Điều gì khiến giới đầu tư châu Âu còn bận tâm?
Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu. Tuy vậy, điều mà họ vẫn còn bận tâm là khâu hải quan và mong muốn giảm bớt các trở ngại về thủ tục hành chính, cải thiện khung pháp lý về thuế…
Là nhà đầu tư hàng đầu của EU rót vốn vào Việt Nam và đang triển khai dự án nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương, cách đây vài ngày, Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Lego và Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về cơ chế thông tin, hỗ trợ và tăng cường quan hệ hợp tác hải quan - doanh nghiệp (DN).
Vẫn lo “cửa ải” hải quan
Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Việt Nam, cho rằng để Lego hoạt động hiệu quả và tuân thủ đúng pháp luật, mối quan hệ với đối tác hải quan là vô cùng quan trọng.
Thông qua thỏa thuận hợp tác này giữa ngành hải quan và phía Lego sẽ góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan cho nhà đầu tư.
Nêu ra động thái trên để thấy, mối bận tâm của giới đầu tư EU với khâu hải quan như thế nào. Nhất là trong Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) mới nhất trong quý 1/2023 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện, được đưa ra vào ngày 11/4, đã thể hiện rõ một rào cản mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp.
Cần nhắc lại, trong “Sách Trắng 2022 các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023” được EuroCham công bố gần đây cũng đề cập nhiều đến vấn đề về khâu thủ tục hải quan của Việt Nam.
Chẳng hạn việc áp dụng mã HS, khi ban hành Quyết định 583 về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế. Sách trắng này có bày tỏ quan ngại sự thiếu hụt quy tắc lý giải việc phân loại cũng như nguồn tham chiếu pháp luật được áp dụng khi ban hành các quyết định phân loại mã số HS.
Các chuyên gia của EuroCham tin rằng việc bổ sung thông tin sẽ đảm bảo nâng cao tính minh bạch trong quá trình ra quyết định, đồng thời cũng cho phép DN làm theo hướng dẫn để tự đánh giá mã số HS nào là phù hợp cho hàng hóa họ nhập khẩu vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam, và từ đó có thể giúp giảm tải gánh nặng của Tổng cục Hải quan trong việc hướng dẫn phân loại mã số HS.
Chính vì vậy, trong sách trắng có khuyến nghị, cần nêu rõ quy tắc lý giải việc phân loại được áp dụng khi phân loại mã số HS. Nhất là cần tiếp tục thực hiện công bố trực tuyến (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) tất cả các tài liệu phân loại hợp pháp, bao gồm các tài liệu đã được liệt kê và cam kết công bố tại Điều 6, Thông tư 14, đặc biệt là các tài liệu trong 5 năm qua.
Không chỉ với vấn đề nêu trên, các chuyên gia của EuroCham còn chỉ rõ, trường hợp cụ thể như nhập khẩu phụ tùng ô tô với một số quy định bất cập đang góp phần làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục thông quan, làm tăng chi phí cho các công ty ô tô và khách hàng.
Giai đoạn “wait and see” - “chờ đợi và quan sát”
Trở lại với Báo cáo BCI trong quý 1/2023 (được xem là thước đo hàng đầu để cộng đồng DN và nhà đầu tư châu Âu hiểu hơn về thị trường Việt Nam), cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài trong mắt các lãnh đạo DN châu Âu. Họ cũng nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đã có một số cải thiện nhất định nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng.
BCI giữ mức ổn định 48,0 điểm trong quý đầu năm 2023. Điểm tích cực là 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Tuy vậy, ngoài vấn đề hải quan, các DN tham gia khảo sát cũng lưu ý đến rào cản về công ty dịch vụ chịu thách thức lớn về thị thực và giấy phép lao động. Hơn thế, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.
Những người tham gia khảo sát BCI (tổng hợp phản hồi từ mạng lưới rộng lớn gồm 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam) nhấn mạnh, cần cải thiện khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp nước ngoài và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Cần nhắc lai, trong cuộc khảo sát hồi quý 4/2022 đối với các DN thành viên của EuroCham Việt Nam, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có đến 70% DN cho rằng Việt Nam có thể tăng mức FDI này bằng cách giảm bớt các trở ngại về thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực (35%).
Bình luận về chỉ số BCI quý 1/2023, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit bày tỏ mong đợi các biện pháp hiệu quả hơn trong nửa cuối năm nay. Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng.
“Chúng tôi rất mong đợi có thêm thông tin về những thay đổi được đề xuất này. Tính thanh khoản cũng đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây, và chúng tôi tin rằng dấu hiệu rõ ràng từ Chính phủ về việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ thúc đẩy tinh thần cộng đồng DN", ông Fluit nói.
Còn theo ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành Decision Lab, đơn đặt hàng đang tăng lên, trong khi mức đầu tư và tuyển dụng vẫn tương đối thấp. Điều này cho thấy đây vẫn là giai đoạn “wait and see” - “chờ đợi và quan sát” đối với nhiều công ty, nhưng những cải tiến có thể sắp xảy ra.
“Mặc dù triển vọng có cải thiện, điều quan trọng cần lưu ý là nền kinh tế vẫn mong manh và cần thận trọng. Việc theo dõi tình hình hiện tại để dự đoán bất kỳ thay đổi tiềm ẩn nào trên thị trường là cần thiết. Chủ động tiếp cận tình hình hiện tại có thể là cách tốt nhất để đảm bảo thành công trong tương lai”, ông Thomasen chia sẻ.