Điều gì khiến vải u hồng Tây Nguyên đầu mùa có giá gần 100.000 đồng/kg?
Vải u hồng Tây Nguyên đã bắt đầu vào vụ thu hoạch với sản lượng và giá bán ở mức cao.
Từ đầu tháng 5 tới nay, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện nhiều quầy hàng bán vải u hồng chín sớm của Tây Nguyên. Đáng chú ý, giá bán lẻ của vải u hồng loại 1 đang ở mức cao.
Giá vải bán lẻ tại TP.HCM cao
Ghi nhận tại chợ Phạm Văn Bạch (Gò Vấp), một tiểu thương cho biết, quả vải u hồng Tây Nguyên đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, tuy nhiên do đầu mùa sản lượng bán lẻ còn ít nên giá cao.
Hiện mỗi kg vải loại 1 bán ra dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg và 70.000 - 75.000 đồng/kg đối với loại 2.
"Mức giá cao do đầu mùa hàng còn ít, trong khi nhu cầu tiêu dùng luôn có. So với thời điểm đầu tháng 5, mức giá này đã giảm nhiệt nhiều, thời điểm đó giá vải luôn trên mức trên 100.000 đồng/kg đối với hàng loại 1, quả to, nguyên cành"- người bán nói.

Vải loại quả nhỏ, bán theo chùm được bán ở các xe đẩy vỉa hè với giá 70.000 đồng/kg. ẢNH: THU HÀ
Tại siêu thị như Emart Phan Huy Ích, hiện giá bán lẻ 1 kg vải đang được khuyến mãi 31% là 88.000 đồng/kg. Siêu thị Bách Hóa Xanh cũng bắt đầu bán vải với giá bán lẻ là 79.000 đồng/kg.
Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thông tin, hiện nay quả vải Tây Nguyên đang bắt đầu vào vụ, sản lượng thấp nên giá cao.
Dự báo sẽ hạ nhiệt khi bước vào chính vụ. Cũng theo vị này, khi vào chính vụ, giá vải thiều có thể thấp hơn năm ngoái, nguyên nhân là do năm 2024 mất mùa, gây áp lực đến chuỗi cung ứng và giá bán.
Nông dân thu lời từ trồng vải
Trao đổi với PLO, ông Võ Văn Đạt, chủ trang trại trồng vải tại huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk cho biết, năm nay nhờ điện kiện thời tiết thuận lợi, cây vải phát triển tốt nên tỉ lệ ra hoa và đậu trái cao. Theo đó, giá thu mua tại vườn đang duy trì ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg loại 1. Mức giá này đang tạo ra lợi nhuận cho người trồng vải.
Ông Đạt cũng cho biết, từ đầu mùa tới nay trang trại của ông chủ yếu thu hoạch để phục vụ xuất khẩu qua Trung Quốc.
Tương tự, ông Lê Văn Long, hộ trồng vải tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk sở hữu 26 ha vải (giống u trứng và u hồng) cho hay, vải Đăk Lăk chín sớm hơn miền bắc khoảng một tháng, nên vườn của ông thu hoạch đúng thời điểm "đắt hàng", giá cao.
Trung bình mỗi ngày, ông Long thu hoạch khoảng 25 tấn vải, bán giá xô 58.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi ha có thể mang về gần 1 tỉ đồng doanh thu. Ông Long cũng dự kiến tổng sản lượng thu hoạch trong vụ mùa 2025, ước đạt hơn 200 tấn.

Nông dân tại Đăk Lăk phấn khởi vì được mùa vải. ẢNH: TIẾN THOẠI
"Vải chín sớm là lợi thế lớn, luôn bán được giá cao hơn so với các vùng khác. Hơn nữa, xã Ea Sar có vùng trồng vải tập trung nên thương lái thường chủ động vào tận vườn thu mua với số lượng lớn"- ông Long chia sẻ.

Nhờ thời tiết và canh tác đúng kỹ thuật, vải tại Đăk Lăk được mùa được giá, ngay từ đầu mùa. ẢNH: TIẾN THOẠI
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Đăk Lăk, toàn tỉnh hiện có 3.264ha vải, trong đó 2.046 ha cho thu hoạch, với tổng sản lượng ước đạt gần 21.180 tấn (năng suất hơn 10 tấn/ha). Hiện nay, diện tích trồng vải tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, M’Đrăk…
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết vụ vải năm 2025 được đánh giá là được mùa, sản lượng tăng cao nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt.
Dự kiến, tổng sản lượng vải trong năm đạt 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2024.