Du lịch Hà Nội kỳ vọng đột phá

Thủ đô Hà Nội vốn có tiềm năng vô cùng lớn trong việc phát triển du lịch nhờ sở hữu bề dày về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi thế này, cần những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp và hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mang tính định hướng mới cho ngành văn hóa, thể thao, du lịch Hà Nội.

Có thể kể đến như Điều 21 của Luật là nội dung dành riêng về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch của thành phố. Các quy định mới nêu rõ về nhóm các khu vực, di tích, di sản, công trình tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Tiêu biểu là Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đều được đề cập trong luật mới.

Điều luật này cũng quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức bình thường đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể và những ai thực hiện việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Rõ ràng, nguồn lực được ưu tiên dành cho những người làm trong mảng văn hóa, du lịch di sản để nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô.

Ngành du lịch Hà Nội có thể “cất cánh” nhờ Luật Thủ đô

Ngành du lịch Hà Nội có thể “cất cánh” nhờ Luật Thủ đô

Đặc biệt, Luật Thủ đô mở ra hướng đi để Hà Nội phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện để làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. So với luật cũ, thì kinh tế nông nghiệp nông thôn tại Hà Nội - bao gồm du lịch đã được quy định rõ ràng hơn. Điều 32 nhấn mạnh, Hà Nội phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được sử dụng đất kết hợp đa mục đích, được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Hà Nội cũng đưa ra định hướng sẽ ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm trong luật mới. Nhiều chuyên gia tin rằng, điều này có thể tạo ra sức bật cho du lịch nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề của Hà Nội phát triển một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, tại các Điều 39, 41, 43 đã nêu rõ những ưu đãi đối với văn hóa, thể thao, du lịch. Việc cụ thể hóa các nội dung, điều khoản liên quan về chính sách so với luật cũ được đánh giá là mang tính định hướng là tiền đề tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của các lĩnh vực này.

Đối với các doanh nghiệp, tại khoản b điều 7 Luật Thủ đô quy định Khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành… Doanh nghiệp có thể căn cứ theo các quy định mới để tự chủ tài chính trong quá trình đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ ngành du lịch. Như vậy, Luật Thủ đô đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành du lịch khai thác các giá trị, tài nguyên về văn hóa, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chia sẻ rằng, họ đang rất kỳ vọng Luật Thủ đô mới sẽ mang đến những tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp của ngành. Dự kiến khi luật có hiệu lực vào năm 2025 sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm hơn với các dự án về văn hóa, du lịch tại Thủ đô. Ngành du lịch Hà Nội qua đó có thể phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Có thể thấy, Luật Thủ đô chính là một cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để ngành Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới. Để làm được điều này, cần sớm đưa luật vào cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, Luật Thủ đô có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, nếu không thể chế hóa, không nỗ lực trong tổ chức thực hiện thì không phát huy được nhiều. Ông Anh cũng nhấn mạnh thêm, để luật đi vào cuộc sống thì tất cả các sở, ngành phải rà soát các quy định liên quan, nếu chưa phù hợp phải tiến hành chỉnh sửa hoặc ban hành mới. Cùng với đó, hàng năm phải đánh giá để kịp thời điều chỉnh. Nếu chưa phù hợp thì các cơ quan quản lý phải đề xuất điều chỉnh ngay, nhất là các quy định chi tiết.

Các doanh nghiệp một mặt dù rất mong chờ các văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan quản lý nhưng cũng cần phải chủ động tăng cường công tác tham mưu để UBND thành phố đưa ra những chính sách, văn bản pháp lý vừa đúng, vừa trúng nhu cầu mong muốn của ngành du lịch nói chung. Đồng thời, theo các chuyên gia, chính quyền thành phố ngoài việc thực thi luật một cách hiệu quả cũng cần đưa ra những định hướng mở rộng khai thác thị trường cũng như khai thác tiềm năng văn hóa của Hà Nội trong việc xây dựng những tour, tuyến mới. Từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp với thị hiếu du khách, qua đó thu hút du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-lich-ha-noi-ky-vong-dot-pha-154218.html