Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn mì tôm mỗi ngày?
Mì tôm - món ăn quốc dân quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên bởi sự tiện lợi và giá cả bình dân. Tuy nhiên, ẩn sau sự tiện lợi ấy là những tác hại tiềm ẩn cho sức khỏe nếu sử dụng quá nhiều.
Ăn mì tôm mỗi ngày gây thiếu dinh dưỡng
Mì tôm gần như không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng thiết yếu nào cho thể. Ăn mì tôi mỗi ngày sẽ khiến bạn thiếu hụt vitamin, khoáng chất, protein và chất xơ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, khi ăn mì tôm, cơ thể bạn sẽ nạp vào một lượng lớn calo, chủ yếu từ carbohydrate tinh chế và chất béo không lành mạnh gây hại cho sức khỏe. Mì tôm cũng chứa chất chống oxy hóa BHT (Butylated hydroxytoluene) có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin A và E của cơ thể.
Dẫn đến tăng huyết áp
Mì tôm gây tăng huyết áp chủ yếu do hàm lượng natri cao. Natri có tác dụng giữ nước trong cơ thể. Khi tiêu thụ nhiều natri, lượng nước trong máu sẽ tăng lên, dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp.
Ngoài ra, mì tôm thường chứa nhiều chất béo bão hòa và MSG (bột ngọt), những chất này cũng có thể góp phần làm tăng huyết áp. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ có thể gây tử vong
Gây tổn thương gan
Mì tôm, đặc biệt là các loại mì chiên dầu, chứa nhiều chất béo bão hòa. Khi cơ thể nạp quá nhiều các chất này, gan sẽ phải hoạt động hết công suất để xử lý, dẫn đến nguy cơ gan nhiễm mỡ, xơ gan.
Lượng natri cao trong mì tôm có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, gây ứ nước, tăng áp lực lên gan. Các chất phụ gia và chất bảo quản trong mì tôm cũng có thể gây hại cho gan, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài
Gây hại cho hệ tiêu hóa
Mì tôm được làm từ bột mì tinh chế nên gần như không chất xơ. Việc thiếu hụt chất xơ do ăn nhiều mì tôm có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, khó tiêu, trĩ.
Ngoài ra, do có hàm lượng natri cao, ăn mì tôm mỗi ngày có thể gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Hấp thụ nhiều natri qua mì tông cũng kích thích dạ dày tiết axit, làm tăng nguy cơ loét dạ dày, trào ngược axit.
Gây hại cho hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch cần nhiều vitamin và khoáng chất để hoạt động hiệu quả. Mì tôm chủ yếu cung cấp tinh bột và calo nhưng lại thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, C, E, kẽm, selen,... vì vậy ăn mì tôm mỗi ngày về lâu dài sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm.
Bên cạnh đó, mì tôm còn chứa hàm lượng TBHQ – một loại chất bảo quản thực phẩm cao gây hại cho hệ miễn dịch. Các nghiên cứu trước đó cho thấy TBHQ có thể làm giảm hiệu quả của vaccine cúm.
Gây rối loạn thị lực và đau đầu
Mì tôm chứa hàm lượng natri cao có thể làm tăng huyết áp và huyết áp cao, từ đó gây ra các cơn đau đầu và đau nửa đầu. Bột ngọt (MSG) cũng là một tác nhân gây đau nửa đầu thường thấy nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều. Trong khi đó, một số trường hợp bị rối loạn thị lực do chất bảo quản thực phẩm TBHQ có trong mì tôm cũng từng được báo cáo lên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ