Điều gì xảy ra khi phương Tây loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT?
Nhà Trắng ngày 26-2 thông báo Mỹ và đồng minh nhất trí loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT (tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới).
SWIFT là một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Vào năm 2020, khoảng 38 triệu "tin nhắn FIN" SWIFT được gửi mỗi ngày qua nền tảng SWIFT. Mỗi năm, hàng ngàn tỉ USD được chuyển bằng cách sử dụng hệ thống này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định việc loại các ngân hàng thương mại ra khỏi SWIFT "sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế, khiến khả năng hoạt động trên toàn cầu của họ bị tổn hại".
Cũng theo bà von der Leyen, những ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ không thể thực hiện phần lớn giao dịch tài chính trên thế giới.
Các công ty và cá nhân Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu, cũng như vay mượn hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Các ngân hàng Nga có thể sử dụng các kênh khác để thanh toán như điện thoại, ứng dụng nhắn tin hoặc e-mail. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Nga thực hiện thanh toán qua ngân hàng ở các quốc gia không áp lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, do các giải pháp thay thế có thể không hiệu quả và an toàn bằng nên khối lượng giao dịch nhiều khả năng sẽ giảm và chi phí tăng.
Động thái trừng phạt mới nhất từ phương Tây cũng có thể hạn chế việc Nga sử dụng hơn 630 tỉ USD dự trữ ngoại tệ để đối phó với tác động kinh tế.
Theo báo USA Today, việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ làm tổn hại kinh tế Nga tức thì và về lâu dài, nước này sẽ bị cô lập khỏi một loạt giao dịch tài chính toàn cầu, bao gồm lợi nhuận quốc tế từ sản xuất dầu và khí đốt vốn chiếm hơn 40% doanh thu của Nga.
Khi Iran bị loại khỏi SWIFT vào năm 2012 vì chương trình hạt nhân, quốc gia này mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu thương mại quốc tế, chuyên gia Alexandra Vacroux của Trường ĐH Harvard (Mỹ) cho biết.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là: Những quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau khi Nga bị loại khỏi SWIFT?
Các nhà xuất khẩu sẽ thấy việc bán hàng hóa sang Nga rủi ro và tốn kém hơn. Trong khi đó, những người mua hàng hóa Nga từ nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn hơn, có khả năng buộc họ phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Dù vậy, khi nói đến dầu và khí đốt Nga, người mua từ nước ngoài có thể khó tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi Nga là nhà cung cấp chính của Liên minh châu Âu (EU) về dầu thô, khí đốt và nhiên liệu hóa thạch rắn, theo EC.
SWIFT quan trọng đối với Nga chủ yếu vì hệ thống này cho phép các công ty năng lượng của họ nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới.
Cùng với các đợt trừng phạt trước đó được phương Tây áp lên các ngân hàng Nga, việc Nga bị loại khỏi SWIFT khiến các công ty xuất khẩu của nước này gần như không thể giao thương quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ làm suy yếu khả năng của các quốc gia và tổ chức khác trong việc chi trả cho năng lượng của Nga, dẫn đến việc giá dầu và khí đốt leo thang. Các chủ nợ cũng sẽ rất khó để lấy lại tiền của họ từ các công ty Nga.
Về lâu dài, việc loại Nga ra khỏi SWIFT cũng có thể làm suy giảm tầm quan trọng của hệ thống này, đặc biệt khi Nga và các quốc gia khác, như Trung Quốc, đang tăng tốc chuyển dịch sang những nền tảng thay thế để tránh động thái tương tự được sử dụng chống lại họ.