Điều gì xảy ra khi làm việc trên giường suốt 1 năm
Chiếc giường biến thành nơi làm việc yêu thích của nhiều người khi 'work from home'. Nhưng cảm giác thoải mái chỉ có lúc đầu, còn sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng xấu.
Đối với nhiều người, làm việc tại nhà (work from home) đồng nghĩa với chuyện làm việc ngay trên giường ngủ của mình (work from bed).
Chuyện mặc quần áo chỉnh tề, đi đến văn phòng được thay thế bằng việc rửa mặt, quay lại giường và bật máy tính, theo BBC.
Giường ngủ thành nơi làm việc
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái, 72% trong số 1.000 người Mỹ được hỏi cho biết giường ngủ là vị trí làm việc thường xuyên của họ kể từ khi đại dịch xảy ra.
Cứ 10 người thì có 1 người cho hay họ dành “hầu hết hoặc toàn bộ thời gian làm việc” (24-40 giờ) ở trên giường ngủ.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn với lớp người lao động trẻ tuổi. Trên Instagram, hashtag #WorkFromBed xuất hiện trong hàng nghìn bức ảnh. Nhiều người dùng khoe cảnh họ đang uống cà phê trong bộ đồ ngủ hay ăn sáng ngay tại nơi vừa tỉnh dậy.
Lý do khiến giường ngủ trở thành chỗ ngồi làm việc mới đến từ cảm giác thoải mái, tiện nghi mà nơi đặt lưng đem lại.
Với những người không có đủ điều kiện hay không gian để làm việc từ xa, giường ngủ trở thành lựa chọn duy nhất của họ. Nhưng với nhiều người khác, ngồi ở bàn máy tính hay bàn bếp sẽ không đem lại sự thư thái như chiếc giường của họ.
Tuy nhiên, thực tế là việc biến giường ngủ thành phòng làm việc có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, cả về tâm lý và thể chất, xuất hiện ngay trước mắt lẫn về sau.
“Cổ, lưng, hông và nhiều bộ phận khác nữa đều bị căng khi bạn ở trên một bề mặt mềm. Đặt cơ thể ở vị trí như vậy không hỗ trợ theo cách có lợi cho công việc”, Susan Hallbeck, giám đốc kỹ thuật hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mayo Clinic, một trong những viện nghiên cứu y tế lớn nhất ở Mỹ, cho biết.
Những chứng bệnh có thể phát sinh bao gồm từ đau đầu cho đến thoái hóa đốt sống, viêm khớp, nhức xương, đau dây chằng.
Nếu không còn nơi nào khác để ngồi làm việc, nữ chuyên gia khuyên mỗi người nên ngồi thẳng lưng, hướng đến “tư thế trung lập” - nghĩa là tránh dồn căng thẳng lên bất kỳ bộ phận nào.
“Dù bạn làm gì, hãy tránh nằm sấp để đánh máy. Nó thực sự làm căng cổ và khuỷu tay”.
Người trẻ dễ thành nạn nhân
Khi duy trì thói quen làm việc trên giường trong suốt một năm, không chỉ cơ thể bị “tàn phá”, cả năng suất và thói quen ngủ cũng bị ảnh hưởng xấu.
“Là một chuyên gia về giấc ngủ, tôi thường khuyên mọi người rằng chiếc giường chỉ nên để dành cho ba chữ S: khi đi ngủ (sleep), khi quan hệ tình dục (sex) và khi bị ốm (sick)", Rachel Salas, phó giáo sư thần kinh học và chuyên gia giấc ngủ tại Đại học Johns Hopkins ở Maryland, nói.
“Bạn càng xem TV, chơi trò chơi điện tử trên giường, não của bạn bắt đầu hình thành khái niệm có thể thực hiện bất cứ hoạt động khác ở chỗ nằm ngủ. Nó bắt đầu xây dựng những liên kết và cuối cùng phát triển thành hành vi có điều kiện”, Rachel phân tích.
“Vì vậy, khi bạn thiết lập máy tính xách tay, điện thoại, màn hình phát sáng mà công việc yêu cầu hàng ngày, não và cơ thể của bạn cuối cùng sẽ ngừng kết hợp giữa giường ngủ với sự nghỉ ngơi. Đó là lý do đại dịch còn dẫn đến chứng mất ngủ”, nữ chuyên gia nói, đề cập đến sự gia tăng đột biến trên toàn cầu về chứng mất ngủ và rối loạn giấc ngủ từ khi Covid-19 xuất hiện.
Điều này lại dẫn tới tình trạng cơ thể thấy mệt mỏi, đau nhức và khả năng làm việc hiệu quả, mức độ sáng tạo hay tập trung cũng giảm sút.
Susan Hallbeck chỉ ra những người trẻ tuổi đặc biệt có khả năng là nạn nhân của những thói quen xấu này bởi họ không cảm thấy “sự căng thẳng cơ thể phải chịu” ngay lập tức. Tuy nhiên, càng nằm trên giường làm việc lâu thì tác hại càng rõ.
Tại Anh, người lao động từ 18 đến 34 tuổi ít dùng bàn ghế làm việc tại nhà và nằm trên giường làm việc nhiều hơn gấp đôi so với người trung niên hoặc cao tuổi.
"Họ sẽ không cảm thấy điều đó ngay bây giờ. Nhưng khi già đi, các triệu chứng sẽ đày đọa cơ thể", Susan nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-lam-viec-tren-giuong-suot-1-nam-post1185840.html