Điều gì khiến khách Tây mê mẩn với Huế?
Anh Troy Nankervis, một nhà báo tự do người Australia vừa chia sẻ về hành trình 2 ngày du lịch tại xứ Huế mộng mơ trên news.com.au. Chàng trai Australia cho rằng khách du lịch hãy bỏ qua Bali (Indonesia) hay Thái Lan đông đúc, để đến Việt Nam. Điểm đến thú vị họ phải ghé thăm chính là Huế.
Chuyến đi với chi phí “siêu hợp lý”
Lần đầu tiên tới Việt Nam, vì còn nhiều bỡ ngỡ nên Troy Nankervis, du khách đến từ Sydney (Australia) quyết định chọn mua tour cho chuyến đi 10 ngày. Với chi phí 1.950 đôla Úc (30 triệu đồng) bao gồm hầu hết các bữa ăn và chỗ ở, Troy có hành trình đi từ Hà Nội, tới Huế, Hội An, đến Đồng bằng sông Cửu Long và cuối cùng dừng chân ở TP HCM.
Là người mê xê dịch, chàng trai người Australia có nhiều cơ hội đặt chân tới các quốc gia. Anh nhận xét, nếu như những điểm đến khác ở châu Á như Thái Lan, Campuchia hay Bali (Indonesia) vốn nổi tiếng với khách nước ngoài, thì Việt Nam lại thu hút theo cách riêng của mình với những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử và ẩm thực.
Trong số các điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam, Troy nói về Huế nhiều nhất, nơi anh ngồi tàu đêm trong 14 tiếng. Nam du khách mua vé từ Hà Nội, khoang giường nằm 6 người một cabin với giá 500.000 đồng. Sau một thời gian ngồi tàu, Troy bắt đầu quen với sự lắc lư và tiếng kêu xình xịch của bánh xe trên đường ray. Anh mải mê ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường qua cửa kính.
Ấn tượng sâu sắc với văn hóa, ẩm thực Huế
Theo tìm hiểu của Troy, từng là Thủ đô của Việt Nam, Huế được coi như trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo của đất nước từ những năm 1800 cho đến cuối triều đại nhà Nguyễn năm 1945. Thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1993.
Nếu dành ra vài ngày để khám phá nơi đây, bạn sẽ thấy sông Hương chảy qua thành phố được điểm xuyết bởi những lăng tẩm, chùa chiền... Tất cả đều đã tồn tại qua hàng thế kỉ. Người dân địa phương tin rằng phong cảnh của dãy núi Ngự Bình, nơi kinh thành xưa được xây dựng gần đó, giống hình dạng của một con rồng.
Phong cách kể chuyện của người dân pha trộn giữa lịch sử và thần thoại có thể hiện diện ở mọi nơi tại Huế. Chính điều đó cùng với ẩm thực khiến Troy thực sự yêu thích Huế và cả Việt Nam nói chung.
Sau quãng đường dài, khi tàu vào ga ở Huế, Troy cùng nhóm du khách lên xe bus, tới thẳng nhà của một người dân địa phương để ăn trưa. Bước chân vào căn bếp nhỏ của ngôi nhà thuộc miền Trung Việt Nam, mùi sả và lá bạc hà tỏa hương thơm nồng kích thích vị giác. Anh háo hức chờ đợi bữa cơm đủ món ngon.
Một nồi súp bí ngô khổng lồ đang đun nóng trên bếp. Kế đó, bà Đặng Thị Hảo, một người phụ nữ trung tuổi đang thoăn thoắt quấn các miếng chả giò. Cách các món ăn sắp xếp khéo léo khiến thực khách cảm nhận được sự chu đáo của gia chủ.
Hình ảnh trước mắt khiến Troy nhớ đến cảnh trong bộ phim “Hook”, khi những chú bé đi lạc chuẩn bị ăn một bữa tiệc do họ tưởng tượng, nhưng khác ở chỗ bữa ăn của anh là có thật. Cách các món ăn được bày biện cũng khiến nam du khách cảm nhận được sự hào phóng và chu đáo của chủ nhà.
Các du khách quốc tế khen đồ ăn Việt tươi, ngon, không bị nặng bụng và có nhiều hương vị hơn so với đồ ăn Âu, Mỹ. Nhóm khách được chiêu đãi súp bí đỏ, gỏi mít, nem, thịt lợn kho tàu, đậu phụ, thịt lợn băm nhỏ nấu cùng cà chua, canh cà chua nấu hải sản, dứa, giá đỗ và trái cây tráng miệng. “Thịt gần như tan chảy trong miệng. Tôi cảm nhận được cả vị gừng và tỏi tươi”, Troy nói. Dưới cái nắng hè xứ Huế, nhóm du khách uống thêm bia lạnh để giải nhiệt. Duy, hướng dẫn viên người Việt hướng dẫn họ cụng ly và hô “một, hai, ba dô” giống người địa phương. Nhóm du khách hào hứng làm theo.
“Ông cố của bà Đặng Thị Hảo từng nấu ăn cho hoàng tộc Việt Nam. Và bây giờ tôi được nếm thử những công thức đó. Thật tuyệt vời?”, Troy nói. Anh cũng phải thừa nhận rằng, trong khi những nơi khác ở châu Á như Thái Lan, Campuchia và Bali (Indonesia) thường nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn, Việt Nam “chạy đua” theo một cách riêng, với nét độc đáo về văn hóa, ẩm thực và lịch sử.
Có vẻ như Troy không phải người duy nhất nghĩ vậy, vì Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến được nhiều du khách Australia lựa chọn. Theo Intrepid, số lượng hành khách hàng năm đến Việt Nam năm 2023 đã tăng 166% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn khách hàng đặt vé đến Việt Nam là người Australia (43%), tiếp theo là người Anh (24%), Mỹ và New Zealand (mỗi nước 11%). Thành phố ít nhộn nhịp hơn so với TP HCM, nhưng đáng để dừng chân, đặc biệt nếu bạn đã đến Đà Nẵng hoặc Hội An ở gần đó.
Về phương tiện di chuyển, Troy nhận xét Huế giống Bali và Thái Lan khi cách khám phá tốt nhất là dùng xe máy và đi vòng quanh. Giá thuê xe máy tự lái là 150.000 đồng một ngày. Nam du khách ghé Lăng Tự Đức, kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ.
Cứ nghĩ Huế mộng mơ và tĩnh lặng là thế, nhưng cuộc sống về đêm cũng sôi động không kém. Khi mặt trời lặn, ánh đèn neon của các nhà hàng, quán bar bật sáng khiến khách du lịch cũng rộn ràng hơn. Troy ví khung cảnh này như “Bangkok hoặc TP HCM” phiên bản ít náo nhiệt hơn. Anh kết thúc thời gian ở Huế với một hình xăm mới toanh và biết chơi trò rút gỗ cùng người dân địa phương.
Một ngày nữa kết thúc với một bữa ăn tuyệt vời khác, lần này là ở khu phố đêm ở phường Phú Hội của Huế. Vô số quán bar và nhà hàng, đường phố trở nên sống động sau khi mặt trời lặn, ánh đèn neon và không khí nhộn nhịp lập tức gây ấn tượng với du khách. Đối với tôi, đó là một phiên bản ít choáng ngợp hơn của các phố Tây, phố đêm tương tự ở Bangkok và TP HCM.
Giờ đây việc bay đến Việt Nam cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều, khi hãng hàng không giá rẻ lớn của đất nước công bố kế hoạch tăng cường đường bay đến Australia. Bắt đầu từ tháng 12, du khách có thể bay các chuyến khứ hồi hàng ngày từ Melbourne và Sydney và ba chuyến mỗi tuần từ Brisbane. Với Troy, chuyến đi lần này “như một cuộc phiêu lưu”. Anh rất muốn ghé thăm nơi này trong tương lai để tự mình khám phá thêm nhiều điều mới mẻ.
Những điểm phải “check in” khi đến với Huế
Đại Nội Huế: Với diện tích hơn 500ha, Đại Nội là khu vực bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành với hơn 100 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Vua nhà Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và thời gian, Đại Nội Huế vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc độc đáo và là sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến Huế. Địa điểm mở cửa đón khách từ 9h - 22h nên bạn cũng có thể “check in” dưới ánh đèn lung linh rực rỡ của nơi này.
Tiếp đó là Lăng Minh Mạng, hay còn gọi là Hiếu Lăng, tọa lạc gần ngã ba Bằng Lãng, cách trung tâm thành phố Huế 12km. Lăng có kiến trúc đăng đối, nằm giữa một khu đồi núi, sông hồ thoáng mát, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Những vị trí “đắc địa” để du khách có thể chụp hình “check in” gồm có: Bái Đình (Khoảng sân bao gồm các hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá và các bia đá Thánh Đức Thần Công do Vua Thiệu Trị viết); Lầu Minh Lâu (tòa nhà 2 tầng, 8 mái, với lối kiến trúc đậm chất Nho giáo)...
Ngoài ra, nói đến lăng tẩm có phong cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp, không thể không nhắc đến Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng). Bước qua cửa Vụ Khiêm, du khách sẽ bắt gặp hồ Lưu Khiêm tỏa ra hương sen thơm ngát, tạo một không gian thơ mộng mà yên bình. Đặc biệt, bên bờ hồ Lưu Khiêm có 2 công trình nhà tạ trên mặt nước là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là 2 công trình kiến trúc độc đáo của quần thể kiến trúc Lăng Tự Đức nói riêng và quần thể di tích Cố đô Huế nói chung.
Địa điểm “check in” chụp hình cực xinh tại Huế tiếp theo, là làng hương Thủy Xuân - một ngôi làng nghề truyền thống nằm khiêm tốn dưới chân đồi Vọng Cảnh, đã tồn tại từ triều Nguyễn. Nghề làm hương đã xuất hiện tại làng Thủy Xuân từ 700 năm về trước. Tới đây, du khách có thể ghé qua làng nghề để tìm hiểu cuộc sống của người dân ở đây, cũng như mua hương ủng hộ người dân địa phương.
Đến Huế, có một điểm không thể bỏ qua đó là Kinh thành Huế. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nét cổ kính và giá trị lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc của cố cung đã biến nơi này thành điểm tham quan nổi bật nhất xứ Huế cả với du khách trong nước và nước ngoài...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dieu-gi-khien-khach-tay-me-man-voi-hue-post495058.html