Điều gì đang chờ nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển?
Ngày 4-11, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson được bầu làm người đứng đầu đảng Dân chủ xã hội trong liên minh cầm quyền. Đây là bước đầu tiên để bà có thể trở thành Thủ tướng của Thụy Điển, thay ông Stefan Lofven - người đã tuyên bố từ chức hồi tháng 8.
Nhà kinh tế giỏi bơi lội
Khi đề cử bà Magdalena Andersson vào vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội, Chủ tịch Ủy ban Đề cử Elvy Soderstrom đã mô tả những điểm mạnh của Bộ trưởng Tài chính với tờ Newswire: “Đây sẽ là lịch sử. Magdalena là người biết mọi thứ diễn ra như thế nào, nói đúng như vậy và làm những gì cần thiết. Bà ấy háo hức muốn làm điều gì đó. Đồng thời, bà ấy đứng vững và có năng lực về kinh tế. Những phẩm chất đó chỉ là một số trong những điều tôi có thể đề cập đến".
Bà Andersson được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội hôm 4-11. Ảnh: Getty
Bà Magdalena năm nay 54 tuổi, là nhà kinh tế cao cấp, đồng thời là vận động viên bơi lội ở cấp độ ưu tú khi còn trẻ. Là con gái duy nhất của hai giảng viên đại học, Magdalena được hưởng nền giáo dục tiên tiến, cởi mở ngay từ khi còn nhỏ. Bà từng học tại Trường Kinh tế Stockholm và có bằng thạc sĩ năm 1992 trước khi tiếp tục làm nghiên cứu sinh kinh tế. Mùa thu năm 1994, bà học tại Viện Nghiên cứu cao cấp ở Vienna (Áo) và nửa năm sau thì theo học Đại học Harvard (Mỹ).
Sau khi có được tấm bằng tiến sĩ kinh tế, bà Magdalena làm việc tại Văn phòng Thủ tướng với tư cách là cố vấn chính trị (1996-1998) rồi trở thành Giám đốc Kế hoạch (1998- 2004). 2 năm sau, bà làm thư ký trong Bộ Tài chính trước khi trở thành cố vấn chính trị cho lãnh đạo phe đối lập Mona Sahlin (2007-2009). Bà rời khỏi vai trò này khi chính phủ đề cử làm Giám đốc Cơ quan Thuế Thụy Điển, một vị trí mà bà giữ cho đến năm 2012. Nhưng, bà đã từ chức sau khi được nhận làm ứng cử viên đảng Dân chủ xã hội trước cuộc tổng tuyển cử năm 2014 và được Thủ tướng Stefan Lofven bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông.
Sau cuộc bầu cử năm 2018, bà được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Năm 2020, các thành viên của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC), Ủy ban Cố vấn chính sách của Hội đồng Thống đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã chọn bà làm Chủ tịch với nhiệm kỳ 3 năm. Magdalena trở thành người châu Âu đầu tiên đảm nhiệm vai trò này sau hơn 1 thập niên và cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Stefan Lofven tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng tại Đại hội đảng Dân chủ xã hội vào tháng 11. Bà Magdalena nhanh chóng được nhiều người coi là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất để kế nhiệm ông. Ngày 4-11, bà được bầu làm Chủ tịch đảng và có khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển nếu được Quốc hội thông qua. Việc này cũng sẽ đưa Thụy Điển trở thành quốc gia Bắc Âu cuối cùng lần đầu tiên bầu phụ nữ làm người đứng đầu chính phủ.
Thách thức chờ đợi
Sau cuộc bầu cử trong đảng Dân chủ xã hội, bà Magdalena sẽ không tự động thay thế người tiền nhiệm của mình để làm Thủ tướng mà ông Stefan Lofven phải chờ Quốc hội bãi nhiệm vai trò Thủ tướng và bỏ phiếu bầu bà Magdalena trở thành người kế nhiệm. Để giành được phiếu bầu đó, bà phải thuyết phục các đồng minh bao gồm đảng cánh tả và đảng trung tâm, những thế lực có quan điểm rất khác nhau trong lĩnh vực như thuế doanh nghiệp và quyền của người lao động, ủng hộ mình.
Bà Magdalena dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo các đảng này trong những ngày tới. Nếu được xác nhận là Thủ tướng Thụy Điển thì bà phải được phê duyệt ngân sách năm 2022, đồng thời chống lại sự thay đổi bầu cử đang rình rập từ một khối đối lập mới được thành lập gồm các đảng Trung hữu, đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và Tự do, đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu.
Phát biểu trước báo giới và cử tri, bà Magdalena tuyên bố 3 vấn đề ưu tiên là khí hậu; khôi phục quyền kiểm soát dân chủ đối với trường học và hệ thống y tế sau làn sóng tư nhân hóa, đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự phân biệt đối xử và các băng nhóm bạo lực. Tân Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội cho biết đảng trung tả của bà, giống như các đảng chị em trên khắp châu Âu, đại diện cho sự đoàn kết mà các cử tri mong muốn kể từ khi diễn ra đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan.
Trích dẫn những thành công trong cuộc bầu cử gần đây của phe trung tả ở Na Uy và Đức, bà Magdalena nói: “Thời của những xã hội yếu kém đã qua. Cho dù đó là chăm sóc bệnh nhân COVID, hay tiết kiệm việc làm, hay thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhanh chóng... thì chỉ với một xã hội mạnh mẽ hơn, chúng ta mới có thể cùng nhau tìm ra giải pháp khi khủng hoảng xảy ra".
Giới quan sát nhận định, những khó khăn đang ở phía trước đối với Magdalena là sự gia tăng các vấn đề xã hội bao gồm tội phạm bạo lực và tỷ lệ thất nghiệp cao liên tục. Người tiền nhiệm của bà đã đấu tranh để duy trì chính phủ của mình trong nhiều tháng gần đây khi ông tìm cách thuyết phục những cử tri hoài nghi rằng ông có thể xoay chuyển tình thế sau khi lãnh đạo đất nước trong 7 năm qua. Nhưng, tháng 8 vừa qua, ông quyết định từ chức với niềm tin rằng một nhà lãnh đạo mới có thể có khả năng tái tạo năng lượng cho đảng trước chiến dịch bầu cử sắp tới.
Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Quốc gia Thụy Điển SVT, Bộ trưởng Nội vụ đảng Dân chủ xã hội Mikael Damberg, người từng được coi là ứng cử viên cho vị trí này, cho biết sự thay đổi trong lãnh đạo là “quan trọng đối với đảng và mang đến cho chúng tôi cơ hội khởi đầu mới. Bà Magdalena bây giờ có cơ hội định hướng rõ ràng để chỉ ra nơi chúng tôi đang đi”.