Điều hành lãi suất trái phiếu chính phủ theo nguyên tắc thị trường

Năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức điều hành, quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, minh bạch, hiệu quả và đã nộp vào ngân sách trung ương 1.200 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ. Năm 2023, Kho bạc Nhà nước phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn do Bộ Tài chính giao, đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn tỷ lệ kỳ hạn theo nghị quyết của Quốc hội; đồng thời điều hành lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Phát hành trái phiếu chính phủ đáp ứng đủ nhu cầu vốn

Trong năm 2022, trước bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ biến động mạnh, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã theo sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi của ngân sách trung ương (NSTW) và tồn ngân quỹ nhà nước (NQNN) để báo cáo Bộ Tài chính có các giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), với chi phí vay hợp lý.

Theo đó, KBNN đã điều hành khối lượng phát hành TPCP ở mức thấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của NSTW và duy trì hoạt động thường xuyên của thị trường.

Tính đến hết ngày 20/12/2022, KBNN đã huy động được 203.222 tỷ đồng (trong tổng kế hoạch là 400.000 tỷ đồng) với kỳ hạn phát hành TPCP bình quân 12,67 năm. Lãi suất phát hành TPCP bình quân 3,41%/năm và kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP 9,09 năm, phù hợp với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN, cho biết mặc dù khối lượng phát hành TPCP năm 2022 đạt thấp so với kế hoạch công bố đầu năm, nhưng cùng với thu NSTW và triển khai đồng bộ các giải pháp, KBNN đã đáp ứng thanh toán đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi của NSTW; đặc biệt là chi an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo không huy động thừa so với nhu cầu của NSTW.

Cũng theo ông Hoàng, kết quả huy động vốn TPCP của KBNN đã đáp ứng mục tiêu đề ra gồm: huy động đủ vốn bù đắp bội chi và trả nợ gốc của NSTW và tình hình giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo là kênh huy động vốn ổn định, hiệu quả của NSTW; tái cơ cấu danh mục nợ TPCP nói riêng và nợ công nói chung để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; duy trì và phát triển thị trường TPCP làm tham chiếu cho thị trường vốn.

Trong quản lý NQNN, căn cứ dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trong nước và dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội phê chuẩn, từ cuối năm 2021, KBNN đã dự báo luồng tiền của NQNN theo đúng quy định. Bên cạnh đó, KBNN thường xuyên phối hợp với Vụ NSNN, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để rà soát, cập nhật thông tin dự báo phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, KBNN xây dựng và tổ chức thực hiện phương án điều hành NQNN quý, năm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị, tổ chức kinh tế mở tài khoản tại KBNN.

Trước bối cảnh thị trường biến động mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng, việc KBNN tiếp tục tập trung toàn bộ NQNN tại tài khoản thanh toán tập trung của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ, quản lý dòng tiền trong lưu thông và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi được KBNN ưu tiên sử dụng cho NSTW vay theo quy định đã giúp giảm áp lực huy động vốn TPCP từ thị trường khi mặt bằng lãi suất tăng cao.

Theo thống kế của KBNN từ năm 2019 đến nay, thông qua các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi (gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, mua lại có kỳ hạn TPCP…), KBNN đã góp vào NSTW trên 11 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất phù hợp với nguyên tắc thị trường

Năm 2023, kế hoạch vốn huy động qua phát hành TPCP được giao cho KBNN là 400.000 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch được giao, ông Lưu Hoàng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi NSTW, tồn NQNN để tổ chức phát hành và quản lý danh mục TPCP chủ động, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Huy động trái phiếu chính phủ đạt hơn 30% kế hoạch quý I/2023

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong tháng đầu tiên của năm 2023, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đã được phát hành là 32.832 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng) và 8,21% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng).

Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,51 năm; kỳ hạn còn lại danh mục là 9,18 năm; lãi suất phát hành bình quân là 4,54%/năm.

Trong tháng 1/2023, KBNN đã tập trung điều hành ngân quỹ đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch (cả bằng VNĐ và ngoại tệ) khi nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, trả nợ nước ngoài… tăng cao trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, KBNN tiếp tục triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo phương án điều hành ngân quỹ nhà nước được Bộ Tài chính phê duyệt; quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ.

Đồng thời, KBNN tiếp tục điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với nguyên tắc thị trường, định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đặc biệt, KBNN đa dạng hóa các sản phẩm TPCP đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; hình thành các mã TPCP chuẩn với quy mô đủ lớn để thúc đẩy thanh khoản của thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn; củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư TPCP của các nhà đầu tư dài hạn.

Đối với công tác quản lý NQNN, ông Hoàng cho biết, KBNN tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ- CP quy định chế độ quản lý NQNN và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn. KBNN cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp dự báo luồng tiền và nguồn thông tin đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng của công tác dự báo luồng tiền; tổ chức quản lý NQNN an toàn, hiệu quả, chủ động theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện khung quản lý rủi ro, đảm bảo các rủi ro trong quản lý NQNN được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro cho phù hợp. Tiếp tục gắn kết chặt chẽ quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ; đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, bám sát mục tiêu và các giải pháp, nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý ngân quỹ nhà nước

Căn cứ định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, trên cơ sở Đề án đánh giá kết quả quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) giai đoạn 2016 - 2020 và giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý NQNN, KBNN xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Theo đó, các quy định về nguyên tắc quản lý NQNN tiếp tục được hoàn thiện; đồng thời sửa đổi các quy định về tạm ứng/vay NQNN của NSNN để thống nhất với Luật Quản lý nợ công năm 2017; bổ sung quy định về xử lý thiếu hụt NQNN bằng ngoại tệ; hoàn thiện quy định về biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN; sửa đổi quy định về tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng phù hợp với tình hình thực tế và định hướng cải cách hệ thống thanh toán theo mô hình tập trung của KBNN…

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-lai-suat-trai-phieu-chinh-phu-theo-nguyen-tac-thi-truong-121984-121984.html