Điều gì xảy ra ở 4 vùng mới sáp nhập khi Nga thiết quân luật?
Max Bergmann, Giám đốc chương trình Châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: 'Thiết quân luật về cơ bản có nghĩa là cho phép quân đội ra quyết định, triển khai các nguồn lực khi cần thiết.'
Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/10 đã công bố quyết định thiết quân luật tại 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine vừa sáp nhập Nga là 2 nước cộng hòa tự xưng Donbass, vùng Kherson và Zaporozhye.
Các khu vực, vốn là tâm điểm trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, sáp nhập Nga hồi tháng trước sau khi tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Kiev và phương Tây không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Tổng thống Putin giải thích rằng 4 khu vực này trên thực tế đã áp lệnh thiết quân luật từ khi sáp nhập. “Giờ chúng ta cần chính thức hóa việc này theo khuôn khổ luật pháp của Nga”, ông Putin nói.
Đạo luật mà ông Putin viện dẫn có từ năm 2002, và chỉ có thể được áp dụng nếu Nga phải đối mặt với sự xâm lược hoặc "mối đe dọa xâm lược ngay lập tức".
Theo luật pháp Nga, lệnh thiết quân luật cho phép mở rộng quyền lực của quân đội và cơ quan thực thi pháp luật. Quân đội sẽ được áp đặt lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, thu giữ tài sản dân sự, giám sát thông tin liên lạc và yêu cầu công dân xây dựng lại các thành phố bị phá hủy.
Max Bergmann, Giám đốc chương trình Châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Thiết quân luật về cơ bản có nghĩa là cho phép quân đội ra quyết định, triển khai các nguồn lực khi cần thiết.”
Mátxcơva không kiểm soát hoàn toàn 4 khu vực vừa sáp nhập, vì vậy không rõ lệnh thiết quân luật ở những khu vực mà quân đội Nga kiểm soát sẽ được áp dụng như thế nào.
Các nhà chức trách thân Nga cho biết lệnh thiết quân luật sẽ gần như ít ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân ở Donetsk và Lugansk. Theo lãnh đạo Donestk – ông Denis Pushilin, trên thực tế nước cộng hòa tự xưng này đã phải sống trong trạng thái thiết quân luật suốt 8 năm rưỡi (từ sau khi ly khai khỏi chính quyền Kiev).
Trong khi đó, Bergmann cho biết việc áp lệnh thiết quân luật là cơ hội để Nga có thể huy động thêm nguồn lực cho quân đội. Tuy nhiên, Nga vẫn đang tiến hành huy động quân dự bị, nên không rõ liệu 4 khu vực thiết quân luật có triệu tập thêm lực lượng hay không.
Theo luật sư nhân quyền người Nga Pavel Chikov, thiết quân luật có nghĩa là thành lập các trạm kiểm soát và kiểm tra phương tiện. Ngoài ra, lệnh này cũng cho phép chính quyền di dời người dân đến các khu vực khác.
Ukraine từng cáo buộc Nga trục xuất người dân khỏi những vùng lãnh thổ “bị chiếm đóng”. Trong khi đó, Mỹ ước tính hồi tháng 9 rằng Nga có thể đã buộc trục xuất từ 900.000 đến 1,6 triệu người Ukraine.
Vladimir Saldo – lãnh đạo chính quyền thân Nga ở Kherson đã ra quyết định cấm dân thường vào khu vực này trong vòng 7 ngày, tuy nhiên vẫn chưa áp lệnh giới nghiêm. Trước đó hôm 19/10, ông Saldo thông báo rằng khoảng 50.000 đến 60.000 người sẽ được sơ tán khỏi một phần khu vực Kherson trong 6 ngày tới, khi Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công quyết liệt. Ông Saldo cũng xác nhận đang bắt đầu bàn giao quyền lực cho quân đội sau khi có quyết định thiết quân luật.
Ukraine phản ứng như thế nào?
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter rằng việc áp lệnh thiết quân luật “sẽ không thay đổi bất cứ điều gì” đối với các lực lượng Ukraine. "Chúng tôi tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ của mình.”
Sergiy Khlan, một phụ tá của cựu lãnh đạo vùng Kherson cho biết mục đích của Tổng thống Putin là “tạo ra một sự hoảng loạn ở Kherson và một hình ảnh để tuyên truyền”.
Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, chỉ trích hành động của Mátxcơva. Ông Danilov cho biết: “Thiết quân luật tại các vùng sáp nhập là để chuẩn bị cho việc trục xuất hàng loạt người dân Ukraine nhằm thay đổi thành phần dân tộc trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng biện pháp này là một dấu hiệu cho thấy ông Putin “đang rơi vào thế khó”.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó cáo buộc Nga đang sử dụng "chiến thuật tuyệt vọng" để duy trì sự kiểm soát của mình đối với các khu vực sáp nhập.
Nga hiện chưa lên tiếng về các cáo buộc này.