Diệu Giác - Ngôi chùa Ni đầu tiên của người Việt tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, tối 12/11, tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Lào đã tổ chức lễ khánh thành công trình Tam bảo tại chùa Diệu Giác. Đây là một trong ba ngôi chùa Việt được cộng đồng người Việt xây dựng tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào.

Chùa Diệu Giác nằm cạnh một ngã tư đường ở thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannekhet. Ảnh: Đỗ Bá Thành/Pv TTXVN tại Lào

Chùa Diệu Giác nằm cạnh một ngã tư đường ở thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannekhet. Ảnh: Đỗ Bá Thành/Pv TTXVN tại Lào

Tham dự có đại diện Liên minh Phật giáo tại tỉnh Savannakhet; Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet; đại diện các ban, ngành liên quan của tỉnh Savannakhet, cùng đông đảo đông đảo bà con Phật tử Việt Nam và phật tử Lào đang làm ăn sinh sống tại địa bàn và tại Lào.

Dự án xây dựng Tam bảo chùa Diệu Giác được triển khai từ tháng 1/2022 với tổng vốn đầu tư khoảng 8,2 tỷ đồng Việt Nam do các chư tăng ni và phật tử trong và ngoài nước đóng góp. Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi chùa này đã hoàn thành việc trùng tu, nâng cấp đủ điều kiện thuận duyên để tổ chức tu học Phật pháp, làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trao đổi văn hóa và tìm hiểu giáo lý Phật đà cho cộng đồng phật tử hai nước Việt Nam - Lào.

Sư cô Hương Phước, Phó Trụ trì chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Sư cô Hương Phước, Phó Trụ trì chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Chùa Diệu Giác là ngôi chùa Ni đầu tiên của người Việt tại Trung Lào, được những người Việt sang lập nghiệp định cư tại đây xây dựng theo kiến trúc thuần Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trong gần 100 năm qua, ngôi chùa này đã là nơi sinh hoạt tôn giáo không chỉ của bà con Phật tử người Việt Nam, mà còn của các Phật tử người Lào.

Là một người dân sinh sống tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, bà Daonouly Boupphavanh thường xuyên đến các chùa Việt trong tỉnh để tham dự các sự kiện tôn giáo. Theo bà Daonouly, sở dĩ bà hay lui tới các chùa Việt là do người Lào và người Việt có quan hệ rất đoàn kết và gắn bó với nhau, nên mỗi khi các chùa Việt tổ chức lễ hội gì bà cũng đến tham dự.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, trong thời gian tới, Ban điều phối sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển thêm các chùa tại những tỉnh có cộng đồng người Việt sinh sống, để những ngôi chùa vừa là cầu nối văn hóa, vừa là nơi gắn kết cộng đồng người Việt nói riêng và gắn kết giữa hai Giáo hội và giữa hai dân tộc về lâu dài nói chung.

Các nhà sư tại lễ khánh thành Tam bảo chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Các nhà sư tại lễ khánh thành Tam bảo chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Theo số liệu của Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện tại Lào có 15 ngôi chùa Việt trải dài từ Bắc, Trung cho tới Nam Lào với khoảng 20 chư tăng, ni. Tất cả các ngôi chùa Việt tại Lào đều là thành viên của Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào và có quan hệ chặt chẽ với Hội người Việt Nam tại địa phương. Hoạt động của các chùa Việt tại Lào đều phù hợp với phong tục tập quán của Lào và Phật giáo.

Các hoạt động văn hóa, tâm linh và Phật giáo của các ngôi chùa Việt không chỉ đang ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia, mà còn là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam - Lào anh em.

Phạm Kiên - Bá Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/dieu-giac-ngoi-chua-ni-dau-tien-cua-nguoi-viet-tai-lao-20231113094924046.htm