Điều gì khiến cử tri Mỹ muốn ông Trump quay lại điều hành nền kinh tế?

Nhiều thước đo thể hiện kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden rất mạnh mẽ. Dù vậy, nhiều cử tri tin tưởng rằng ông Trump sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn hơn cho nền kinh tế.

Năm 2018, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump , cặp vợ chồng Jonathan và Trista Schmier cảm thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ và đầy cơ hội để khởi nghiệp. Họ từ bỏ công việc quản lý bất động sản ở độ tuổi 40 và đuổi theo mơ ước sở hữu một nhà hàng. Họ mở nhà hàng Rustic Burger, tại Fayetteville, Bắc Carolina với thực đơn 20 loại burger đa dạng.

Ban đầu, họ không gặp khó khăn gì trong việc tìm nhân viên với mức lương khởi điểm 9 USD/ giờ. Giá nguyên liệu cũng rất phải chăng để họ có lãi từ những combo burger, món ăn kèm và đồ uống có giá 9,99 USD. Chỉ một năm sau đó, Rustic Burger có chi nhánh thứ hai, và chuẩn bị mở rộng sang cửa hàng thứ 3 ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Đó cũng là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

 Gia đình Schmier. Ảnh: USA Today Network.

Gia đình Schmier. Ảnh: USA Today Network.

Đến năm 2022, những thách thức trong nền kinh tế Mỹ do lạm phát cao đã buộc gia đình Schmiers phải đóng cửa chuỗi Rustic Burger để quay lại với công việc quản lý bất động sản. Ở thời điểm đó, thật khó để tìm được nhân viên với mức lương 9 USD/ giờ như cũ, trong khi họ không có đủ khả năng trả mức lương lên tới 14 USD/ giờ như các ứng viên đề xuất. Cùng với tiền lương, giá thực phẩm cũng tăng vọt. Cánh gà từ mức giá 40 USD/ hộp đã lên tới 93 USD/ hộp. Bánh mỳ tăng từ 0,33 USD/ chiếc lên 0,87 USD/ chiếc. Thịt bò Angus cũng tăng lên 1,66 USD/ miếng từ mức 1,08 USD. Trong khi giá bán burger không thể tăng thêm nữa.

Ông Jonathan Schmier cho hay khách hàng đã phản ứng đầy khó chịu khi nhà hàng tăng giá lên 10,99 USD/ combo burger, đồ ăn kèm và đồ uống, tức tăng 1 USD so với mức giá trước đó. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu và lương nhân viên tăng vọt.

Gia đình Schmier nằm trong số hàng triệu người Mỹ cảm thấy nền kinh tế tích cực hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, và hy vọng ông Trump có thêm một nhiệm kỳ ở Nhà Trắng để đưa nền kinh tế thịnh vượng trở lại.

Một cuộc thăm dò do CNN thực hiện hồi tháng 6 qua cho thấy cử tri Mỹ tin tưởng vào khả năng điều hành nền kinh tế của cựu Tổng thống Trump hơn là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Khoảng 51% cử tri đã đăng ký cho biết họ tin tưởng nền kinh tế sẽ tích cực hơn với các chính sách của ông Trump, so với tỷ lệ 32% tin tưởng vào ông Biden.

Tương tự, kết quả cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew Research Center công bố vào giữa tháng 7 cũng cho thấy 54% cử tri được hỏi tin tưởng vào khả năng ông Trump sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn cho nền kinh tế, so với tỷ lệ 40% ủng hộ ông Biden.

 Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images.

Lạm phát đã định hình cách cử tri Mỹ đánh giá nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump và ông Biden?

Cựu Tổng thống Trump đã điều hành một nền kinh tế vững mạnh, ít nhất là cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, khiến thị trường việc làm và thị trường chứng khoán lao dốc.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã kế thừa người tiền nhiệm Obama và đưa nền kinh tế tiếp tục giai đoạn tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử. Tính từ khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng đến tháng 2/2020, bình quân có khoản 181.500 việc làm được tạo ra mỗi tháng. Tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức 3,5%, thấp nhất trong vòng 50 năm ngay trước khi đại dịch bùng phát, và tỷ lệ thất nghiệp đối với người Mỹ da đen đạt mức thấp kỷ lục là 5,3% (mặc dù tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn trong nhiệm kỳ của ông Biden, ở mức 4,8% vào tháng 4/2023.)

Trước đại dịch, thu nhập bình quân hộ gia đình Mỹ đã chứng kiến mức tăng đột biến lớn nhất trong hơn bốn thập kỷ — đạt mức cao kỷ lục là 68.700 USD vào năm 2019, theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống còn 10,5%, mức thấp nhất kể từ khi tỷ lệ này bắt đầu được ghi chép vào khoảng sáu thập kỷ trước.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump cũng chứng kiến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, với hàng loạt những đỉnh lịch sử liên tục được xác lập.

Trong khi đó, với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhiều thước đo thể hiện rằng nền kinh tế trong nhiệm kỳ ông Biden cũng rất mạnh mẽ. Điều đó được phản ánh qua khả năng phục hồi ấn tượng của thị trường lao động Mỹ trong 2 năm qua, sau thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn duy trì ở mức dưới 4% trong 27 tháng liên tiếp, tương đương với chuỗi kỷ lục được ghi nhận vào cuối những năm 1960, trước khi nhích lên 4,1% vào tháng 6 qua.

Biểu đồ: Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ

 Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

Nhưng đối với cử tri Mỹ, nền kinh tế không chỉ được phản ánh qua sự mạnh mẽ của thị trường lao động. Một thước đo ảnh hưởng hơn cả đến nền kinh tế nói chung và các hộ gia đình là vấn đề lạm phát. “Đó là lý do vì sao lạm phát có ý nghĩa to lớn”, ông Bernard Yaros, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics cho biết.

Tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong vài tháng gần đây, với chỉ số giá tiêu dùng tháng gần nhất thể hiện lạm phát hàng năm chỉ ở mức 3%, nhưng tình hình giá cả tăng vọt trong 2 năm qua vẫn tác động rất lớn đến người tiêu dùng Mỹ. Lạm phát toàn phần hiện đã tăng khoảng 20% so với thời điểm tháng 2/2020, ngay trước đại dịch, một mức tăng quá mạnh.

Giá cả tăng mạnh đã ăn mòn thu nhập của người Mỹ trong nhiều tháng liên tục. Đó là một sự khác biệt rất lớn so với những năm đầu trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, khi các thước đo thu nhập thực tế liên tục tăng.

Biểu đồ: Tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện đã hạ nhiệt về mức 3%, nhưng sự tăng vọt của giá cả trong những tháng qua đã gây ra nỗi đau quá lớn cho người tiêu dùng Mỹ

 Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

CNN đã tiến hành phỏng vấn các cử tri Mỹ về tác động của lạm phát tới cuộc sống của họ. Với ông Ted Southworth, một cựu giám đốc kinh doanh của công ty sản xuất xe tải, hiện đã về hưu, mặc dù tình hình tài chính khá thoải mái nhưng rõ ràng lạm phát vẫn có tác động lớn đến cuộc sống của gia đình ông. Chẳng hạn, các bữa ăn ngoài tại những nhà hàng cao cấp giảm đi. Ông và vợ cũng quyết định gia hạn thêm hợp đồng thuê ô tô thay vì mua xe mới. Ông cũng lo ngại rằng giá cả có thể tiếp tục tăng.

Ông Southworth bày tỏ tin tưởng vào khả năng điều hành nền kinh tế của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, người mà ông đã bỏ phiếu bầu trong cả hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020. “Trong nhiệm kỳ của ông Trump, lạm phát tăng rất ít. Tôi không nghĩ chúng ta đã kiểm soát được lạm phát”, ông nói thêm.

Một người khác được CNN phỏng vấn, bà Becky Cantrell, sống tại Land O' Lakes, bang Florida, cảm thấy giá cả tăng bất cứ khi nào bà đến siêu thị. Gần đây, bà thậm chí đã ngừng mua mayonnaise khi giá mặt hàng này tăng lên 7,88 USD/ chai so với mức chỉ 5 USD cách đây vài năm. Sau khi chồng bà mất vào tháng 11/2020, bà Cantrell hiện cảm thấy rất khó để tìm được một công việc với mức lương phù hợp để trang trải cuộc sống khi giá cả tăng nhanh. Có thời điểm bà phải làm hai công việc cùng lúc, và nhận người ở ghép để có thêm thu nhập.

Mặc dù vào tháng 3 vừa qua, bà đã có công việc ổn định hơn tại một công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng bà vẫn có kế hoạch bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới. “Mọi thứ đều có giá cả phải chăng hơn trước khi ông Biden trở thành Tổng thống”, người phụ nữ 59 tuổi cho hay.

“Người dân không phải nhà kinh tế học cho nên họ sẽ không suy nghĩ như những nhà kinh tế học để nhìn vào tỷ lệ thay đổi của CPI hay các yếu tố khác. Họ chỉ nhìn vào giá của một giỏ trứng hiện nay so với giá của một giỏ trứng 2 năm về trước”, chuyên gia Bernard Yaros, từ Oxford Economics nhận định. “Đây là điều mà tôi cho là nguyên nhân thực sự ảnh hưởng đến những đánh giá của cử tri về cách mà ông Biden điều hành nền kinh tế”.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dieu-gi-khien-cu-tri-my-tin-rang-ong-trump-dieu-hanh-nen-kinh-te-tot-hon-ong-biden.html