Điều dưỡng: Nghề của trái tim và lòng kiên trì

Nghề điều dưỡng nhiều gian nan, nhưng nhờ chương trình đào tạo sát thực tiễn và sự tận tâm của giảng viên, người học vẫn tự tin vững bước theo nghề.

Để tôn vinh những đóng góp to lớn và giá trị nghề nghiệp cao quý của ngành điều dưỡng, từ năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã chọn ngày 12/5 – ngày sinh của bà Florence Nightingale, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại là Ngày Quốc tế Điều dưỡng.

Để hiểu rõ hơn về những đặc điểm nổi bật của ngành điều dưỡng, một lĩnh vực đang ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống y tế và đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp trò chuyện với các giảng viên giàu kinh nghiệm trong nghề. Qua những chia sẻ chân thành, một bức tranh sinh động về những thách thức, yêu cầu và triển vọng của nghề điều dưỡng dần được phác họa rõ nét.

Vai trò của điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện nay ngày càng rõ nét và không thể thay thế

Ngành Điều dưỡng là một trong những lĩnh vực trụ cột của hệ thống y tế, giữ vai trò chăm sóc sức khỏe trực tiếp và toàn diện cho người bệnh. Không chỉ là người thực hiện y lệnh của bác sĩ, điều dưỡng còn là người đồng hành, chăm sóc thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị và hồi phục.

Với gần 50 năm gắn bó trọn vẹn cùng ngành điều dưỡng, Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Điều dưỡng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) không chỉ là một điều dưỡng, nhà quản lý y tế, giảng viên tận tâm, mà còn là người âm thầm truyền lửa nghề cho bao thế hệ.

Suốt hành trình dài ấy, cô vẫn bền bỉ góp sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa, như chính tinh thần của nghề điều dưỡng mà cô đã chọn và gắn bó cả đời.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Bích Lưu xúc động cho biết: "Ngay từ đầu năm 2025, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đã đưa ra khẩu hiệu Ngày Điều dưỡng Quốc tế 12/5 năm 2025 là 'Our Nurses - Our Future - Caring for Nurses, Strengthens Economies', được dịch là 'Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Chăm sóc cho Điều dưỡng nghĩa là tăng hiệu quả kinh tế'. Rất đúng và ý nghĩa.

Vai trò của điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện nay ngày càng rõ nét và không thể thay thế. Họ không chỉ chăm sóc người bệnh mà còn tham gia quản lý chất lượng, kiểm soát nhiễm khuẩn, giáo dục sức khỏe và hỗ trợ ra quyết định lâm sàng. Nhiều điều dưỡng giữ vị trí lãnh đạo, góp phần xây dựng chính sách, đặc biệt trong các chương trình như cấp phép hành nghề và hội nhập ASEAN. Có thể nói, từ những “người hùng thầm lặng”, điều dưỡng đang vươn lên thành lực lượng nòng cốt trong đổi mới hệ thống y tế".

 Cô Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Điều dưỡng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Ảnh: giaoduc.net.vn

Cô Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Điều dưỡng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Ảnh: giaoduc.net.vn

Phát huy vai trò của Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam, cô Nguyễn Bích Lưu đã và đang triển khai mạnh các hoạt động sinh hoạt đào tạo nghề, góp sức vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, cô cũng là Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Điều dưỡng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), người luôn cầm tay chỉ việc, đồng hành cùng nhiều lứa sinh viên ngành Điều dưỡng.

Tự hào về các sinh viên của mình, cô Bích Lưu bày tỏ: "Sinh viên điều dưỡng học vất vả hơn nhiều ngành khác. Các em phải vượt qua nhiều thử thách: áp lực học lý thuyết lẫn thực hành, môi trường lâm sàng khắc nghiệt, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh và cái chết, ngoài thời gian học trên lớp còn phải thực hành và trực đêm.

Các em còn phải học cách làm việc nhóm, giao tiếp đa chiều và ứng xử linh hoạt. Để theo học và làm nghề tốt, sinh viên cần có lòng nhân ái, sự kiên trì, tinh thần kỷ luật, cùng với các kỹ năng như giao tiếp, tư duy phản biện, quản lý thời gian, khả năng thích ứng nhanh và tự chăm sóc bản thân. Điều dưỡng không chỉ cần trái tim, mà còn cần bản lĩnh và trí tuệ và được đúc kết bằng 3H - Head, Hand, Heart (Đầu, tay, trái tim)".

Đồng tình với cô Nguyễn Bích Lưu, Thạc sĩ Trần Thanh Huyền - Trưởng Bộ môn Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa chia sẻ: "Ngành điều dưỡng được ví như nơi hội tụ của những người hùng thầm lặng - những người không ồn ào nhưng lại góp phần không thể thiếu trong hành trình chăm sóc và hồi sinh sự sống.

Để trở thành một điều dưỡng giỏi, sinh viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần một tình yêu nghề sâu sắc, cùng sự kiên nhẫn bền bỉ. Điều dưỡng là nghề của sự mềm mại, của những kỹ năng giao tiếp tinh tế, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và trên hết là sự đồng cảm, lòng trắc ẩn với người bệnh.

Sinh viên ngành Điều dưỡng cũng như những điều dưỡng đang làm việc trên mọi miền đất nước không chỉ học để biết, mà học để thấu hiểu, để sẻ chia. Bởi điều dưỡng chính là người ở cạnh bệnh nhân nhiều nhất, chứng kiến nỗi đau, cùng đi qua những giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết, và cũng là người đầu tiên nhìn thấy ánh sáng hy vọng khi bệnh nhân dần hồi phục".

 Sinh viên ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa khi đi lâm sàng tại bệnh viện. Ảnh: Website Trường

Sinh viên ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa khi đi lâm sàng tại bệnh viện. Ảnh: Website Trường

Cô Huyền nhấn mạnh, dù có bao nhiêu kỹ năng hay chuyên môn, điều dưỡng nào cũng đều bắt đầu từ tình yêu nghề. Tình yêu đó chính là nguồn năng lượng giúp họ vượt qua những thử thách trong suốt hành trình học tập và làm nghề.

Nói về những sinh viên mà mình đang ngày đêm đồng hành đào tạo, cô Thanh Huyền chia sẻ, số sinh viên đầu vào rất đông, nhưng đầu ra lúc nào cũng "rơi rớt" khoảng 10 - 20%. Bởi các bạn ấy phải trải qua rất nhiều thử thách, nhiều người không thể trụ lại.

Theo cô Huyền, sinh viên ngành này thường phải trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Năm nhất, sinh viên phải học những môn mang tính trừu tượng, làm quen với mô hình giải phẫu mà nhiều người cảm thấy “đáng sợ”. Đến năm hai, sinh viên bắt đầu đi lâm sàng, trực đêm, tiếp xúc thực tế với bệnh nhân, phải đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng trong bệnh viện. Có người đã bỏ cuộc ngay từ khi bắt đầu đi thực tập.

Vì thế, điều dưỡng không chỉ là nghề nghiệp mà còn là một hành trình rèn luyện bản lĩnh, ý chí và tinh thần phục vụ. Những ai vượt qua được sẽ tìm thấy giá trị sâu sắc trong nghề.

"Hơn 20 năm gắn bó với nghề, đến giờ phút này, tôi vẫn luôn giữ nguyên tình yêu với công việc mà mình đã chọn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đi sai đường, bởi từ tình yêu nghề, tôi tìm thấy ý nghĩa trong từng bài giảng, từng lần được đồng hành cùng sinh viên.

Sau mỗi giờ dạy, mỗi lần tiếp xúc với các em, tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng và động lực gắn bó với nghề. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, hãy tin vào lựa chọn của mình, và khi đã đặt hết tâm huyết vào con đường đã chọn, nhất định các bạn sẽ tìm thấy thành công và hạnh phúc", cô Huyền xúc động nói.

Công tác đào tạo ngành điều dưỡng: Đặc thù và đổi mới

Cô Trần Thanh Huyền cho biết, ngành điều dưỡng có đặc thù khác biệt so với nhiều ngành khác trong y tế. Là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, sinh viên điều dưỡng không chỉ học kiến thức y khoa mà còn phải được đào tạo riêng về kỹ năng chăm sóc, sự mềm mại, lòng kiên trì, sự đồng cảm và tinh thần phục vụ.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, chương trình đào tạo điều dưỡng được thực hiện theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, trường thường xuyên cập nhật phương pháp giảng dạy mới, chuyển từ cách truyền thống sang cách tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm. Giảng viên hiện không còn là người độc thoại mà là người hướng dẫn, tạo điều kiện để sinh viên tự học, tự phản biện và chủ động trong quá trình tiếp cận kiến thức lý thuyết, thực hành và lâm sàng.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên điều dưỡng của trường được đào tạo bài bản, nghiêm túc, đảm bảo đúng chuẩn chất lượng.

Về cơ hội việc làm, cô Huyền nhận định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường rất cao. Các cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân, phòng khám và cả thị trường xuất khẩu lao động luôn có nhu cầu lớn về điều dưỡng.

"Hiện nay, nhu cầu điều dưỡng, đặc biệt là điều dưỡng gia đình ngày càng tăng cao khi xã hội phát triển. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện chính sách nghề nghiệp: chế độ trực, phụ cấp độc hại, tiền lương… để tạo động lực cho sinh viên và người lao động trong ngành", cô Huyền nhận định.

Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, cô Nguyễn Bích Lưu cũng cho rằng, đào tạo điều dưỡng khác biệt với đào tạo các ngành khác ở chỗ tập trung phát triển năng lực chăm sóc toàn diện, kỹ năng giao tiếp, quản lý và ra quyết định trong thực hành.

Điều dưỡng không chỉ học lý thuyết mà phải rèn luyện kỹ năng thực hành lâm sàng từ rất sớm và liên tục. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, các cơ sở đào tạo cần chuyển mạnh sang đào tạo dựa trên năng lực, tăng thời lượng thực hành, tích hợp các kỹ năng mềm, công nghệ y tế và chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm. Đồng thời, việc chuẩn hóa chuẩn đầu ra và mở rộng hợp tác quốc tế là điều tất yếu trong thời đại y tế hiện đại.

"Tuy nhiên, những thách thức nghề nghiệp như áp lực công việc cao, khối lượng công việc lớn cũng tạo nên rào cản tâm lý đối với người trẻ khi đứng trước lựa chọn học ngành Điều dưỡng. Hiện nay, ngành điều dưỡng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.

Theo thống kê, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng viên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhưng hiện chỉ có khoảng 140.000 người đang làm việc trong lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc cao, môi trường làm việc khắc nghiệt và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, dẫn đến nhiều điều dưỡng viên nghỉ việc hoặc chuyển nghề", cô Bích Lưu cho hay.

Dù vậy, phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội lớn cho những người trẻ đam mê ngành y tế. Nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng viên ngày càng tăng, không chỉ trong nước mà còn ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Úc, nơi mà dân số già hóa và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao.

Các chương trình hợp tác quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn cho điều dưỡng viên Việt Nam. Vì vậy, mặc dù nghề điều dưỡng có những thách thức nhất định, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, kỹ năng và tinh thần phục vụ, người trẻ hoàn toàn có thể vượt qua rào cản tâm lý và xây dựng sự nghiệp bền vững trong lĩnh vực này.

Đề xuất, góp ý nâng cao chất lượng đào tạo ngành điều dưỡng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh hiện nay, cô Bích Lưu cho rằng nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng cần tập trung vào ba định hướng chính:

Chuyển mạnh sang đào tạo dựa trên năng lực: Chương trình cần gắn sát với thực tiễn chăm sóc, phát triển kỹ năng tư duy, ra quyết định và làm việc nhóm cho sinh viên; Tăng cường thực hành lâm sàng và mô phỏng: Cần đầu tư vào trung tâm mô phỏng hiện đại, tăng thời gian thực hành tại cơ sở y tế và có cơ chế giám sát, phản hồi hiệu quả; Đào tạo giảng viên và phát triển đội ngũ điều dưỡng lâm sàng làm hướng dẫn: Điều này giúp đảm bảo chất lượng truyền đạt, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành.

Ngoài ra, cần kết nối đào tạo với nhu cầu thực tế của hệ thống y tế và thị trường lao động, trong nước và quốc tế. Khi điều dưỡng được đào tạo bài bản, họ không chỉ là người chăm sóc mà còn là lực lượng cải tiến chất lượng y tế.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dieu-duong-nghe-cua-trai-tim-va-long-kien-tri-post251064.gd