Điều gì khiến SCIC muốn mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB?
Một công ty con của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
SIC đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội nhằm “đầu tư tài chính”. Giao dịch này dự kiến sẽ diễn ra thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 26/9 đến 24/10/2023.
Hiện SIC đang nắm giữ 1,38 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với tỷ lệ 0,0265% vốn cổ phần Ngân hàng Quân đội. Nếu giao dịch trên diễn ra thành công, SIC sẽ nâng sở hữu lên mức 0,084%, tương đương 4,38 triệu cổ phiếu MBB.
Đáng chú ý, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), công ty mẹ của SIC, đang nắm giữ hơn 427 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,42% vốn cổ phần Ngân hàng Quân đội.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 28/9, cổ phiếu MBB đạt 18.500 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính theo vùng giá này, SIC sẽ cần chi ra hơn 55,5 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu MBB.
Trong tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Quân đội đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm thuộc TOP đầu hệ thống
Xét về hoạt động kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Quân đội ghi nhận tổng thu nhập hoạt động trên 11.500 tỷ đồng và lãi ròng gần 4.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng này chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2023 lên đến 20,6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 10,6% so với thời điểm đầu năm 2023. Với mức tăng trưởng này, Ngân hàng Quân đội là một trong số các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nửa đầu năm nay.
Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội được dẫn dắt bởi cho vay khách hàng đến từ cả 3 nhóm khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp lớn, và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số nhóm ngành có sự đóng góp tương đối lớn vào sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này như Năng lượng, Điện, Bất động sản...
Theo Bảo Việt Securities (BVSC), Ngân hàng Quân đội đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng mới trong đầu tháng 7 với hạn mức mới vào khoảng 24,5%. Với kỳ vọng nền kinh tế có sự phục hồi trở lại từ nủa cuối năm 2023 cũng như lãi suất đã giảm nhiều và vẫn đang trên đà đi xuống thì BVSC kỳ vọng Ngân hàng Quân đội sẽ sử dụng hết hạn mức tín dụng và đạt mức tăng trưởng tín dụng 24,5% trong năm 2023.
Xem thêm: "Ngân hàng LPBank (LPB) có thể ghi nhận khoản phí từ Dai-ichi Life trong nửa cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Vươn lên trở thành ngân hàng có hệ số CASA cao nhất toàn hệ thống
Trong bối cảnh, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành ngân hàng có xu hướng sụt giảm nhưng mức suy giảm CASA của Ngân hàng Quân đội ít hơn các đối thủ cạnh tranh, giúp ngân hàng này vươn lên trở thành ngân hàng có hệ số CASA cao nhất toàn hệ thống trong nửa đầu năm nay.
Riêng quý 2/2023, tỷ lệ CASA của Ngân hàng Quân đội đạt mức 37,1%, tăng 1,6% so với quý 1/2023. Đây là dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận khi mà CASA của MBBank đã có sự suy giảm trong hơn một năm qua. Với thế mạnh của tập khách hàng cá nhân lớn và đang có sự gia tăng nhanh chóng cũng như tập khách hàng doanh nghiệp mạnh mẽ thì Ngân hàng Quân đội nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì được vì thế nằm trong nhóm có CASA dẫn đầu trong những năm tới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng Quân đội được nhận định đã tạo đáy và phục hồi trong nửa cuối năm nay. Các khoản huy động của ngân hàng này tập trung ở các kỳ hạn ngắn; huy động kỳ hạn dài của ở cuối quý 2/2023 chiếm chưa tới 10% tổng huy động. Ngân hàng Quân đội tập trung huy động phần lớn ở các kỳ hạn dưới 6 tháng vì vậy có mức quay vòng và thay đổi chi phí vốn diễn ra nhanh.
Do vậy, khi lãi suất hạ xuống, chi phí vốn của Ngân hàng Quân đội cũng sẽ giảm theo nhanh chóng. Trong khi đó, gần 50% khoản vay của ngân hàng này là các khoản cho vay trung và dài hạn, những khoản vay này có thời gian định giá lại lãi suất 3-6 tháng/lần dẫn tới mức thay đổi lãi suất cho vay chậm hơn thay đổi của chi phí vốn.
Điều này sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi NIM của Ngân hàng Quân đội trong nửa cuối năm 2023. BVSC hiện dự báo NIM cả năm 2023 của Ngân hàng Quân đội đạt 5,19%, so với mức 4,94% vào cuối quý 2/2023 và so với mức 5,53% của năm 2022.