Điều gì sẽ xảy ra Trái Đất không còn muỗi?
Tiêu diệt tất cả muỗi trên hành tinh có phải là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của những bệnh do loài vật này mang tới?
Trong suốt lịch sử loài người, các cuộc chiến tranh và xung đột được ước tính đang mang tới cái chết cho khoảng 1 tỷ người, nhưng con số này chưa là gì so với số lượng con người bị muỗi "giết chết", theo tạp chí Nature, trong 50.000 năm qua, muỗi là loài động vật khiến cho con người phải bỏ mạng nhiều nhất. Trong thời hiện đại, trung bình có hàng trăm nghìn người chết mỗi năm do các bệnh do muỗi truyền như sốt rét.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2020, muỗi là vật trung gian truyền các loại vi rút chính như sốt rét, Zika, vi rút Tây sông Nile và sốt xuất huyết. Loài muỗi Anopheles gambiae thường được coi là "loài nguy hiểm nhất trên Trái đất". Vì vậy, xét mức độ nguy hiểm của muỗi đối với con người, chúng ta có nên diệt hết chúng không? Nếu chúng ta thực hiện những biện pháp cực đoan như vậy thì hậu quả sẽ như thế nào?
Mặc dù một số loài muỗi nguy hiểm đối với con người, nhưng không phải tất cả các loài muỗi đều có hại, có những loài muỗi cả đời không bao giờ hút máu người, chúng thích mật ong, nhựa cây và mật hoa. Có khoảng 3.500 loài muỗi trên thế giới, nhưng chỉ có khoảng 100 loài có thể ăn máu người và truyền bệnh cho người.
Ví dụ: Muỗi Culiseta, thường xuyên cắn người nhưng chúng lại là loài không mang đến bất kỳ bệnh lây nhiễm nguy hiểm cho con người, và muỗi Toxorhychites hay còn được gọi là muỗi voi, chúng thích ăn đường, mật hoa và được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, thường sống trong các khu rừng.
Vì vậy, thay vì tiêu diệt tất cả các loài muỗi, có thể cần phải nhắm đến các loài muỗi gây hại cho con người, chẳng hạn như: Aedes aegypti, loài mang bệnh sốt vàng da và virus Zika, chúng được lan rộng từ châu Phi trong quá trình buôn bán nô lệ vào thế kỷ 15 và 19, qua thương mại châu Á vào thế kỷ 18 và 19, và thông qua việc huy động quân đội trong Thế chiến thứ hai.
Các loài muỗi khác có hại cho con người bao gồm một số loài Anopheles và Culex, chúng mang nhiều bệnh bao gồm: sốt rét, sốt xuất huyết, Tây sông Nile, sốt vàng da, Zika, cũng như bệnh giun chỉ chikungunya và bạch huyết. Bệnh giun chỉ bạch huyết, thường được gọi là bệnh phù chân voi, gây sưng đau hệ thống bạch huyết, đặc biệt là ở chân, tay hoặc cơ quan sinh sản.
Nếu con người quyết định loại bỏ muỗi mang bệnh một cách có chọn lọc, sẽ có một số lựa chọn, một trong số đó là phương pháp tiếp cận có mục tiêu, chẳng hạn như thả muỗi mang Wolbachia nhân tạo, đây được cho là loài vi khuẩn đã được sử dụng để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở muỗi Aedes aegypti, mang vi khuẩn Wolbachia sẽ khiến cho virus bên trong cơ thể của chúng khó sinh sản. Do đó, muỗi mang Wolbachia ít có khả năng truyền virus có hại cho người hơn. Chiến lược cuối cùng có thể "ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh" chính là khiến muỗi trở nên vô hại một cách hiệu quả. Một cách tiếp cận khác là thả những con muỗi biến đổi gen vào trong tự nhiên. Một khi chúng giao phối với những con muỗi có khả năng truyền virus, chúng sẽ không thể sinh sản, dẫn đến suy giảm số lượng muỗi.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể nhắm mục tiêu vào các loài muỗi có hại? Mặc dù tập trung vào một loài cụ thể "có thể" là một giải pháp khả thi và hiệu quả về chi phí, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu để xác định khả năng tồn tại của nó, vì có nhiều loài muỗi khác nhau lây lan virus sốt rét ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Vì vậy, nếu chúng ta chọn "chiến lược đại khai sát giới" thì việc diệt hết các loài muỗi có khả thi hay không? Hậu quả sẽ như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản, chúng ta không chắc điều gì sẽ xảy ra.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết tác động của việc loại bỏ tất cả muỗi sẽ như thế nào đối với hệ sinh thái, và cho rằng muỗi là nguồn thức ăn chính cho nhiều loài động vật, bao gồm: dơi, chim, ếch và chuồn chuồn, thì việc loại bỏ chúng hoàn toàn có thể dẫn đến một số tác động sinh thái, ít nhất là trong ngắn hạn. Ví dụ: Chuồn chuồn có thể nuốt chửng 100 con muỗi mỗi ngày, và nếu lũ muỗi biến mất, ít nhất chúng có thể cần thay đổi thói quen ăn uống, giống như nhiều loài khác.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu dứt điểm, nhưng nếu có thể tiêu diệt tất cả các loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt rét và các bệnh khác, ngay cả khi hành động đó có nghĩa là loại bỏ tất cả các loài muỗi vô hại đối với con người, thì nó sẽ ngăn chặn được hàng trăm nghìn cái chết mỗi năm và điều này cũng có thể xóa bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoại trừ Nam Cực và Iceland, hầu như tất cả các khu vực trên Trái đất đều thích hợp cho muỗi sinh sống và sinh sản, nếu chúng biến mất có thể dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái, ngoài ra sức sống của loài muỗi vô cùng mạnh mẽ, do đó rất khó để khiến cho chúng biến mất hoàn toàn.
Nhiều loài muỗi là một phần quan trọng của mạng lưới thức ăn sinh thái và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với con người. Muỗi là một quần thể sinh học thành công trên Trái đất. Nếu con người quyết tâm sống trong một thế giới không có muỗi, lựa chọn tốt nhất là chuyển đến Iceland, nhưng tại đó có thể có những sinh vật nguy hiểm khác đang chờ đợi chúng ta, chẳng hạn như gấu Bắc Cực.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dieu-gi-se-xay-ra-trai-dat-khong-con-muoi-7202263101449593.htm