Điều gì xảy ra nếu ông Trump thua trong bầu cử nhưng không chịu rời Nhà Trắng?
Đương kim Tổng thống từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sau đó ông thua trong bầu cử. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tổng thống Donald Trump đã từng gợi ý rằng ông sẽ không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 nếu ông thua. Giả sử ông Trump thua và từ chối rời Nhà Trắng, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chưa từng có sự kiện nào xảy ra giống như vậy trong lịch sử Hoa Kỳ, vì vậy rất khó để biết chắn chắn chính trường Mỹ sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, các nhà khoa học chính trị và sử học đã nói với tờ Live Science rằng họ hoàn toàn tin tưởng điều này sẽ không xảy ra.
Giả sử ông Joe Biden thắng với một biên độ đủ rộng để ông Trump không thể nghi ngờ có sự gian lận, thì không rõ lúc đó ông Trump có chịu chấp nhận thua hay không?. Ông Trump đã luôn nghi ngờ rằng sẽ có gian lận từ phe Dân chủ, mặc dù không đưa ra được bằng chứng nào.
Theo Tu chính án thứ 20, nếu ông Trump thua cuộc bầu cử, nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào trưa ngày 20 tháng 1 năm 2021. Lúc đó ông sẽ chính thức chuyển giao chiếc ghế Tổng thống cho ông Biden.
Theo ông Robert Shapiro, một giáo sư và cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Columbia, ngay cả khi ông Trump không đồng ý với kết quả thua, ông gần như chắc chắn sẽ bị buộc phải rời khỏi Nhà Trắng.
Chiến lược giành ghế của ông Trump là khá đặc biệt
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói trước công chúng rằng ông hy vọng sẽ giành chiến thắng thông qua các cuộc chiến tại tòa án.
Phân định chiến thắng tại tòa án không phải chưa từng xảy ra. Trong cuộc bầu cử năm 2000, Thống đốc Texas George W. Bush đã đánh bại Phó Tổng thống Al Gore không phải bằng số phiếu bầu nhiều hơn, mà bằng cách chiến đấu hiệu quả hơn trong các cuộc đấu tranh tại tòa án sau một kết quả kiểm phiếu mù mờ ở bang Florida.
Điều này không có nghĩa là việc sử dụng tòa án để phân xử cho chiếc ghế Tổng thống là bình thường. Phán quyết (5-4 nghiêng về ông Bush so với Al Gore) của Tòa án Tối cao năm đó được cho là một sai lầm. Đa số những người hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Bush nói rằng cách thức mà họ sử dụng (đưa ra tòa) không nên tạo thành một tiền lệ. Một trong số họ, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Sandra Day O’Connor sau đó đã tự hỏi công khai rằng đó có phải là một sai lầm hay không.
Nhưng có những sự khác biệt lớn giữa năm 2000 và 2020
Thứ nhất, ông Trump đã thực hiện một nỗ lực to lớn (mặc dù không hoàn toàn thành công) trước ngày bầu cử để ngăn người dân bỏ phiếu ở các bang chiến trường quan trọng. Các luật sư của Đảng Cộng hòa đã vận động khắp cả nước để việc bỏ phiếu vắng mặt trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, mặc dù ông Al Gore là Phó Tổng thống dưới thời ông Bill Clinton và ông Bush là anh của Thống đốc bang Florida (ông Jeb Bush), nhưng cả hai ứng viên đều không phải là Tổng thống vào thời điểm họ đấu tranh pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử. Nếu Tổng thống Trump sử dụng Tòa án Tối cao để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử như ông ấy đã đề xuất, ông là người đầu tiên sử dụng chiến thuật này trên cương vị đương kim Tổng thống. Trong số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao, có 1 người do Tổng thống Bush "cha" bổ nhiệm, 2 người do Tổng thống Bush "con" và 3 người do ông Trump bổ nhiệm trong thời gian qua. Như vậy có tới 6/9 thẩm phán "thân" Cộng hòa.
Và tất nhiên, cả ông Bush và Al Gore trước cuộc bầu cử đều không đe dọa sẽ sử dụng hình thức pháp lý để phân định thắng thua. Chỉ khi xác định có vài trăm phiếu bầu không chắc chắn thì ông Al Gore mới đấu tranh để kiểm phiếu lại còn ông Bush thì đấu tranh để ngừng kiểm phiếu.
Đánh cắp một cuộc bầu cử là khó
Ông Shapiro cho biết Tổng thống Trump đã tấn công vào “lãnh thổ chưa được khai thác” với những lời đe dọa về một cuộc chiến pháp lý cho chức Tổng thống. Nhưng bất chấp mọi ồn ào, ông Shapiro hy vọng rằng người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử sẽ trở thành Tổng thống.
"Trong cuộc bầu cử năm 2000, bang Florida đã mất cảnh giác. Không ai biết điều đó sẽ đến", ông nói. "Nhưng ở hiện tại, mọi người đều biết điều gì sẽ diễn ra”.
Cuối cùng, hy vọng của ông Trump về một bộ máy bầu cử quan liêu sẽ khó xảy ra.
“Mỗi cơ quan quản lý bầu cử của bang đều đang cố gắng hoàn thành việc điều hành cuộc bầu cử và kiểm phiếu. Họ biết điều gì sắp xảy ra và họ biết mình phải làm gì. Đây đều là những chuyên gia bầu cử, những người có chất lượng của các tiểu bang. Họ tự hào trong việc làm cho các cuộc bầu cử diễn ra thành công. Sẽ không có chuyện lạ lùng nào xảy ra”, ông Shapiro nói.
Và bất cứ điều gì lạ lùng diễn ra, đến một lúc nào đó nó sẽ phải kết thúc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong đêm bầu cử tại căn phòng phía Đông của Nhà Trắng ở thủ đô Washington, sáng sớm ngày 4/11/2020.
Luật liên bang quy định rằng sau khi có kết quả phiếu bầu phổ thông, các bang phải hoàn tất lựa chọn đại cử tri của họ vào ngày 8/12 của năm bầu cử. Và vào ngày 14/12, cử tri đoàn bỏ phiếu của họ - thường là với mỗi nhóm đại cử tri họp riêng ở tiểu bang của họ. Nếu nhiều đại cử tri hơn bầu cho Trump, ông ấy sẽ có lễ nhậm chức thứ hai. Nếu có nhiều phiếu bầu hơn cho Biden, ông ấy sẽ là tổng thống được bầu hợp pháp, vượt quá khả năng thách thức của tòa án. Thường thì các đại cử tri của bang nào sẽ bầu đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang đó.
Các ứng viên Tổng thống Mỹ luôn chấp nhận kết quả bầu cử
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump vẫn từ chối rời đi?
Cần nhắc lại là mặc dù ông Trump đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, nhưng ông vẫn chưa nói rõ ràng rằng ông sẽ từ chối kết quả đến cùng.
Khi được hỏi liệu có Tổng thống nào từng ám chỉ việc từ chối chấp nhận kết quả bầu cử hay không, Bruce Schulman, một nhà sử học tại Đại học Boston, nói “Không”.
Ông Schulman nói với Live Science: “Không có tiền lệ nào như vậy hoặc bất cứ điều gì thực sự giống như vậy”.
Có hai lần, vào năm 1824 và 1876, các cuộc bầu cử Tổng thống đã được phân định tại Hạ viện sau khi không có ứng cử viên nào giành được đa số cử tri đoàn, ông Schulman cho biết.
Năm 1824, Andrew Jackson, John Quincy Adams, Henry Clay và William Crawford đều tranh cử Tổng thống, không ai giành được đa số cử tri đoàn, và Hạ viện đã chọn ông Adams làm Tổng thống.
Còn cuộc tranh cử năm 1876 kết thúc khi đảng viên Cộng hòa Rutherford B. Hayes hứa với các đảng viên Dân chủ quốc hội rằng ông sẽ chấm dứt Tái thiết để đổi lấy lá phiếu của họ. Đó vẫn là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, như The Atlantic đã đưa tin. Nhưng trong cả hai trường hợp nói trên, người thua cuộc vẫn chấp nhận kết quả cuối cùng.
Cuộc bầu cử năm 1860 mặc dù dẫn đến một cuộc nội chiến, nhưng không gây ra bất kỳ tranh chấp nào về việc ai đã được bầu làm Tổng thống một cách hợp pháp, ông Schulman lưu ý.
Theo ông Noah Rosenblum, một nhà sử học tại Đại học Columbia, có một trường hợp nữa xảy ra vào năm 1800 cũng có thể đem so sánh với tình thế hiện nay của ông Trump. Đó là cuộc bầu cử năm 1800 giữa Tổng thống John Adams (một người thuộc phe Liên bang) và Phó Tổng thống Thomas Jefferson (một người thuộc phe Dân chủ-Cộng hòa).
Rosenblum nói: “Cuộc bầu cử đó là cuộc đọ sức giữa những người thuộc phe Liên bang với người thuộc Đảng Dân chủ-Cộng hòa, và cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Mỗi bên đều ý thức rằng, nếu bên kia chiến thắng, điều đó có nghĩa là sự kết thúc của Cộng hòa. Trước cuộc bầu cử, những người Liên bang - những người đang nắm quyền, đã hành động một cách mạnh mẽ và bất chấp để làm suy yếu các đối thủ Dân chủ-Cộng hòa của họ, bao gồm cả việc không thèm đếm xỉa đến Đạo luật Alien và Sedition khi bỏ tù Tổng biên tập các tờ báo của Đảng Dân chủ-Cộng hòa".
“Tuy nhiên, sau khi những người Liên bang thua trong cuộc bầu cử diễn ra sau đó, ông John Adams đã từ chức một cách hòa bình để ủng hộ Thomas Jefferson lên nắm quyền”, Rosenblum cho biết.
Vì vậy, viễn cảnh mà Tổng thống Trump từ chối chấp nhận một kết quả bầu cử đã được quyết định sẽ là rất kỳ lạ. Kể cả ở thế kỷ 19 với luật pháp thô sơ và lộn xộn nhưng người ta cũng không cư xử như vậy.
Nhưng nếu ông Trump vẫn không chịu rời Nhà Trắng sau khi phiếu phổ thông đã kiểm, tòa án đã ra quyết định, các đại cử tri đã bỏ phiếu thì sao?
Chúng ta đang giả định về tình huống kết quả bầu cử phổ thông đã xác định ông Biden thắng, ông Trump không đồng ý và kiện ra tòa. Tòa án sau đó cũng bác các kháng nghị về kiểm phiếu mà ông Trump đưa ra. Các đại cử tri không "lật kèo", vẫn bỏ phiếu cho ông Biden. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tại thời điểm đó, kết quả ai làm Tổng thống đã được chuyển cho Quốc hội (thường là trước ngày 23/12) và được chứng nhận tại Quốc hội vào ngày 6/1 bởi một Phó Tổng thống (sắp mãn nhiệm). Vào ngày 6/1, giả sử Hạ viện và Thượng viện chấp thuận Tổng thống mới là ông Biden. Vào thời điểm đó, nếu ông Trump không muốn rời Nhà Trắng, người ta không khó để xử lý sự “ngoan cố” này. Về mặt pháp lý, ông Trump sẽ chẳng thể làm gì để tiếp tục được nắm giữ quyền lực.
Ai sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ?
Một người nào đó sẽ được chọn để tuyên bố ông Biden là Tổng thống. Đó có thể là chánh án Tòa án tối cao hoặc là người thân của ông ấy. Tính đến trưa ngày 20/1, ông Biden sẽ chính thức là Tổng thống của Hoa Kỳ. Toàn bộ Cơ quan Mật vụ sẽ chỉ báo cáo cho ông ấy. Ông Donald Trump với tư cách là Tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ có một đội ngũ của Sở Mật vụ theo sát. Ông Biden dọn đến Nhà Trắng và các Mật vụ hộ tống ông Trump ra ngoài. Đó là những gì sẽ xảy ra. Tất cả các dịch vụ dân sự của chính phủ, mọi nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ đều chỉ báo cáo cho ông Joe Biden tại thời điểm chuyển giao quyền lực đó.
Ông Shapiro giả định rằng ông Trump có thể ngoan cố làm nhiều việc từ nay cho đến khi ông Biden nhậm chức (nếu ông Biden thắng cử) để gây rắc rối cho ông Biden.
“Chuyển đổi Tổng thống là một quá trình phức tạp. Hàng ngàn người được bổ nhiệm trong chính phủ liên bang, từ quản trị viên NASA đến quản lý cấp trung tại các cơ quan liên bang quan trọng cho đến các quan chức nội các, sẽ phải bị thay thế khi chính quyền Trump chuyển sang chính quyền Biden. Thông thường, các nhóm đi và đến làm việc chặt chẽ về vấn đề này. Nhưng ông Trump có thể đơn giản từ chối cho nhân viên ông Biden qua cửa trước khi nhậm chức, khiến việc bàn giao trở nên khó khăn hơn”, ông Shapiro nói.
Nhưng rồi cuối cùng thì chính quyền mới cũng sẽ phải ra mắt thay thế cho chính quyền cũ, và ông Trump cũng không bao giờ liều mình để chống lại Tu chính án thứ 20 và nhân dân Mỹ.