Điều dưỡng - người thầm lặng đồng hành cùng bệnh nhân
Trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân, bên cạnh các bác sỹ thì không thể thiếu bàn tay các điều dưỡng. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, đội ngũ điều dưỡng đã giúp hành trình điều trị của người bệnh tại các cơ sở y tế Quảng Ngãi diễn ra thuận lợi, sớm phục hồi sức khỏe.
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi chuyên thực hiện nhiệm vụ điều trị cho trẻ sinh non bị các bệnh lý nặng như suy hô hấp, đa dị tật. Tại đây, đội ngũ bác sỹ và điều dưỡng phải thực hiện chăm sóc toàn diện, hoàn toàn thay cho người nhà của trẻ. Với các điều dưỡng thì nghề y vất vả, đòi hỏi sự hy sinh, nhưng riêng với chuyên ngành sơ sinh lại đặc thù hơn, điều dưỡng phải luôn theo dõi toàn diện bệnh nhân dễ tổn thương nhất để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng nhằm phối hợp với bác sỹ để điều trị tốt nhất. Chăm sóc, điều trị cho các trẻ sơ sinh là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ.
Luôn tay chăm sóc, nâng niu từng nhịp thở của những đứa trẻ yếu ớt với cái tâm của một người mẹ, điều dưỡng Đặng Thị Tiên như quên đi những mệt nhọc, vì biết rằng công việc mình đang làm vô cùng ý nghĩa.
Với thâm niên hơn 7 năm công tác tại Khoa Sơ sinh, chị Tiên đã trải qua nhiều thăng trầm, nhiều cung bậc cảm xúc cùng những kỷ niệm vui, buồn. Đó là những lúc tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp, những ca bệnh nặng, giữa ranh giới sự sống và cái chết, chị cùng với ê kíp gồm các y, bác sỹ luôn phối hợp với nhau, từng giây từng phút giành giật với tử thần để cứu lấy bệnh nhân. "Niềm hạnh phúc vỡ òa khi các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân dần hồi phục, thoát khỏi cửa tử", chị Tiên chia sẻ.
Với quy mô 600 giường bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi hiện có 242 điều dưỡng. Những đêm trực, các điều dưỡng viên phải làm việc liên tục để chăm sóc bệnh nhân. Giám đốc Bệnh Viện Sản - Nhi Quảng Ngãi Nguyễn Đình Tuyến cho hay: Các điều dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nếu không có điều dưỡng thì công việc của bác sỹ khó mà hoàn thành được. Theo đúng quy định thì một bác sỹ phải cần 2 điều dưỡng, nhưng hiện nay ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, tỷ lệ chỉ hơn 1 điều dưỡng/1 bác sỹ, vì vậy công việc của những người điều dưỡng trong khoa rất nặng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài sắp xếp công việc khoa học, các điều dưỡng phải gồng gánh, giúp đỡ lẫn nhau.
Còn tại Khoa Lao ngoài phổi và Bệnh phổi nhiễm trùng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, với đặc thù nguy cơ lây nhiễm cao bất cứ lúc nào và khối lượng công việc khá nhiều,những điều dưỡng nơi đây vẫn luôn xác định phải có thái độ hòa nhã, niềm nở, ân cần, gần gũi, hết lòng chăm sóc bệnh nhân.
Chị Phạm Thị Lệ Trinh - người gắn bó 15 năm với nghề điều dưỡng tại Khoa Lao ngoài phổi và Bệnh phổi nhiễm trùng luôn vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trên hành trình tìm lại sức khỏe cho bệnh nhân, ngoài tuân thủ theo y lệnh của bác sỹ, chị Trinh còn trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh; duy trì các cuộc họp hội đồng người bệnh, các cuộc khảo sát tư vấn giáo dục sức khỏe, kịp thời nắm bắt, tiếp thu ý kiến, để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.
Chị Trinh chia sẻ, đặc thù của bệnh lao là lây nhiễm, nên nhiều người rất ngại tiếp xúc với người bệnh nhưng mình đã làm công tác này thì phải coi bệnh nhân như người nhà để phục vụ thật chu đáo, tận tình. Phải mang lại cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân cảm giác yên tâm.
Bệnh nhân Trần Chinh (phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi) cho biết: "Thường xuyên phải đến đây khám, điều trị bệnh, tôi thấy rất vui vì các bác sỹ, điều dưỡng rất nhiệt tình, niềm nở mỗi khi khám, tiêm thuốc hay dặn dò bệnh nhân. Có những lúc đêm khuya vì đau nên tôi phải gọi điều dưỡng nhưng các cô vẫn rất vui vẻ và tận tình chăm sóc".
Đội ngũ điều dưỡng được ví là những người có đôi tay mềm nhất, đôi tai thính nhất và trái tim đầy bao dung, nhân hậu. Tại Quảng Ngãi, đội ngũ điều dưỡng chiếm khoảng 50% nhân lực trong các cơ sở y tế. Với công việc thầm lặng hằng ngày, họ đã trở thành cánh tay đắc lực của hệ thống y tế với mục tiêu hướng đến là phục vụ tận tình, chu đáo để phục hồi sức khỏe của mỗi bệnh nhân.
Đề cập về công tác điều dưỡng và những chính sách để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết: Để quyết định việc điều trị bệnh thành công hay không, là nhờ một phần rất lớn của công tác điều dưỡng, từ việc dùng thuốc, chăm sóc tích cực, toàn diện, cho đến dinh dưỡng, vật lý trị liệu. Nói chung, vai trò của người điều dưỡng hết sức quan trọng. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ kiến nghị chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cấp trên có những chính sách ưu tiên trong tuyển dụng cũng như tạo điều kiện, môi trường, cơ hội học tập cho các điều dưỡng.