Điều ít biết về hệ thống tên lửa chiến thuật LORA của Israel

Hệ thống tên lửa chiến thuật LORA tấn công tầm xa do Israel phát triển có đặc tính kỹ chiến thuật cao, song chưa có nhiều lợi thế trên thị trường quốc tế do chịu cạnh tranh cao và xu hướng suy giảm chung của các hệ thống tên lửa chiến thuật hiện nay.

Ngành công nghiệp Israel cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước rất nhiều tổ hợp và hệ thống vũ khí khác nhau. Tuy nhiên, không phải dự án phát triển nào cũng nhận được sự quan tâm như mong đợi.

Trong số đó có hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật LORA do Israel Aerospace Industries (IAI) phát triển đầu những năm 2000. Hiện nay hệ thống tên lửa LORA tấn công tầm xa hiện đại của Israelvẫn chưa phổ biến trên thị trường, mà chỉ mới đưa vào phục vụ ở một số quốc gia, với số lượng rất hạn chế.

khí chiến thuật đầy hứa hẹn

Sự phát triển của hệ thống tên lửa chiến thuật LORA tấn công tầm xa (Long-Range Artillery Weapon System) bắt đầu vào đầu những năm 2000. Trong giai đoạn năm 2003-2004, tổ hợp LORA đã được thử nghiệm trên đất liền và trên biển. Sau khi hoàn thành thử nghiệm vào năm 2006, tổ hợp này lần đầu tiên được trưng bày tại một triển lãm kỹ thuật quân sự quốc tế Eurosatory ở Pháp, và sau đó được quảng bá trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Tên lửa này cũng xuất hiện trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Paris năm 2007. Nhà sản xuất IAI đã tiến hành thử nghiệm bắn thành công hệ thống LORA vào tháng 6-2017.

Israel thử nghiệm thành công tổ hợp tên lửa chiến thuật LORA. Ảnh:IAI

Israel thử nghiệm thành công tổ hợp tên lửa chiến thuật LORA. Ảnh:IAI

Trước khi triển khai dự án LORA, một số nhiệm vụ chính đã được đặt ra đối với các hệ thống tên lửa chiến thuật. Những nhiệm vụ này đã được các nhà chế tạo giải quyết bằng cách tạo ra một tên lửa đạn đạo mới và bổ sung thêm các thành phần khác.

Theo đó, tên lửa cần đạt được tầm bắn tối đa, tương đương với dòng tên lửa tác chiến-chiến thuật. Ngoài ra, các yêu cầu cũng đặt ra về độ chính xác cao của đòn đánh và khả năng bắn trúng các mục tiêu khác nhau. Tên lửa có tính linh hoạt cao trong việc sử dụng tương thích với các nền tảng mặt đất và dưới nước.

Tất cả các nhiệm vụ đề ra đã được hoàn thành xuất sắc, dẫn đến sự ra đời chính thức của hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật LORA. Đồng thời, sự phát triển của hệ thống LORA không dừng lại ở đó. Nhà sản xuất IAI tiếp tục cải thiện dự án và thường xuyên tiến hành các thử nghiệm mới. Vì vậy, những lần phóng cuối cùng của hệ thống này đã được thực hiện trên biển đầu mùa hè năm 2020, với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Israel.

Mặc dù có một thiết kế hoàn hảo nhất định, hiệu suất cao và khả năng tác chiến đã được công bố, hệ thống tên lửa chiến thuật LORA vẫn chưa thể chiếm lĩnh được vị trí mong muốn trên thị trường quốc tế. Trong 15 năm qua, đơn vị phát triển chỉ nhận được một hợp đồng cung cấp LORA, với số lượng hạn chế.

Đặc tính kỹ thuật hiện đại

LORA là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tấn công chính xác được phát triển bởi bộ phận MALAM của tập đoàn chế tạo Israel Aerospace Industries (IAI). Đây là một hệ thống vũ khí đối đất tầm xa được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

LORA có thể được sử dụng để tấn công cả các mục tiêu cố định và di động, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong danh mục tên lửa sử dụng cho tổ hợp LORA của IAI bao gồm các tên lửa Barak 8, Arrow-2 và Arrow-3.

 Tên lửa của tổ hợp LORA di chuyển trong giai đoạn đầu của đòn tấn công. Ảnh: IAI.

Tên lửa của tổ hợp LORA di chuyển trong giai đoạn đầu của đòn tấn công. Ảnh: IAI.

Thành phần chính của tổ hợp LORA là một tên lửa đạn đạo đẩy chất rắn một tầng. Trong phiên bản gốc do Lực lượng Phòng vệ Israel cung cấp, sản phẩm này có tấn công mục tiêu ở cự ly ngắn 90 km và tầm xa lên đến 430km. Để tuân thủ quy định xuất khẩu, tầm bắn của LORA sau đó được hạn chế ở mức 300 km.

Tổ hợp tên lửa LORA được chế tạo trong một thân hình trụ, với đầu hình nón, được trang bị một bộ bánh lái hình chữ X. Khoang đầu của phần thân được bố trí các đầu đạn. Hầu hết các phần còn lại được bố trí động cơ nhiên liệu rắn. Khoang dụng cụ với thiết bị điều khiển nằm ở đuôi. Chiều dài của tên lửa là 5,2 m với đường kính vỏ là 625 mm. Trọng lượng khi phóng đạt 1.600 kg.

LORA được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh và thiết bị định vị quán tính, cho phép nó tấn công các mục tiêu đứng yên với tọa độ biết trước. Tên lửa có khả năng tích hợp với vô tuyến nhằm hướng dẫn thiết bị đầu cuối, và điều khiển bay bằng hệ thống vô tuyến điện.

Tên lửa có khả năng thực hiện nhiều thao tác khác nhau để khởi hành từ một quỹ đạo dự kiến trước. Quá trình tự động vẫn được duy trì nhằm kiểm soát tất cả các giai đoạn của chuyến bay, cho đến khi đánh trúng mục tiêu. Tùy thuộc vào loại mục tiêu dự định, tên lửa có thể rơi với góc từ 60 độ đến 90 độ so với đường chân trời. Độ lệch mục tiêu là 10 m.

Trọng tải của tên lửa LORA đạt 570 kg. Một khối nổ mảnh và đầu đạn xuyên thấu, cũng như băng tải các loại bom, đạn con khác nhau cũng được phát triển và cung cấp cho khách hàng. Hiện tại, trong tài liệu chính thức của dự án mới chỉ xuất hiện loại đầu đạn phân mảnh có độ nổ cao.

Tên lửa được trang bị động cơ đẩy rắn, có nhiệm vụ khởi động và tăng tốc trong giai đoạn hoạt động. Một động cơ như vậy cung cấp đủ năng lượng cho hành trình bay ở khoảng cách hơn 350-400 km và cơ động trên quỹ đạo. Trong quá trình bay, tên lửa phát triển tốc độ siêu thanh.

Tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật LORA cũng bao gồm các hệ thống điều khiển hỏa lực được lắp đặt trên tàu sân bay. Chúng bao gồm các thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống định vị vệ tinh, máy tính tốc độ cao và thiết bị nhập dữ liệu vào thiết bị điện tử của tên lửa. Thời gian chuẩn bị bắn nhanh nhất đạt được (từ khi nhận lệnh bắn mục tiêu đến khi phát nổ đầu đạn tùy theo cự ly bắn) không quá 10 phút.

Hệ thống vũ khí có thể tấn công chính xác một loạt các mục tiêu bao gồm tên lửa đất đối đất chiến thuật (SSM), căn cứ không quân, các đơn vị hệ thống tên lửa phóng nhiều lần, các đơn vị tên lửa phòng không, cũng như các sở chỉ huy của đối phương.

Bệ phóng tên lửa cơ động

Tên lửa LORA được chuyển giao trong các thùng vận chuyển và phóng kín. Thời hạn sử dụng được đảm bảo là 7 năm. Thùng chứa tên lửa có mặt cắt hình chữ nhật và các vách có gân đặc trưng. Bên trong có một thanh dẫn dọc, giúp giữ tên lửa trong quá trình vận chuyển và thiết lập quỹ đạo xuất phát.

Thùng chứa tổ hợp tên lửa LORA có thể được sử dụng trên nhiều loại bệ phóng khác nhau. Đầu tiên, một đơn vị gồm 4 container được phát triển để gắn trên khung xe. Bệ chở có cần nâng, được lắp trên xe có tải trọng tối thiểu 16 tấn. Các thiết bị điều khiển được lắp đặt trong buồng lái.

Bệ phóng đa năng ở vị trí khai hỏa của tổ hợp LORA.

Bệ phóng đa năng ở vị trí khai hỏa của tổ hợp LORA.

Các tổ hợp tên lửa LORA lắp trên khung gầm bánh lốp đã được sử dụng trong tất cả các cuộc thử nghiệm lớn do IAI và khách hàng tiềm năng thực hiện. Các tổ hợp trên được bắn từ mặt đất và từ boong tàu nổi. Trong mọi trường hợp, chúng đều có thể đạt được các yêu cầu về khả năng chiến đấu cao.

Theo yêu cầu của khách hàng, bệ phóng cho 4 tên lửa có thể được đặt trực tiếp trên tàu chiến. Trong trường hợp này, nhà sản xuất có thể sửa đổi thiết kế, có tính đến các chi tiết cụ thể của hoạt động hàng hải, và các phương tiện điều khiển hỏa lực được tích hợp vào các hệ thống chung của tàu.

Ngoài ra, theo IAI, chi phí bảo dưỡng tên lửa rất thấp, vì được đặt trong thùng kín. Nó có thể dễ dàng vận chuyển, bởi yêu cầu không gian bệ phóng rất nhỏ trong các hoạt động hàng hải. Bốn tên lửa kín có thể được chở trên một xe tải 16 tấn cho các hoạt động tác chiến trên mặt đất.

Một trong những tính năng ưu việt của LORA là khả năng sống sót cao khi bay với vận tốc siêu âm và chế độ bay theo quỹ đạo định hình. Nó cải thiện thời gian phản hồi và độ chính xác cao hơn, đồng thời có thể hoạt động mọi thời điểm mà không bị hạn chế về thời tiết hoặc tầm nhìn.

Khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Tổ hợp tên lửa chiến thuật LORA gia nhập thị trường quốc tế vào năm 2006, và nhà sản xuất IAI bắt đầu chờ đợi các đơn đặt hàng. Tuy nhiên, điều không mong đợi cho các nhà phát triển là những khách hàng tiềm năng không quan tâm nhiều đến hệ thống vũ khí mới này. Đơn đặt hàng đầu tiên dành cho LORA diễn ra sau nhiều năm từ khi bắt đầu chiến dịch quảng cáo.

Song, IAI không mất hy vọng, mà tiếp tục giữ hệ thống tên lửa LORA trong danh mục các sản phẩm đặt hàng có sẵn. Khách hàng ban đầu của LORA là Lực lượng Phòng vệ Israel. Nhưng vì một số lý do, nhà sản xuất không quan tâm nhiều đến việc phát triển trong nước.

 Tổ hợp LORA xuất hiện tại buổi duyệt binh của quân đội Azerbaijan năm 2018. Ảnh: AP.

Tổ hợp LORA xuất hiện tại buổi duyệt binh của quân đội Azerbaijan năm 2018. Ảnh: AP.

Tháng 12-2017, truyền thông Nga và nước ngoài đã đưa tin về một nỗ lực khác của quân đội Israel nhằm phá hủy các cơ sở của Syria. Có thông tin cho rằng, tổ hợp LORA đã được sử dụng trong chiến dịch này, nhưng hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-C1 do Nga sản xuất đã bắn hạ một tên lửa đang bay. Israel đã không bình luận về những tin tức trên và không xác nhận sự hiện diện của tổ hợp LORA trong hoạt động.

Vào giữa năm 2018, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của LORA đã được công bố. Một số bệ phóng và tên lửa LORA đã được Azerbaijan mua lại. Tháng 6-2018, hai phương tiện chiến đấu trên đã tham gia vào cuộc duyệt binh quân sự ở Baku. Theo The Military Balance 2021, đây là toàn bộ tổ hợp tác chiến-chiến thuật mới của quân đội Azerbaijan.

Vào mùa thu năm 2020, lần đầu tiên việc sử dụng tên lửa LORA trong chiến đấu đã được báo cáo. Quân đội Azerbaijan đã sử dụng những vũ khí này để phá hủy một cây cầu quan trọng trong khu vực Shusha, trong cuộc xung đột vũ trang với Armenia ở Karabakh.

Với đặc tính kỹ chiến thuật cao, tổ hợp tên lửa LORA được coi là vũ khí hiện đại thành công. Việc có ít các đơn đặt hàng lớn có thể được giải thích bởi sự suy giảm chung về các hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật hiện nay và sự cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Đối với các thế mạnh của mình, LORA chưa tạo ra nhiều lợi thế so với các công ty phát triển nước ngoài khác.

Cho đến nay, không có nhiều thông tin về sự quan tâm từ những khách hàng tiềm năng mới đối với LORA. Có lẽ việc sử dụng thành công tổ hợp LORA trong chiến đấu sẽ thu hút sự chú ý và ảnh hưởng tích cực đến triển vọng thương mại của nó trong tương lai. Trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, chiến dịch quảng cáo của nhà sản xuất IAI đã không mang lại nhiều kết quả, song các sự kiện gần đây có thể sẽ có sự thay đổi tích cực đối với vũ khí chiến thuật hiện đại của Israel.

MINH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/dieu-it-biet-ve-he-thong-ten-lua-chien-thuat-lora-cua-israel-658378