Điều gì xảy ra khi UAV cùng siêu tiêm kích F-35 tấn công tổng lực?

Trong tương lai, các máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ AI hứa hẹn sẽ cùng chiến đấu bên cạnh với máy bay tiêm kích F-35 nhằm tối ưu sức mạnh tấn công toàn diện trong nhiều nhiệm vụ quân sự, góp phần giảm thiểu những rủi ro liên quan đến yếu tố con người.

Thế giới đang nhìn nhận một thực tế rằng, công nghệ UAV đang dần thay đổi cục diện chiến tranh hiện đại. Hay nói cách khác, trong tương lai, UAV có khả năng lên ngôi và thay thế các vũ khí truyền thống, cũng như hạn chế yếu tố con người trên các trận địa.

UAV tiền phương sẽ hỗ trợ đắc lực cho tiêm kích F-35 trong các cuộc không chiến. ( Nguồn: DW)

UAV tiền phương sẽ hỗ trợ đắc lực cho tiêm kích F-35 trong các cuộc không chiến. ( Nguồn: DW)

Kỷ nguyên vàng của UAV

Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, sự phát triển của thông tin liên lạc cùng xu thế thiết kế tinh gọn của công nghệ đã mở ra một kỷ nguyên vàng UAV vũ trang. Ngoài nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đơn thuần, chúng còn là vũ khí siêu lợi hại.

Hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại được thiết kế để chống lại các mối đe dọa từ máy bay phản lực tàng hình và máy bay ném bom hạng nặng. Vậy nên, cuộc tấn công liên quan đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm UAV phối hợp cùng lúc từ nhiều hướng khác nhau sẽ tạo đòn tấn công bất ngờ khiến địch không kịp trở tay.

Chiến thuật UAV như vậy có khả năng áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương ngay cả khi cuộc tấn công bị phát hiện ngay từ đầu. Với ưu điểm hình dáng nhỏ gọn, hoạt động dưới tầm quét của radar và tương đối gần mặt đất hoặc mặt biển nên các UAV có thể nhanh chóng ẩn náu và khó phát hiện. Có thể nói, bất kể UAV nào, dù phức tạp hay đơn giản, cũng đủ gây nguy hiểm cho đối phương nếu chúng được sử dụng đúng cách và đủ số lượng.

Trong các xung đột nóng bỏng gần đây tại khu vực Kavkaz, UAV đã làm thế giới sửng sốt trước uy lực mạnh mẽ khi liên tục tấn công tăng thiết giáp, pháo binh và tên lửa phòng không. Lối đánh của chúng nhanh gọn, hiểm hóc và đầy bất ngờ. Điều này mang lại lợi thế lớn cho lực lượng sở hữu UAV trong kỷ nguyên chiến đấu hiện đại.

UAV là một phương tiện khả năng sử dụng linh hoạt từ vũ khí tầm gần đến vũ khí tầm xa, làm nhiễu loạn mạng lưới phòng không của đối phương, cho phép tấn công trúng mục tiêu mà không nguy hiểm gì cho người điều khiển.

Bên cạnh đó, nhu cầu về một loại vũ khí UAV đã thúc đẩy sự phát triển của các loại “bom đạn chính xác siêu nhỏ”, điển hình là tên lửa mini GBU-44 /B Viper Strike. Vì vậy, một hệ thống phòng không yếu kém và bị động trước các mối đe dọa từ UAV chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, UAV cũng không phải là vũ khí độc quyền của một cường quốc quân sự như trước bởi chi phí phát triển thiết bị này tương đối rẻ so với không quân truyền thống.

Tiêm kích được săn đón nhất hành tinh

Được đánh giá là chương trình vũ khí đắt tiền nhất trong lịch sử quân sự thế giới, tiêm kích Lockheed Martin F-35 Lightning II được thiết kế để hoạt động như một máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm. Tiêm kích siêu thanh này có thể thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công trực diện, đồng thời cung cấp khả năng tác chiến điện tử và tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), mang lại những lợi thế chiến thuật trên các chiến trường công nghệ cao.

Việc kết hợp giữa F-35 và UAV tạo thế tấn công tổng lực liên hoàn giáng xuống đầu kẻ thù. (Nguồn: National Interest)

Việc kết hợp giữa F-35 và UAV tạo thế tấn công tổng lực liên hoàn giáng xuống đầu kẻ thù. (Nguồn: National Interest)

Ngoài khả năng giám sát và trinh sát giống như UAV, những tiến bộ khoa học cho phép F-35 tích hợp công nghệ nhắm bắn mục tiêu có hỗ trợ AI, cảm biến tầm xa, hệ thống điều hướng tiên tiến.. có thể hỗ trợ hiệu quả lực lượng mặt đất.

Việc giao tiếp giữa các đơn vị mặt đất và F-35, có thể tối ưu hóa việc ngắm bắn mục tiêu, kết nối mạng dữ liệu và cải thiện phương pháp tấn công chiến thuật bất khả thi trước đây. Các nhà phát triển vũ khí đã quan tâm đến khả năng phối hợp này từ lâu, trong đó có cả kế hoạch tích hợp F-35 vào Dự án Hội tụ trong tương lai

Với khả năng kết nối không đối đất được nâng lên cấp độ mới, F-35 sẽ dễ dàng khai phá nhiều vị trí tốt hơn khi tấn công. Thiết kế của F-35 ngày càng phát triển để hỗ trợ tấn công mục tiêu tầm gần. Nhờ mạng lưới các cảm biến tích hợp, F-35 có thể nhanh chóng tổng hợp và xử lí các thông tin tình báo lực lượng mặt đất và bắn tên lửa không đối đất sau đó.

F-35 được trang bị pháo 25mm và có khả năng tải và bắn nhiều loại vũ khí như tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM, đạn tấn công trực tiếp liên hợp JDADM, bom dẫn đường bằng laser GBU 12. Đặc biệt, tên lửa không đối không AIM 9X Sidewinder có khả năng nhắm mục tiêu và tiêu diệt kẻ thù ở điểm mù của F-35. Ở phiên bản 2020, F-35 được bổ sung vũ khí theo dõi chính xác tầm xa mới StormBreaker giúp phát hiện, phân loại và theo dõi một loạt các mục tiêu cả di chuyển và đứng yên trong mọi điều kiện thời tiết.

Khả năng tàng hình nổi bật của F-35 nhờ vào khung máy bay được chế tạo bằng vật liệu hấp thụ sóng radar và được tính toán chính xác để giảm thiểu sự phản xạ của sóng radar. Ngoài lớp vỏ ngoài bằng composit liền mạch thì hệ thống tản nhiệt chạy dưới cánh còn giúp kiểm soát nhiệt để F-35 tránh khỏi các cảm biến của đối phương.

UAV - F-35, “cặp đôi hoàn hảo” trên không?

Chiến thuật đồng độ trên không được triển khai theo hình thức phi công vừa điều khiển tiêm kích tàng hình, vừa điều khiển cả các UAV yểm trợ. UAV đi trước thực hiện các nhiệm vụ giám sát, thăm dò, vận chuyển tiếp tế và tham gia các cuộc phản công quy mô lớn. Khi đó, chúng hoạt động như một máy tiếp nhiên liệu hoặc thậm chí là tham gia tấn công.

UAV có thể yểm trợ và thực hiện các nhiệm vụ cùng F-35. (Nguồn: National Interest)

UAV có thể yểm trợ và thực hiện các nhiệm vụ cùng F-35. (Nguồn: National Interest)

Các UAV cũng có thể được sử dụng để bảo vệ bộ khung đắt đỏ của F-35 Lightning, thay thế tiêm kích này thực hiện nhiệm vụ có tính rủi ro cao và quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng phi công.

UAV mini có thể bao phủ một khu vực giám sát, kiểm tra hoặc áp đảo radar của đối phương và thực hiện các nhiệm vụ khi được vận hành bởi phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35. UAV thậm chí có thể biến thành quả bom biết bay tấn công và vô hiệu hóa hệ thống phòng không của địch. Đây là một trong những lí do thuyết phục các lực lượng không quân tăng cường đội UAV mini với số lượng khủng.

Bên cạnh đó, với lợi thế kích thước và khả năng thu hồi, UAV có nhiều triển vọng khi tham chiến với F-35. Khả năng chiến đấu của các UAC gần như không có giới hạn, bởi chúng vừa là tấm khiên trợ chiến cho F-35 nhưng cũng lại sẵn sàng xông pha vào khói lửa thay các máy bay có người lái. Một lợi thế khác là UAV có thể hoạt động bất cứ địa hình nào mà không cần đường băng hoặc cơ sở hạ tầng cố định.

Trên thực tế, vận hành nhiều UAV chiến đấu song song với F-35 cho phép mở rộng phạm vi góc tấn công và khả năng đánh chặn, đánh lạc hướng và rối loạn phản ứng của kẻ thù. Bên cạnh đó, các khu vực tấn công phân tán, độ cao, cảm biến và vũ khí đa dạng, đặt ra những chướng ngại vật đáng kể cho kẻ thù trong lúc phản kháng.

UAV hoạt động dưới sự điều khiển của phi hành đoàn F-35 gần đó có thể sử dụng các cảm biến tầm xa, có độ trung thực cao để tìm ra kẻ thù ẩn nấp dưới thống phòng không tiên tiến và qua mặt cảm biến trên không. Đồng thời, chúng giúp chia sẻ hình ảnh, video và dữ liệu tình báo trực tiếp từ UAV trên mặt đất với lực lượng tàu khu trục ở ngoài khơi và các phi công của đội F-22 và B-21 để đồng loạt xuất kích.

Bên cạnh đó, các UAV do F-35 điều khiển có thể ngay lập tức báo hiệu cho các chỉ huy mặt đất nhả đạn pháo Excalibur 155mm điều hướng và dẫn đường chính xác về phía quân địch. Kịch bản tấn công phối hợp tổng lực mở ra một hành lang trên không và trên bộ cho các đoàn xe cơ giới mặt đất, bộ binh và các máy bay ít tàng hình nhanh chóng tiến công.

Một số chuyên gia đã sử dụng máy bay không người lái tàng hình chở dầu nhằm khắc phục nhược điểm khả năng mang nhiên liệu dự trữ hạn chế F-35. Tuy nhiên, một kế hoạch tiếp nhiên liệu theo dây chuyền như vậy có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc nếu máy bay mẹ bị đối thủ nhắm trúng.

(theo National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-uav-cung-sieu-tiem-kich-f-35-tan-cong-tong-luc-129585.html