Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả

Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao đầu năm nếu đến cuối tháng 6 chưa được phân bổ.

Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ chi sẽ tập trung thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu

Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ chi sẽ tập trung thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu

Chi ngân sách 6 tháng đạt gần 38% dự toán

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, chi ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Sửa quy định sử dụng chi thường xuyên sửa chữa công trình, trụ sở

Thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền phân bổ số kinh phí ngân sách Trung ương đã bố trí còn lại cho các nhiệm vụ.

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2024, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đảm bảo thời hạn quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, đã ban hành Thông tư số 76/2023/TT-BTC hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024.

Những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, đã kiến nghị Chính phủ quy định, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm chi NSNN. Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể về phạm vi, phương thức thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm 2024, để dành thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tập trung đảm bảo nguồn cải cách tiền lương

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 tương ứng với số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đến ngày 15/5/2024.

Tại kỳ họp vừa qua của Quốc hội, thảo luận tại Quốc hội cũng như trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng điều hành rất quyết liệt tập trung vào các giải pháp về chi ngân sách, hỗ trợ tăng trưởng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) và một số đại biểu ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển, tập trung vào các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế. Trong đó, nhờ nỗ lực của ngành Tài chính, bội chi ngân sách đã được kéo giảm, tạo dư địa để triển khai các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-chi-ngan-sach-nha-nuoc-chat-che-tiet-kiem-hieu-qua-154793.html