Điều gì khiến mảng màu đỏ trên nền trắng thành tác phẩm nổi tiếng?

Nền trắng tượng trưng cho cái vô hạn, hình màu đỏ trông như được phóng ra từ đó. Đây là một sự đoạn tuyệt với nền nghệ thuật của quá khứ.

Vào năm 1910, Kazimir Malevich (1878-1935) đã sáng lập nên trường phái Tối thượng, sáng tác những bức tranh trừu tượng với những tổ hợp gồm các hình dạng hình học bất đối xứng, và ông đã trở thành họa sĩ dẫn dắt phong trào nghệ thuật tiên phong quốc tế này ở Nga.

Bức tranh Hình vuông màu đỏ có chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 53 X 53 cm, được sáng tác năm 1915, hiện thuộc Bảo tàng Liên bang Nga, Saint Petersburg, Nga.

 Tranh Hình vuông màu đỏ. Ảnh trong sách Câu chuyện nghệ thuật.

Tranh Hình vuông màu đỏ. Ảnh trong sách Câu chuyện nghệ thuật.

Hình vuông màu đỏ, hay còn có tên gọi khác là Chủ nghĩa hiện thực trong hội họa về một phụ nữ nông dân trong không gian hai chiều, là một tứ giác phẳng màu đỏ trên một tấm vải bố trắng.

Đối với Malevich, nền trắng tượng trưng cho cái vô hạn, và hình thù màu đỏ trông như được phóng ra từ đó.

Đây là một sự đoạn tuyệt hoàn toàn đối với nền nghệ thuật của quá khứ, phản ánh những biến động và cú sốc về Thế chiến I cũng như những căng thẳng tại quê hương của Malevich, mà không lâu sau đó sẽ bùng nổ thành một cuộc cách mạng.

Người phụ nữ nông dân trong tên gọi ban đầu của tác phẩm được thể hiện bởi màu đỏ, đây là màu sắc thường xuất hiện trong rất nhiều cảnh tượng tôn giáo truyền thống của Nga.

Do đó, mặc dù mang tính trừu tượng, bức tranh này cũng diễn tả một điều gì đó ẩn dụ. Trong suốt sự nghiệp của mình, Malevich đã kinh qua rất nhiều phong cách khác nhau, nhưng nổi bật hơn cả là việc sáng tạo nên trường phái Tối thượng - là trào lưu nghệ thuật tiên phong thực thụ đầu tiên ở Nga.

Hứng thú với triết học phương Đông, mục đích của ông là tạo nên một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, khám phá những đề tài về tâm linh, biểu tượng và những ý niệm của cấu trúc thuần túy; ông coi những bức tranh là một tổng thể của các mảng màu phẳng mang tính trừu tượng, nhưng tin rằng chúng vẫn có thể diễn đạt những cảm giác huyền bí về thời gian và không gian.

Ông phát biểu rằng: “Những gì tôi tạo ra không hướng đến hay phụ phuộc vào bất kì một quy luật nào của tự nhiên".

 Chân dung tự họa của Malevich. Ảnh: Wikiart.

Chân dung tự họa của Malevich. Ảnh: Wikiart.

Ban đầu, Malevich theo đuổi phong cách hội họa thiên về tả thực, sau đó họa sĩ dần chịu ảnh hưởng bởi trường phái Lập thể.

Những bức tranh Tối thượng phi vật thể mang tính cấp tiến của ông ban đầu được chính quyền rất hoan nghênh nhưng sau đó lại bị ngăn cấm.

Những tư tưởng triết học của ông về cấu trúc và ý nghĩa trong nghệ thuật đã ảnh hưởng đến vô số nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.

Một số tác phẩm nổi tiếng khác của Malevich: Tổng thể tối thượng: Phi cơ đang bay sáng tác năm 1915 (đề trên mặt sau là năm 1914), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ; Hình vuông màu đen trên nền trắng 1915, phòng trưng bày Tretyakov, Moscow, Nga; Màu trắng trên nền trắng 1917-1918, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ.

Trích sách "Câu chuyện nghệ thuật"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-khien-mang-mau-do-tren-nen-trang-thanh-tac-pham-noi-tieng-post1099051.html