu cầu, nhiều hình ảnh đẹp về tấm gương cán bộ, nhân viên y tế của Khoa trong xây dựng Bệnh viện “xanh-sạch-đẹp”, khoa phòng hạnh phúc, an toàn, thân thiện, có thái độ giao tiếp, ứng xử được người bệnh ghi nhận, khen thưởng, được nhiều người theo dõi vào bấm like và để lại những bình luận ngợi khen, động viên dành cho các nữ điều dưỡng, hộ sinh như: chị Đinh Thị Phương, Phạm Thị Anh, Phạm Thị Thắm, Nguyễn Thị Huyền, Vũ Thị Hồng Tươi, Phạm Thị Quế, Đinh Thị Thúy, An Thị Phượng…

Theo dõi, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tại Đơn nguyên Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại Khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh-tuyến điều trị cuối thường tiếp nhận những ca bệnh nặng, nguy kịch, công việc của những điều dưỡng hết sức vất vả, áp lực.
Với đặc thù là khoa chuyên hồi sức cho các trường hợp bệnh nhân nặng ở các chuyên khoa thuộc các tuyến y tế chuyến đến và chống độc cho tất cả các trường hợp ngộ độc, rắn cắn, ong đốt… nên công việc hàng ngày với các y, bác sỹ trong Khoa luôn khẩn trương, cần kíp.
Các trường hợp: tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, tự tử, tim mạch… đã vào đến Khoa là bệnh nhân nào cũng trong tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi bác sỹ và kíp trực phải chẩn đoán, hành động nhanh, chính xác nhằm giữ lại tính mạng, sức khỏe cho người bệnh.
Có những thời điểm, công việc gần như quá tải đối với các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa khi vào những ngày lễ, Tết, lượng bệnh nhân nhập viên đông do toàn những trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Vượt qua những áp lực của công việc, các bác sỹ, điều dưỡng dường như quên cả nỗi mệt mỏi, quên cả bữa ăn để tập trung hồi sức, cấp cứu bệnh nhân.
Điều dưỡng Vũ Minh Quảng, Khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc cho biết: Ở nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, trong môi trường áp lực cao ấy, người điều dưỡng không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc đơn thuần, mà còn là cánh tay nối dài của bác sỹ, là điểm tựa cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Mỗi ca bệnh nhập viện, người điều dưỡng phải là người thao tác thành thạo các kỹ thuật cao như: chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục, hồi sức tim phổi… cho đến theo dõi sát sao từng chuyển biến nhỏ nhất của người bệnh để kịp thời phối hợp điều trị.
Đặc biệt, khi cấp cứu các trường hợp ngộ độc do thực phẩm, hóa chất, sinh học, rắn cắn… đòi hỏi người điều dưỡng không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà còn phải sẵn sàng về tâm lý, gần gũi động viên, trò chuyện, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần để chuyển tiếp điều trị chuyên khoa.
Hiện nay, với mục tiêu để người bệnh được chăm sóc toàn diện chất lượng cao, hạn chế người nhà phải túc trực chăm sóc, vai trò của người điều dưỡng hết sức quan trọng khi cùng đồng hành, chăm sóc người bệnh từ vệ sinh, ăn uống đến động viên tinh thần chẳng khác nào người thân trong gia đình.
Hiện nay, ngành Y tế Ninh Bình có hơn 1.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh đang công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng triển khai hoạt động phục vụ và chăm sóc người bệnh đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người bệnh từ các kỹ thuật chuyên môn như: tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, đỡ đẻ, thực hiện các xét nghiệm… cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa…
Xác định chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng, các cơ sở y tế cũng như ngành Y tế Ninh Bình luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ điều dưỡng, tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, quy trình, quy định của ngành trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh…
Thực hiện công việc thầm lặng, áp lực cao, ca kíp triền miên, trong những năm qua, đội ngũ điều dưỡng tại các đơn vị y tế luôn cần mẫn, tận tụy đảm bảo thực hiện tốt 12 điều Y đức của ngành và 14 nhu cầu cơ bản của người bệnh liên quan đến thực hành điều dưỡng.
Không chỉ đảm bảo tay nghề, chuyên môn, đội ngũ điều dưỡng hiện nay còn có kỹ năng giao tiếp ứng xử khéo léo, linh hoạt, luôn tận tâm, trách nhiệm với người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Với nhiều người, dù nghề nghiệp có vất vả đến đâu, nhưng được góp phần đem lại sự sống, sức khỏe cho những người bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo luôn là niềm hạnh phúc không phải ngành nghề nào cũng có được…
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dieu-duong-nghe-cua-nhung-tham-lang-vat-va-257835.htm