Điều gì xảy ra khi Canada chặn dòng dầu chảy sang Mỹ?

Một cuộc chiến thương mại lớn giữa Mỹ và Canada đã được ngăn chặn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý hoãn áp thuế 25% trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, sự phẫn nộ đã bùng nổ tại Canada, khi nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ, thậm chí còn đề xuất ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Trudeau. Ảnh AFP

Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Trudeau. Ảnh AFP

Tuy nhiên, chặn dòng chảy dầu thô sang Mỹ có thể gây tổn thất kinh tế trầm trọng cho Canada, vì nước này bán gần như toàn bộ lượng dầu thô của mình sang Mỹ thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu.

Hơn nữa, sau hàng chục năm duy trì quan hệ thương mại mật thiết theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), việc Canada đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. NAFTA từng được ông Trump đàm phán lại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ năm 2017 đến năm 2021.

Về lý thuyết, Canada có thể ngăn chặn dòng chảy dầu vào Mỹ như một biện pháp gây sức ép buộc ông Trump phải rút lại lời đe dọa áp thuế. Nhưng làm vậy sẽ phá vỡ nguồn cung dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở miền đông Canada, vì các đường ống này phải đi qua lãnh thổ Mỹ.

Hệ thống đường ống dẫn dầu của Canada hoạt động thế nào?

Điểm mấu chốt nằm ở cách hệ thống đường ống của Canada được thiết lập. Dầu thô chủ yếu được khai thác ở miền tây Canada, nhưng phải đi qua Mỹ để đến được miền đông Canada.

Phần lớn dầu thô được khai thác tại Lưu vực Trầm tích Tây Canada (WCSB), bao gồm các tỉnh British Columbia, Alberta, Saskatchewan và Manitoba.

Dầu thô sau đó được vận chuyển qua các đường ống đi xuyên qua Mỹ để đến các tỉnh bờ đông Canada như Ontario và Quebec, nơi chúng được tinh chế. Như vậy, hệ thống đường ống – một trong số đó được xây dựng từ những năm 1950 – không chỉ phục vụ các nhà máy lọc dầu ở Mỹ mà còn ở Canada.

“Canada và Mỹ đã có quyết định trong việc tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng của họ”, Gitane De Silva, cựu CEO của Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada (CER), chia sẻ với AFP. “Điều này đã diễn ra từ rất lâu rồi”, bà nói.

Canada xuất khẩu bao nhiêu dầu sang Mỹ?

Gần như toàn bộ dầu thô xuất khẩu của Canada – khoảng 97% – đều được đưa sang Mỹ vào năm 2023, theo CER.

Vào năm 2022, 60% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Năm 2024, Canada khai thác khoảng 5,7 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày, theo Hiệp hội Các nhà khai thác Dầu khí Canada. Trong đó, khoảng 4,3 triệu thùng dầu mỗi ngày được xuất khẩu sang Mỹ.

Liệu Canada có thể ngừng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ?

Về lý thuyết thì có, nhưng trên thực tế thì rất khó xảy ra, theo các chuyên gia. Chính phủ liên bang, xét trên lý thuyết, có quyền chặn xuất khẩu dầu. Nhưng bà De Silva cho biết điều này rất phức tạp, vì Canada là một liên bang, có nghĩa là Chính phủ trung ương và các tỉnh bang chia sẻ quyền lực với nhau. Việc khai thác dầu thuộc quyền quản lý của các tỉnh.

“Chắc chắn có những vấn đề pháp lý diễn ra, vì Canada chưa bao giờ làm điều này trước đây”, bà De Silva nói với Al Jazeera, đồng thời cho rằng động thái này có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng hiến pháp nội bộ”.

Một vấn đề khác là nếu ngừng xuất khẩu dầu, Canada sẽ lưu trữ lượng dầu thừa ở đâu. “Khi đường ống đã đầy, việc tìm thêm không gian chứa 4 triệu thùng dầu mỗi ngày là cực kỳ khó khăn”, bà De Silva nói.

Ngoài ra, nếu Chính phủ Canada quyết định cắt nguồn cung dầu cho Mỹ, thì một câu hỏi khác sẽ nảy sinh: Làm thế nào để các tỉnh phía đông Canada – gồm Ontario, Quebec và New Brunswick – có thể tiếp tục nhận dầu? Điều này đặt ra nguy cơ Mỹ có thể đáp trả bằng cách chặn dòng dầu chảy qua lãnh thổ của họ đến miền đông Canada.

Theo Hiệp định về đường ống vận chuyển giữa Mỹ và Canada năm 1977, không một cơ quan công quyền nào ở Mỹ hay Canada được thực hiện bất kỳ biện pháp nào nhằm cản trở, chuyển hướng hay can thiệp vào việc vận chuyển dầu khí đang trong quá trình trung chuyển.

Dù các vi phạm hiệp ước có thể bị kiện ra tòa, nhưng bà De Silva lo ngại về mức độ coi trọng của chính quyền Trump với các hiệp ước quốc tế: “Với chính quyền Trump, tôi không chắc họ sẽ tập trung vào những hiệp định này”.

Tháng trước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), ông Trump tuyên bố: “Chúng tôi không cần dầu khí của Canada, vì chúng tôi có nhiều hơn bất kỳ ai”. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ khoan thêm dầu để bù đắp cho khả năng Canada ngừng cung cấp dầu.

Có một số phương án thay thế để vận chuyển dầu thô từ miền tây Canada sang miền đông, bao gồm đường sắt, xe tải, đường biển và tàu chở dầu. Tuy nhiên, bà De Silva nhấn mạnh: “Đường ống vẫn là cách an toàn nhất để vận chuyển dầu khí. Đây cũng là phương án hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Do đó, những phương án thay thế sẽ không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng vẫn có thể là một lựa chọn nếu cần”.

Theo dữ liệu năm 2024 từ Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada (CER), 89,6% dầu thô xuất khẩu của Canada được vận chuyển qua hệ thống đường ống. Phần còn lại được đưa đi bằng đường sắt và các phương thức khác.

“Canada đang tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho dầu của mình”, bà De Silva cho biết. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa có giải pháp tức thời cho vấn đề này.

Ngay trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Canada đã đối mặt với những lo ngại về việc phải cải tổ chiến lược đường ống của họ. Ngay ngày đầu nhậm chức, ông Biden đã hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL nối Canada với Mỹ vì lo ngại về biến đổi khí hậu.

“Đã đến lúc Canada cần xem lại chiến lược của mình, bởi vì với chính quyền mới, việc chỉ có một khách hàng duy nhất cho xuất khẩu có thể trở thành rủi ro rất lớn”, nhà kinh tế Miguel Ouellette nói trong một báo cáo của Viện Kinh tế Montreal (MEI) năm 2021.

Hãng vận hành đường ống Trans Mountain của Canada cho biết nếu ông Trump thực sự áp thuế, lượng dầu xuất khẩu sang châu Á dự kiến sẽ tăng lên, theo Reuters hôm thứ Ba tuần này. Một đường ống dẫn dầu đã được mở rộng vào năm ngoái để đưa dầu đến bờ biển Thái Bình Dương của Canada, từ đó dầu được vận chuyển bằng tàu đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Canada chịu ảnh hưởng ra sao nếu cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ?

Bà De Silva cho rằng nếu Canada cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ, điều đó cũng sẽ gây ra tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế của chính Canada. “Ngành dầu khí là động lực lớn nhất của nền kinh tế Canada”, bà nói. “Vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tôi nghĩ Chính phủ liên bang sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, do tác động trong nước có thể cũng nghiêm trọng không kém, hoặc thậm chí ngang bằng với ảnh hưởng tới Mỹ”, bà nhận định.

Những vấn đề nào khác đang bị đe dọa?

Năm 2022, 79,2% lượng dầu tinh chế của Canada có nguồn gốc từ Mỹ, theo dữ liệu từ Tổ chức Quan sát Độ phức tạp Kinh tế (OEC).

Mỹ nhập dầu thô từ Canada, tinh chế tại khu vực Trung Tây, sau đó bán lại cho Canada và các nước khác trên thế giới.

Bà De Silva cho biết một trong những lập luận Canada đang sử dụng để thuyết phục Mỹ không áp thuế là: “Canada xuất khẩu năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, an toàn, được khai thác với các tiêu chuẩn môi trường cao và cam kết nhân quyền. Chúng tôi bán dầu cho Mỹ với giá rẻ, sau đó các nhà máy lọc dầu Mỹ mua lại, tinh chế và bán ngược lại cho Canada cũng như phần còn lại của thế giới với mức giá đã được đội lên đáng kể”.

Nếu thuế quan tăng, giá nhiên liệu có thể bị đẩy lên cao, khiến lạm phát gia tăng. Điều này cũng dự kiến ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu, dẫn đến tình trạng mất việc làm – tác động tiêu cực đến Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau, khi Canada sắp bước vào cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-canada-chan-dong-dau-chay-sang-my-723925.html