Điều gì thúc đẩy đà tăng 'sốc' trên thị trường tiền điện tử?
Đà phục hồi của thị trường tiền điện tử là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như giá Bitcoin tăng vọt, sự phát triển về quy định và các sự kiện giảm một nửa Bitcoin hay phê duyệt ETF Ethereum...
Những yếu tố thúc đà tăng thị trường
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu ở mức 2.300 tỷ USD vào ngày 29/2 đã phản ánh mức tăng 7,2% trong vòng 24 giờ qua. Trong đó, DeFi (tài chính phi tập trung) đóng góp 14,37 tỷ USD, chiếm 7,34% tổng khối lượng, trong khi stablecoin chiếm ưu thế với khối lượng 175,94 tỷ USD, chiếm 89,84%. Bitcoin (BTC) duy trì sự thống trị ở mức 53,02%, sau khi chạm mốc 64.000 USD/BTC đầy kinh ngạc.
Ethereum (ETH), loại tiền điện tử lớn thứ hai hiện có giá trị 3.474,54 USD, đánh dấu mức tăng 6,79% so với trước đó một ngày. Các loại tiền điện tử lớn khác như BNB, SOL và XRP cũng có mức tăng đáng chú ý lần lượt là 4,62%, 14,3% và 3,83%. Ngay cả các đồng meme coin cũng tham gia vào “con sóng lớn” này với Dogecoin chứng kiến mức tăng giá 38% và Pepe Coin có mức tăng 18,4%.
Chuyên gia tại Coingape nhìn nhận, sự gia tăng đột biến của thị trường tiền điện tử nói chung có thể do một số yếu tố chính như sau: Thứ nhất, Bitcoin vẫn thể hiện ngôi vị thống trị và là loại tiền điện tử hàng đầu. Khi nó đã đạt đến mức cao nhất chưa từng thấy trong 27 tháng, sẽ có xu hướng thu hút sự chú ý và ảnh hưởng đến tâm lý chung trên thị trường. Hơn nữa, việc Bitcoin chiếm 53,02% tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử cũng tác động trực tiếp đến hiệu suất và thường quyết định hướng di chuyển của các loại tiền điện tử khác kèm theo.
Thứ hai, trong quá trình phục hồi của thị trường, những thay đổi trong quy định ít nhiều ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư. Đơn cử như tranh chấp pháp lý đang diễn ra của Ripple với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2024 và làm dấy lên suy đoán về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai bên có thể đạt được.
Thứ ba, dự đoán về việc giảm một nửa Bitcoin sẽ xảy ra sau khoảng 50 ngày nữa đang thúc đẩy niềm tin của thị trường. Nhìn lại lịch sử, các sự kiện giảm một nửa Bitcoin trong quá khứ đã dẫn đến mức tăng giá đáng chú ý, điều này càng thúc đẩy sự lạc quan của những người quan tâm đến tiền điện tử. Tương tự, hy vọng SEC sẽ sớm phê duyệt Quỹ giao dịch trao đổi Ethereum (ETF ETH) cho thấy triển vọng tích cực đối với đồng tiền điện tử lớn thứ hai thế giới.
Thứ tư, chỉ số sợ hãi và tham lam của thị trường tiền điện tử hiện ở mức 86, cho thấy trạng thái tham lam tột độ. Điều này cho thấy tâm lý thị trường rất tích cực và mang tính đầu cơ cao. Các nhà đầu tư và giao dịch đang thể hiện niềm tin mạnh mẽ về tương lai của tiền điện tử, có thể giá các đồng tiền sẽ còn tăng thêm, do đó nhà đầu tư giữ tâm lý háo hức mua vào hoặc nắm giữ vị thế của họ.
Lòng tham cực độ này thường trùng hợp với nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO), khi các nhà đầu tư lo lắng về việc bỏ lỡ lợi nhuận tiềm năng và lao vào thị trường hoặc tăng lượng nắm giữ một cách vội vàng. Do mức độ tham lam cao này, hành vi đầu cơ trở nên phổ biến, khiến các nhà đầu tư tập trung hơn vào việc theo đuổi lợi nhuận nhanh chóng thay vì đưa ra các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên phân tích cơ bản hoặc kỹ thuật.
“Có thể nói, sự phục hồi của thị trường tiền điện tử ngày nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm sự tăng vọt của Bitcoin, sự phát triển về quy định, dự đoán về các sự kiện quan trọng như giảm một nửa Bitcoin và phê duyệt Ethereum ETF, cũng như tâm lý chung của thị trường được đặc trưng bởi lòng tham cực độ. Khi thị trường tiếp tục phát triển, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư là luôn cập nhật thông tin và thận trọng trong bối cảnh giao dịch tiền điện tử đầy năng động này”, chuyên gia tại Coingape cảnh báo.
Sự chú ý tăng vọt tại Trung Quốc
Trung Quốc - đất nước vốn giữ thái độ “diều hâu” với lĩnh vực tiền điện tử, cũng đang có thay đổi trong thái độ người dân trước đà tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin. Sự thu hút sự chú ý về Bitcoin đang ngày càng tăng từ người dùng Internet tại đây và trở thành chủ đề thịnh hành trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội lớn.
Vào ngày 28/2, Bitcoin được xếp hạng là thuật ngữ được tìm kiếm nhiều thứ 11 trên dịch vụ blog Weibo. Theo WeChat Index, mức độ phổ biến của Bitcoin cũng tăng hơn 358% so với một ngày trước trên siêu ứng dụng WeChat ở đất nước tỷ dân.
Sự quan tâm mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc về sự tăng giá của Bitcoin đã phản ánh cách một cộng đồng những người đam mê tiền điện tử ở đại lục tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp lập trường cứng rắn của Bắc Kinh chống lại tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử.
Theo báo cáo của Reuters vào tháng 1/2024, đầu tư vào tiền điện tử gần đây đã trở nên hấp dẫn hơn đối với một số người ở đại lục, khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục lao dốc trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đáng chú ý, giao dịch tiền điện tử thông qua một số sàn giao dịch lớn vẫn hoạt động tích cực ở Trung Quốc, khi các nhà giao dịch sử dụng một loạt giải pháp để vượt qua những hạn chế được thực hiện bởi cơ quan quản lý.
Trong bảng xếp hạng của công ty nghiên cứu Chainalysis về việc áp dụng tiền điện tử ở 20 quốc gia lớn, Trung Quốc đại lục chiếm vị trí số 11 vào năm 2023, sau khi xếp thứ 10 vào năm 2022. Đồng thời, quốc gia này đứng thứ 13 về khối lượng giao dịch ngang hàng vào năm ngoái, tăng từ vị trí thứ 144 vào năm 2022.
Giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Bitcoin Swan - Cory Klippsten nhìn nhận, xu hướng công nghệ mới của Bitcoin đã bắt đầu từ năm 2023 bao gồm tác động từ việc nâng cao hiệu quả giao dịch và quyền riêng tư. Vì vậy năm 2024, trong bối cảnh tài chính toàn cầu còn bất định, Bitcoin càng thu hút sự chú ý từ các cá nhân, tổ chức. Sự tăng trưởng của Bitcoin là tự nhiên, không có sự kiểm soát tập trung và được thúc đẩy bởi hàng triệu người trên toàn thế giới đang dần nhận ra lợi ích của nó.