Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Kinh thành Huế – tức Kinh đô Phú Xuân được vua Gia Long cho đo đạc, lập đồ án từ năm 1802 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1805, đến năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng hoàn thành.
Đây là một công trình đô thị đặc sắc thời phong kiến, cũng là một công trình quân sự phòng thủ có ý nghĩa quan trọng. Kinh thành là vòng thành ngoài cùng, bên trong còn có Hoàng thành, Tử Cấm thành và nhiều công trình của triều đình, công trình nhà ở dân sinh khác.
Toàn cảnh di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng.
Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) thông tin, kinh thành Huế có tất cả 10 cổng thành chính và 3 cổng phụ, trong đó mặt trước hướng Nam có 4 cổng, ba mặt còn lại mỗi mặt có 2 cổng cùng một cổng phụ có tên Trấn Bình Môn và 2 thủy quan.
Cách đặt tên của 13 cửa này khá đơn giản, ngoài 2 cửa chính dành cho Hoàng gia là Thế Nhân, Quảng Đức và cửa Trấn Bình, những cửa còn lại đều được đặt tên theo phương hướng như Chính Nam, Tây Nam, Chính Tây…
Khi mới xây dựng vào năm 1809 dưới thời vua Gia Long, 10 cửa này chỉ có dạng như một ám môn tương tự như Trấn Bình Môn hiện nay nhưng lớn hơn về kích thước. Đến thời Minh Mạng, cho xây dựng thêm 10 vọng lâu trên 10 cửa thành. Mỗi vọng lâu có 2 tầng kết hợp với cửa vòm bên dưới tạo thành một tổng thể kiến trúc lớn, nổi bật lên trên thân thành.
"Với lối kiến trúc đó, các cửa của Kinh thành Huế không chỉ mang giá trị về giao thông, phòng thủ cao khi kết hợp với các pháo đài xung quanh mà còn mang giá trị nghệ thuật kiến trúc thành trì của Việt Nam thời Nguyễn", Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay.
Dưới đây là những hình ảnh về các cửa ra vào di tích Kinh thành Huế do PV ghi nhận:
Thể Nhân Môn (còn gọi là cửa Ngăn) nằm ở mặt nam, bên trái Kỳ Đài, trên con đường lưu thông một chiều từ đường Lê Duẩn vào đường 23 tháng 8. Cửa này được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long. Trải qua thời gian, công trình bị hư hại, từ năm 2003-2004, Thể Nhân Môn được trùng tu tổng thể với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng cho đến ngày nay.
Quảng Đức Môn (còn gọi cửa Quảng Đức) nằm ở mặt nam, bên phải Kỳ Đài, trên con đường lưu thông một chiều từ đường Lê Duẫn vào đường 23 tháng 8. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng từ năm 1809 dưới thời vua Gia Long. Vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Quảng Đức Môn được trùng tu lại vào năm 1997 - 2000 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Chánh Nam Môn (còn được gọi cửa Nhà Đồ) theo cách lý giải của L. Cadìere và nhà nghiên cứu Bửu Kế là: từ thời Gia Long, ở gần bên ngoài cửa này có một kho chứa đồ đạc của triều đình gọi là Đồ Gia (nhà để đồ) nên được người dân gọi như trên. Cửa này ở mặt nam của Kinh thành, ở bên phải cửa Quảng Đức, trên đường Nguyễn Trãi hiện nay. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long. Vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Từ năm 2003-2005 Chánh Nam Môn được trùng tu với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Đông Nam Môn (còn gọi cửa Thượng Tứ) nằm ở mặt nam Kinh thành Huế, ở bên trái cửa Ngăn, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng đi ra đường Trần Hưng Đạo. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Cửa Thượng Tứ được trùng tu vào tháng 10 năm 2004.
Chánh Đông Môn (còn gọi cửa Đông Ba) nằm ở mặt phía đông của Kinh thành trên đường Mai Thúc Loan. Có tên gọi này vì tên của pháo đài Đông Hoa ở bên trái cửa có từ thời vua Gia Long. Đến đầu thời Thiệu Trị, vì triều đình kiêng húy mẹ vua nên Đông Hoa đổi thành Đông Gia nhưng trong dân gian lại dùng tên Đông Ba để gọi tên. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1824 dưới thời vua Minh Mạng. Theo thời gian, cửa Đông Ba bị hư hại, xuống cấp, đến năm 2009 được trùng tu hoàn chỉnh.
Đông Bắc Môn còn có tên gọi cửa Kẻ Trài vì ngày xưa Kẻ Trài là tên của một xóm phía trước cửa thành này, bên kia sông Đông Ba. Cửa Kẻ Trài nằm trên con đường Cửa Trài, trên đường đi vào đồn Mang Cá Lớn. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1824 dưới thời vua Minh Mạng. Hiện nay, cửa này được trùng tu.
Chánh Tây Môn nằm ở mặt tây của Kinh thành Huế, trên đường Thái Phiên. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Do xuống cấp, năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và phục hồi. Đến nay, Chánh Tây Môn được trả lại hình dạng như xưa với đầy đủ các hạng mục.
Tây Nam Môn còn được gọi cửa Hữu xây dựng vào năm 1809 dưới triều vua Gia Long, đến năm 1829 vua Minh Mạng lại cho xây dựng thêm phần vọng lâu ở bên trên. Tháng 11/1999 trận lụt lịch sử ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền móng và tường của cửa này. Năm 2005-2006 cửa Hữu được trùng tu hoàn thành, tồn tại cho đến nay.
Chánh Bắc Môn còn gọi cửa Hậu vì nằm ở mặt sau của Kinh thành Huế, đoạn cuối đường Đinh Tiên Hoàng đi ra đường Tăng Bạt Hổ. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng.
Tây Bắc Môn còn gọi cửa An Hòa (vì trước cửa này là làng An Hòa và chợ An Hòa), cửa nằm ở mặt bắc Kinh thành Huế đoạn cuối đường Nguyễn Trãi. Phần cửa vòm bên dưới được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng.
Bên cạnh 10 cửa chính của Kinh thành Huế, ở góc đông bắc còn có 1 cổng phụ đi từ Kinh thành qua Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá Nhỏ) là Trấn Bình Môn với ý nghĩa trấn giữ đê được thanh bình.
Ngoài 11 cửa đường bộ, Kinh thành Huế còn có 2 cửa đường thủy gồm Tây Thành Thủy Quan và Đông Thành Thủy Quan ở đầu phía tây và đông của Ngự Hà. (Trong ảnh: Tây Thành Thủy Quan).
Trong khi Tây Thành Thủy Quan được xây cất một cách đơn giản, Đông Thành Thủy Quan lại được bài trí và bố phòng một cách quy mô và cẩn mật. Đây là cổng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc giao thông, vận chuyển hàng hóa từ Bao Vinh và sông Hương vào Kinh thành Huế qua cống vòm xây bằng đá Thanh và có cửa đồng đóng mở.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trong hệ thống 13 cửa thành nói trên, ngoài 2 cửa đường thủy ở hai đầu Ngự Hà và Trấn Bình Môn thông từ Kinh thành ra Trấn Bình Đài, 10 cửa đường bộ còn lại được xây dựng đối xứng nhau theo từng cặp theo trục Đông – Tây và Bắc – Nam.
Với việc quy hoạch 5 cặp cửa thành đối xứng nhau trên cùng trục đường phố chia Kinh thành Huế thành 9 ô lớn theo cấu trúc bàn cờ, đây là kiểu quy hoạch kiến trúc đô thị truyền thống phổ biến ở các nước phương Đông. Dưới triều Nguyễn, 4 trục đường nối thông 10 cửa thành đường bộ này là 4 con phố chính bên trong Kinh thành, phục vụ nhu cầu đi lại của hoàng gia, bộ máy quan lại và cả nhân dân ở trong Kinh thành.
Về kích thước của 10 cửa chính, theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, chiều cao của các cổng thành tương đương nhau cao 4 trượng 1 thước tương đương với 17,425m. 10 cửa chính của Kinh thành vững bền, uy nghi nhưng vẫn không mang lại cảm giác nặng nề, các đường nét của công trình được xử lý khéo léo với những đường cong của cửa vòm, cửa sổ, bờ nóc, bờ quyết đã làm cho công trình kiến trúc nhẹ nhàng hơn.
Trong lịch sử, các cửa của Kinh thành Huế chịu nhiều tác động bởi chiến tranh, thiên tai và cả con người nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng đơn vị liên quan trùng tu hoàn chỉnh 10 cửa chính của Kinh thành.
Hoàng Dũng