Điều gì sẽ đến nếu Ấn Độ quay lại 'đường đua' xuất khẩu gạo?

Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vốn được thiết lập từ tháng 7 năm ngoái. Điều này, liệu sẽ tác động ra sao đến các nước xuất khẩu gạo khác, trong đó có Việt Nam?

Ấn Độ quay lại đường đua xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các quốc gia xuất khẩu còn lại. Ảnh: Trung Chánh

Ấn Độ quay lại đường đua xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các quốc gia xuất khẩu còn lại. Ảnh: Trung Chánh

Tháng 7 năm 2023, Ấn Độ quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá lương thực trong nước khi những thiệt hại về mùa màng xảy ra. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ được cho là đang xem xét sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng non-basmati hay nói cách khác cho xuất khẩu trở lại.

Dự trữ tăng cao, Ấn Độ sẽ dỡ bỏ cấm xuất khẩu gạo?

Mới đây, tờ Menafn.com dẫn một số nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này đang xem xét dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo đã được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái.

Theo đó, việc xem xét được đưa ra do dự trữ gạo đang dư thừa và điều kiện thời tiết tốt hơn so với các dự báo được đưa ra trước đó, giúp tạo thuận lợi cho việc gieo trồng vụ Kharif (là vụ gieo trồng chính, có khả năng cung cấp 80% tổng sản lượng lúa của Ấn Độ).

Cục khí tượng Ấn Độ gần đây đã đưa ra dự báo lượng mưa “trên mức bình thường” trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, trong khi gieo trồng vụ Kharif diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 7 hay nói cách khác điều kiện thời tiết ở mức thuận lợi cho vụ gieo trồng chính trong năm của Ấn Độ.

Ngoài yếu tố thuận lợi cho mùa vụ, theo tờ Knnindia.co.in của Ấn Độ, quốc gia này đang dư thừa khoảng 18 triệu tấn gạo được lưu trữ trong các kho của Tổng công ty lương thực Ấn Độ (FCI). Thậm chí, việc tồn kho quá lớn đang làm “cạn kiệt” tài chính của FCI khi phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho lưu kho và bảo quản.

Theo đó, tính đến đầu tháng 4-2024 vừa qua, FCI có tổng lượng gạo dự trữ là 31,8 triệu tấn, trong khi yêu cầu tồn kho chỉ ở mức khoảng 13,5 triệu tấn hay nói cách khác lượng gạo đang dư thừa lên đến khoảng 18,3 triệu tấn.

Điều kiện thuận lợi để Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng non-basmati đã có, nhưng hiện quốc gia này vẫn chưa có quyết định chính thức. Trong khi đó, một số nguồn tin trao đổi với KTSG Online cho rằng, khả năng qua tháng 7-2024 khi vụ Kharif xuống giống an toàn, Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng khả năng sẽ áp thuế xuất khẩu.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm sẽ xảy ra, nhưng vấn đề là thời điểm. Bởi lẽ, thứ nhất, lượng tồn kho của quốc gia này đến thời điểm hiện tại là trên 40 triệu tấn; thứ hai, vụ lúa chính trong năm đang thuận lợi, hứa hẹn cho sản lượng lớn và cuối cùng là cuộc bầu cử sẽ kết trong tháng 6-2024.

Lúa gạo Việt chịu sức ép giảm giá nếu Ấn Độ quay lại xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Lúa gạo Việt chịu sức ép giảm giá nếu Ấn Độ quay lại xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Áp lực giảm giá rất lớn

Bên cạnh Việt Nam và Thái Lan, thì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay, do đó, mọi thay đổi về chính sách của quốc gia này đều các tác động đến những quốc gia khác. Thực tế, ngay sau thời điểm Ấn Độ tạm ngưng xuất khẩu gạo trắng non-basmati, lập tức khiến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam tăng mạnh rất mạnh.

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu tháng 7-2023, tức thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ở mức 549 đô la Mỹ/tấn, thì bước sang tháng 8-2023 đạt mức 593 đô la Mỹ/tấn và liên tục tăng lên mức 618, 640, 667 và 668 đô la Mỹ/tấn ở các tháng 9, 10, 11 và 12-2023.

Ông Thành của Phước Thành IV cho rằng, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cho nên, việc “cắt” nguồn cung từ quốc gia này khiến các nước nhập khẩu dồn sang những nước xuất khẩu còn lại như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan… “Cung tăng cao đương nhiên sẽ đẩy giá lên”, ông nói và cho rằng, thời điểm lúc bấy giờ, nguồn cung lúa gạo trong nước của Việt Nam hạn chế nên khiến giá cả càng tăng cao hơn.

Tuy nhiên, trường hợp Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm, tức nguồn cung xuất khẩu dồi dào trở lại, thì chắc chắn sẽ khiến giá lương thực thế giới “hạ nhiệt”. “Thời gian đầu, các nhà nhập khẩu sẽ xem xét không vội mua vào vì thị trường có thông tin như vậy (Ấn Độ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm). Hay nói cách khác nhu cầu giảm, tức giá gạo của các quốc gia xuất khẩu sẽ giảm theo, gặp khó khăn hơn”, ông cho biết.

Ở khía cạnh thương mại, người mua chờ “nghe ngóng”, trong khi vụ hè thu 2024 của Việt Nam thường có chất lượng gạo không cao càng khiến giá lúa gạo thị trường nội địa lẫn giá xuất khẩu sẽ “hạ nhiệt” so với những tháng cuối năm ngoái.

Nhìn vào báo cáo thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam luôn trong xu hướng tháng sau thấp hơn tháng trước.

Theo đó, nếu như giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong tháng 1-2024 là 707,17 đô la Mỹ/tấn, thì bước sang tháng 2-2024 chỉ còn 663,25 đô la Mỹ/tấn và giảm xuống lần lượt ở mức 631 và 623 đô la Mỹ/tấn ở tháng 3 và 4-2024.

Như vậy, nếu kịch bản Ấn Độ quay lại “đường đua” xuất khẩu gạo xảy ra, thì chắc chắn giá gạo toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng chắc chắn sẽ còn đi xuống trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một nguồn tin của KTSG Online dự báo, khả năng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức tốt hơn so với thời điểm trước khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vào tháng 7 năm ngoái, tức giá bán sẽ cao hơn giá bán của nửa đầu năm 2023. Bởi lẽ, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Philippines vẫn chuộng gạo Việt hơn vì “hợp khẩu vị” và là gạo mới…

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dieu-gi-se-den-neu-an-do-quay-lai-duong-dua-xuat-khau-gao/